“Trói” trách nhiệm người đứng đầu
Phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Nhưng trước hết là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng phụ thuộc rất lớn vào vai trò, nhận thức, quan điểm, thái độ cũng như hành động của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu của một cơ quan, tổ chức.
Khi đưa ra một quyết định, người đứng đầu của các sở ban ngành, bí thư, chủ tịch phải chịu trách nhiệm cao nhất. Nhiều năm qua, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã phát huy vai trò, tính chủ động, sáng tạo của các cấp ủy đảng, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong việc đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.
Với Quảng Ninh, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được quan tâm sâu sát, chú trọng các giải pháp mang tính “tự phòng”, “tự soi”, “tự sửa”. Là địa phương đi đầu trong nhất thể hóa, người đứng đầu nắm giữ hai chức danh, khi quyền lực được tập trung sẽ không tránh khỏi sự lạm quyền.
“Đối với quy trình bổ nhiệm cán bộ nếu không chọn đúng người sẽ gây hậu quả nặng nề, làm mất uy tín của Đảng. Công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại luôn được Tỉnh ủy Quảng Ninh đặt lên hàng đầu. Cơ chế kiểm soát quyền lực khi thực hiện nhất thể hóa chức danh, chống lạm quyền, lạm chức cũng là vấn đề luôn được thực hiện công khai, minh bạch” - Ông Nguyễn Đức Thành, Trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ninh chia sẻ.
Hằng năm, các cấp ủy tiến hành kiểm tra, giám sát công tác cán bộ, tăng cường rà soát, nắm tình hình, khảo sát, đôn đốc của cơ quan chuyên môn cấp trên, của thường trực cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, góp phần tạo hiệu quả tích cực, tạo thế chủ động trong công tác cán bộ. Kịp thời phát hiện những vi phạm khi mới phát sinh, những tồn tại, hạn chế để uốn nắn, chấn chỉnh và khắc phục, tránh nảy sinh vi phạm lớn. Cho đến nay, Quảng Ninh chưa phát hiện cán bộ có hành vi tiêu cực trong công tác cán bộ, phải xử lý kỷ luật.
“Đánh giá cán bộ công chức là thước đo trách nhiệm của người đứng đầu. Về vấn đề này chúng tôi có quy chế cụ thể, lấy chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, sự đóng góp thực tế đối với địa phương, đơn vị, phát huy đầy đủ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, kết hợp phản hồi từ các kênh thông tin khác nhau, đảm bảo tính khách quan, toàn diện” - Ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nói về trách nhiệm người đứng đầu.
Thi tuyển chức danh lãnh đạo
Từ năm 2013 đến năm 2015 (khi Trung ương có chủ trương tạm dừng thực hiện để hướng dẫn thống nhất, mở rộng thực hiện trong cả nước), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành quy chế tổ chức thi vào các chức danh lãnh đạo quản lý. Nhiều địa phương, đơn vị tích cực thí điểm thi tuyển các chức danh lãnh đạo cấp phòng và tương đương thuộc huyện, sở, ngành. Đến nay, Quảng Ninh tiếp tục được Trung ương lựa chọn là địa phương thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng.
“Thi tuyển vào chức danh lãnh đạo là một bước đột phá trong công tác cán bộ của tỉnh. Khi tổ chức thi tuyển, tính minh bạch được thể hiện rõ ràng nhất. Anh là người muốn thi tuyển vào vị trí đó thì anh phải chứng minh được trước hội đồng là anh xứng đáng” - Ông Nguyễn Đức Thành, Trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ninh nói.
Các chức danh thi tuyển gồm: giám đốc, phó giám đốc các sở; trưởng và phó các cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh; hiệu trưởng, hiệu phó Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ, Trường Đại học Hạ Long; phó trưởng ban quản lý vịnh Hạ Long; phó trưởng các ban Đảng và phó văn phòng Tỉnh ủy. Đối với chức danh thi tuyển thuộc các sở, ban, ngành và địa phương quản lý gồm các chức danh trưởng, phó phòng, ban, trung tâm đơn vị sự nghiệp hoặc tương đương; phó trưởng các ban Đảng, phó văn phòng huyện ủy, thị ủy và thành ủy; phó trưởng các ban Đảng, văn phòng Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh và Đảng ủy Than Quảng Ninh (đối với trường hợp không tham gia cấp ủy).
Đối tượng thi tuyển là cán bộ, công chức trong quy hoạch chức danh tuyển chọn, hoặc trong quy hoạch chức danh tương đương không chỉ ở trong cơ quan, đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm mà được mở rộng ra ở các cơ quan, đơn vị và địa phương khác trong và ngoài tỉnh có chuyên môn gần với chức danh có nhu cầu bổ nhiệm.
Các thí sinh trải qua 2 kỳ thi: Thi viết phải đạt trên 50 điểm (thang điểm 100) sẽ được lọt vào vòng thi trình bày đề án với nội dung liên quan đến nghiệp vụ của vị trí lãnh đạo của chức danh cần tuyển chọn.
Thang điểm ở kỳ thi trình bày đề án là 100 điểm gồm: Xây dựng đề án 20 điểm; bảo vệ đề án 40 điểm; trả lời câu hỏi chất vấn của hội đồng thi tuyển 40 điểm. Những người được xem xét bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo là những người vượt qua kỳ thi trình bày đề án với số điểm từ 80 điểm trở lên.
Căn cứ vào kết quả thi trình bày đề án (trên 80 điểm) cộng với hồ sơ cán bộ, quá trình công tác, năng lực thực tiễn, ý thức trách nhiệm, lịch sử chính trị, thái độ chính trị…, cơ quan có thẩm quyền thực hiện bỏ phiếu kín để lựa chọn ra cán bộ lãnh đạo mới. Trường hợp các ứng viên có số phiếu bằng nhau thì người đứng đầu cấp có thẩm quyền bổ nhiệm quyết định lựa chọn.
Mặc dù tổ chức thi tuyển ở hầu hết các chức danh lãnh đạo nhưng việc thi tuyển, bổ nhiệm cán bộ ở Quảng Ninh vẫn tuân theo nguyên tắc: Ðảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; phân công cấp ủy đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo quản lý theo yêu cầu; đảm bảo tính nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan, công bằng và công tâm.