Ngắm những tác phẩm thư pháp trên tranh độc đáo của 'ông đồ' 9X

TPO - Với niềm đam mê viết thư pháp từ khi chỉ là một cậu bé, giờ đây Tuấn, trở thành cử nhân sư phạm mỹ thuật, “hóa thân” thành ông Đồ đi cho chữ trên tranh mỗi dịp Tết đến xuân về.

Từ đầu tháng Chạp, Dương Ngọc Tuấn (quê Bắc Giang) đã bận rộn với bút, nghiên, giấy, mực rồi mặc bộ đồ áo dài, khăn xếp đi vẽ những con chữ, câu thơ uốn lượn ở khắp nơi trên địa bàn TP. Hà Nội.

Những nội dung trên giấy được viết theo yêu cầu của khách hàng. Mỗi ngày đi viết chữ có thể đem lại cho Tuấn khoản thu nhập từ 2-3 triệu đồng.

“Cứ đến tầm này, 5 năm qua, tôi hầu như kín lịch. Cứ buổi tối tôi chuẩn bị họa cụ hoặc tranh thủ ngồi viết những bức thư pháp số lượng lớn do khách đặt trước. Ban ngày phóng xe máy đi các chương trình sự kiện tất niên của các cơ quan, công ty tổ chức cho người lao động”, chàng trai 24 tuổi chia sẻ.

Niềm vui của các em nhỏ khi được "ông đồ" Tuấn tặng chữ.

Tâm sự với PV Tiền Phong, Tuấn cho biết từ nhỏ, anh đã thấy thích thú khi bắt gặp những con chữ có hình thù đẹp mắt, uốn lượn. Khi ấy, không ai có chỉ dẫn, Tuấn chỉ tự tìm hiểu, mày mò rồi bắt chước vẽ theo. Ở quê lại không có những họa cụ cần thiết, Tuấn dùng những chồng báo cũ làm giấy, lông động vật làm bút để thực hành.

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Mỹ thuật, ĐH Sư phạm Hà Nội, Tuấn làm công việc chính là vẽ tranh tường, sáng tác tranh nghệ thuật. Những dịp cuối năm “hóa thân” thành ông Đồ đi cho chữ.

Ngoài ra, anh còn tận dụng thời gian rảnh mở những lớp dạy thư pháp cho các bạn trẻ với mong muốn lan tỏa những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Một sản phẩm gốm được tô điểm bằng nghệ thuật thư pháp của Tuấn.

Với 5 năm kinh nghiệm, Tuấn cho rằng giới trẻ ngày nay đã đi tiên phong trong việc đột phá trong phong cách chữ thư pháp, mỗi người đều có chất riêng.

“Về chất liệu giấy, các cụ ngày xưa dùng giấy dó, giấy điệp; còn hiện nay đa dạng hơn khi có rất nhiều loại giấy khác cũng rất phù hợp. Ngoài chữ Nho, chúng tôi còn viết những câu thơ, câu đối nghệ thuật bằng chữ Quốc ngữ nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường đa dạng hiện nay”, Tuấn cho biết.

Tác phẩm kết hợp giữa tranh và thư pháp của Ngọc Tuấn.

Theo Tuấn, để có thể "thả" những nét bút có hồn xuống trang giấy, người vẽ cần trau dồi cho mình vốn liếng văn hóa dân tộc.

"Sau những lần cho chữ, tôi học được đức tính kiên nhẫn, sống chậm rãi hơn để có những bước đi đúng đắn. Đó là điều bổ ích mà thư pháp mang lại cho tôi", Tuấn chia sẻ.