Lễ hội mặt nạ Vui Tết Trung thu là chương trình phi lợi nhuận, được thực hiện với nguồn vốn xã hội hóa hoàn toàn, từ sự đóng góp của các cá nhân, tập thể, phụ huynh học sinh, do nhóm Cùng Bé Sáng Tạo bao gồm giảng viên, sinh viên trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam, các CLB mỹ thuật thiếu nhi, CLB Thiết kế trẻ và bạn bè của mình thực hiện.
Chương trình là sự nối tiếp thành công của các dự án khơi dậy mạch nguồn di sản văn hóa truyền thống của nhóm Cùng Bé Sáng Tạo vào năm 2015 như “Cùng vẽ mặt nạ, vui Tết Trung thu”, “Cùng bé sáng tạo, khám phá tranh Tết”.
Qua các hoạt động giáo dục và trải nghiệm mỹ thuật dân gian, chương trình hướng tới tạo ra một sân chơi bổ ích cho các em nhỏ nhân dịp đêm Rằm, hướng các em đến ý thức người Việt yêu văn hóa Việt, sản phẩm Việt.
Tham gia chương trình, các em nhỏ đã tự tay sáng tạo nên chiếc mặt nạ cho riêng mình, tham gia các trò chơi và trải nghiệm nghệ thuật.
Bên cạnh việc vẽ mặt nạ, tìm hiểu cách bồi mặt nạ truyền thống, các bé sẽ cùng nhau sáng tạo bột màu trên quạt giấy – một biến tấu dân gian thú vị từ hình ảnh chiếc mo cau xưa.
Kết thúc hoạt động trải nghiệm, các bé có thể mang những tác phẩm do mình sáng tạo về nhà vui Tết Trung thu. Ban tổ chức cũng sẽ có những phần quà ý nghĩa dành tặng những em nhỏ có tác phẩm xuất sắc nhất tham gia chương trình.
Đặc biệt, theo ban tổ chức, những chiếc mặt nạ do các bé, các bạn sinh viên và họa sỹ vẽ tặng các em nhỏ đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương vui Trung thu. Đồng thời, mô hình thu nhỏ lễ hội mặt nạ sẽ được mang đến với các bạn nhỏ Trường Nuôi dưỡng và Giáo dục trẻ em tàn tật huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Ngoài ra, một tủ sách thiếu nhi tặng các em nhỏ của Trường Nuôi dưỡng và Giáo dục trẻ em tàn tật huyện Sóc Sơn.
Được biết Trường Nuôi dưỡng và Giáo dục trẻ em tàn tật huyện Sóc Sơn là nơi sinh hoạt của những trẻ em có hoàn cảnh không may mắn từ 6 – 18 tuổi trên toàn huyện (gồm 26 xã và 1 thị trấn).
Cùng với Hà Nội, chương trình Lễ hội mặt nạ Trung thu sẽ tổ chức tại TPHCM vào ngày 10-9. Ban tổ chức cũng hướng tới kết hợp với các đơn vị khác như trường học, trung tâm văn hóa, công ty khác, nhà xuất bản… để thu hút được sự quan tâm của cộng đồng vào câu chuyện giáo dục di sản này.