Ngăn chặn biến tướng, trục lợi tâm linh

Lễ hội chùa Hương thu hút hàng vạn du khách mỗi năm
Lễ hội chùa Hương thu hút hàng vạn du khách mỗi năm
TP - “Không ít lễ hội nếu không được chấn chỉnh sẽ bị biến tướng, lợi dụng. Nguy hiểm nhất là có những người lợi dụng vào đó để trục lợi tâm linh, một thứ trục lợi rất dễ dàng, vì nó đánh thẳng vào tâm lý, vào lòng tin, đức tin của con người”, đại biểu Quốc hội, Phó trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng trao đổi với PV Tiền Phong.

Cán bộ phải nêu gương

Vào mỗi dịp đầu năm, hoạt động lễ hội có ý nghĩa đặc biệt, là dịp để mỗi người tìm đến mong cầu bình an, sức khỏe, tài lộc… Tuy nhiên, bên cạnh những ý nghĩa tích cực của lễ hội, vẫn còn những mặt hạn chế cần sớm được loại bỏ, thưa ông?

Với tổng số 7 - 8 nghìn lễ hội cùng bề dày lịch sử, có thể nói hoạt động lễ hội của chúng ta rất phong phú, có chiều sâu văn hóa và đã ăn sâu vào tâm khảm mỗi người dân. Mỗi chúng ta đều thấy tự hào về một đất nước có bề dày văn hóa như vậy. Bởi văn hóa vừa là cội nguồn, vừa là lịch sử của đất nước, đồng thời cũng là động lực cho sự phát triển. Cho nên đây là một nét đặc thù của người Việt Nam.

Có thể nói, các hoạt động lễ hội văn hóa ngày càng được tổ chức bài bản hơn, quy củ hơn. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận, đánh giá một cách công bằng, không ít lễ hội nếu không được chấn chỉnh thì sẽ bị biến tướng, lợi dụng. Đặc biệt, nguy hiểm nhất là có những người lợi dụng vào đó để buôn thần bán thánh. Người ta thường gọi đó là “trục lợi tâm linh”, một thứ trục lợi rất dễ dàng, vì nó đánh thẳng vào tâm lý, vào lòng tin, đức tin của con người.

Ai cũng mong muốn có được một lợi ích nào đó, nên sẵn sàng bỏ ra một lợi ích nhỏ, nhưng lại không biết rằng, đó là những cái chúng ta có thể bị lừa. Rồi nhiều cán bộ còn lợi dụng vị trí của mình, còn “tham nhũng tâm linh”… Có thể nói, còn rất nhiều loại hình biến tướng của văn hóa tâm linh, không phù hợp với thuần phong mỹ tục cần được chấn chỉnh, loại bỏ.

Vậy theo ông, cần phải quản lý, giám sát thế nào để có thể loại bỏ được những biến tướng, tiêu cực?

Trước tiên, công tác quản lý về mặt nhà nước phải được siết chặt hơn. Chúng ta đã có quy định rồi, giờ phải thực hiện cho thật tốt các quy định đó. Đặc biệt đối với người cán bộ lãnh đạo, phải thực hiện tốt việc nêu gương, đừng lợi dụng vị trí của mình để “trục lợi tâm linh”. Bản thân người đứng đầu phải tự giác, đồng thời có nhắc nhở, chấn chỉnh, có sự chỉ đạo thống nhất trong cơ quan, đơn vị mình.

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phải thực hiện kiểm tra, giám sát, thông qua giám sát của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc thay mặt nhân dân để giám sát. Phải xử lý nghiêm túc các trường hợp vi phạm, và trên thực tế cũng từng có những cán bộ tầm cỡ giám đốc sở đã bị kỷ luật mất chức…

Ngăn chặn biến tướng, trục lợi tâm linh ảnh 1 “Đối với người cán bộ lãnh đạo phải thực hiện tốt việc nêu gương, đừng lợi dụng vị trí của mình để trục lợi tâm linh. Bản thân người đứng đầu phải tự giác, đồng thời có nhắc nhở, chấn chỉnh, có sự chỉ đạo thống nhất trong cơ quan, đơn vị mình”,  Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng

Xử nghiêm vi phạm

Dù hàng năm chúng ta có đưa ra các văn bản, chỉ thị, nhưng tình trạng cán bộ công chức, viên chức bỏ bê công việc đi lễ chùa, sử dụng xe công, hay tình trạng chặt chém, lừa đảo tại các lễ hội vẫn diễn ra?

Trước tiên việc này hoàn toàn phụ thuộc vào tính tự giác của cán bộ, đặc biệt đối với người cán bộ lãnh đạo cũng như vai trò của người đứng đầu trong việc quản lý cấp dưới. Theo đúng quy định, cứ ở đâu xảy ra vi phạm, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Chính vì vậy phải chấn chỉnh ngay từ ban đầu, dù không triệt để được nhưng cũng phải hạn chế tối đa.

Còn tình trạng chặt chém, lừa đảo du khách tại các lễ hội, di tích, việc này trước tiên có liên quan đến trách nhiệm của ban quản lý lễ hội. Khi xuất hiện tình trạng vi phạm, ban quản lý phải chấn chỉnh ngay. Phải tăng cường theo dõi, giám sát chặt chẽ, đồng thời xử lý hoặc yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý nghiêm tình trạng chặt chém, buôn thần bán thánh.

Với rất nhiều lễ hội hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng cần phải xem xét, giảm bớt quy mô, số lượng lễ hội?

Giảm hay tăng các lễ hội, theo tôi việc này phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng. Chúng ta cũng không nên quá cực đoan về việc này. Địa phương có hoạt động lễ hội từ nhiều năm nay, bây giờ tự nhiên lại bỏ đi thì không được. Điều quan trọng là cần phải chấn chỉnh để thực hiện đúng các quy định về mặt pháp luật cũng như quy phạm về đạo đức.

Mỗi lễ hội đều có ý nghĩa đối với cộng đồng dân cư, xã hội. Chính vì vậy, phải làm sao để phát huy được những giá trị căn bản của đạo đức trong đời sống tâm linh, hướng đến điều thiện, phát huy thế mạnh để củng cố niềm tin, đồng thời không làm mai một truyền thống văn hóa của dân tộc.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG