Khách hàng tốt chỉ vay lãi suất 10%
Trong cuộc đối thoại lần đầu giữa cộng đồng doanh nghiệp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 29/4, ngoài những mong mỏi loại bớt “rừng” giấy phép con, giảm tải bị “hành” về thủ tục thuế, hải quan, giới kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp (DN) nhỏ còn mong “đỏ mắt” được nguồn vốn vay giá rẻ.
Đi cùng với đó, các DN nhất là DN mới thành lập, DN vừa và nhỏ cũng kêu rất khó tiếp cận vốn vay. Một thống kê được nêu lên, nếu như 76% số DN lớn vay được vốn từ ngân hàng thì tỷ lệ này dành cho DN vừa là 72%, DN nhỏ là 60% và DN siêu nhỏ chỉ là 38%. Nguyên nhân chủ yếu là bên vay bắt buộc phải có tài sản thế chấp, thủ tục vay vốn phiền hà…
Tại buổi đối thoại này, ông Lê Minh Hưng, Thống đốc NHNN Việt Nam cam kết giới nhà băng sẽ giữ ổn định mặt bằng lãi suất vay và có thể còn hạ. Cùng thời điểm với tuyên bố của thống đốc, các ngân hàng lớn như Vietcombank lập tức công bố hạ trần lãi suất vay xuống chỉ còn 10%/năm; BIDV giảm 0,5% lãi suất vay với khách hàng tốt và giữ mức 10% với lãi suất trung dài hạn; VietinBank cũng áp dụng tương tự lãi suất 10% với khách hàng tốt; Còn Techcombank, TPBank, LienVietPostbank thì cũng lập tức thông tin đã sẵn sàng “tung” gói vay vài ngàn tỷ giá rẻ đặc biệt ưu tiên các DN trong lĩnh vực xuất khẩu.
Đi kèm hạ lãi suất, ngày 2/5, Agribank chỉ đạo chi nhánh các tỉnh tiến hành giãn nợ, cơ cấu nợ và hạ lãi suất cho vay ngắn hạn xuống còn 6%/năm; trung dài hạn còn 8%/năm hỗ trợ tín dụng cho ngư dân, nông dân miền Trung đối mặt rủi ro cá chết hàng loạt. Ngày 4/5, Vietcombank tuyên bố công bố điều chỉnh hạ tiếp lãi suất vay về 9%/năm cho tất cả các khách hàng tại khu vực miền Trung có dư nợ trung dài hạn trên 9%/năm.
Sự kiện giới nhà băng đồng loạt phái tín hiệu hạ lãi suất vay nhận được sự hưởng ứng cao của cộng đồng DN, đặc biệt với những DN đang vất vả chống đỡ với chi phí cao và hàng tồn kho lớn. Tuy nhiên, cũng không ít DN e ngại các “gói” vay của ngân hàng đều có hạn mức cụ thể và để tiếp cận được vẫn còn phải vượt qua nhiều rào cản.
Hoài nghi vì còn rào cản
Trước việc các “ông lớn” ngân hàng rầm rộ tuyên bố hạ lãi suất, chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu phân tích chỉ ra 3 yếu tố đang là bước cản, đặc biệt khiến ngân hàng nhỏ khó giảm lãi suất hơn đó là: Chi phí vốn vẫn tăng do thời gian vừa qua các ngân hàng thực hiện tăng lãi suất tiền gửi, trong trường hợp lãi suất tiền gửi tăng như hiện nay thì lãi suất cho vay khó có thể hạ xuống; Cùng đó, tỷ lệ lạm phát năm nay có thể tăng 3% - 5% trong khi năm ngoái, tỷ lệ lạm phát rất thấp ở mức 0,63%.
Trước hoài nghi liệu ngân hàng sẽ hạ lãi suất thực hay chỉ “làm hàng” bỏ ra một khoản cho vay giá rẻ, TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Tài chính (Học viện Tài chính - Bộ Tài chính) cho rằng, việc kiểm tra ngân hàng làm thực hay không sau này không quá khó khi chỉ cần “soi chiếu” các điều chỉnh của hợp đồng vay.
Cũng theo TS Độ, việc ngân hàng hạ lãi suất này là tất yếu vừa để hỗ trợ doanh nghiệp, cũng là để ngân hàng tự giúp mình. Bởi theo TS Độ, tăng trưởng kinh tế quí 1 vừa qua còn yếu và tháng 4 có thế tiếp tục giảm, điều này khiến Chính phủ không thể không sốt ruột.
Đi kèm, thời gian qua dù tín dụng tăng mạnh nhưng “cầu” tín dụng trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh còn yếu, nếu ngân hàng không hạ lãi suất, doanh nghiệp sản xuất rất khó tiếp cận, vì làm gì để có được lợi nhuận trên 10%, còn ngân hàng sẽ gặp khó khi vốn huy động đấy xong nằm chết. “Trước mắt, ngân hàng có thể hạ lãi vay 1%/năm nhưng tôi nghĩ nếu một thời gian dài mà thấy ổn, có thể Ngân hàng Nhà nước cần tính hạ tiếp”, TS Độ nói.
Để giải pháp hạ lãi suất khả thi thực chứ không phải theo mệnh lệnh hành chính, TS Độ cho rằng, chắc chắn thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải tính đến việc giảm một phần nhỏ tỷ lệ dự trữ bắt buộc; hay áp trần lãi suất huy động hoặc bớt mua trái phiếu hoặc tăng cung tiền ra lưu thông thay...
Ngân hàng Nhà nước đang bơm ròng tiền
Bản tin thị trường nợ ngày 4/5, Công ty chứng khoán MB (MBS) cho hay, hiện NHNN đã bơm ròng tiền trở lại từ cuối tháng 3/2016 đến nay. Khối lượng tiền được bơm và hút qua nghiệp vụ repo trên OMO lần lượt là 37.713 tỷ VND và 32.988 tỷ VND. Do nhu cầu tín dụng và thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang tăng theo yếu tố mùa vụ. MBS dự báo có thể NHNN sẽ tiếp tục bơm ròng tiền qua OMO và tín phiếu trong các tháng tới.