Ngại nói trên báo chính thống, mạng xã hội sẽ 'nói hộ'

TP - “Nhiều cái chúng ta ngại nói, ngại thông tin công khai trên báo chí chính thống thì mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác trên internet sẽ “nói hộ”, thậm chí nói sai, nói theo kiểu xuyên tạc, vu khống”, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ nêu tại Hội thảo quốc gia “Báo chí 30 năm đổi mới - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”, diễn ra ngày 29/12.

TS Nguyễn Sĩ Đại (báo Nhân Dân) phát biểu: “Có hay không tư tưởng cảnh giác quá, sợ cái mới mà dựng nên quá nhiều rào cản? Không quản được thì cấm là căn bệnh ở nhiều ngành. Dân chủ là kết quả của phát triển xã hội, là cái thuộc về chúng ta. Nói như Bác Hồ, dân chủ là để cho “dân được mở miệng ra”. Vậy mà có hay không sự e ngại khi đề cập tới phạm trù này? Tôi nghĩ là có và chúng ta phải phá bỏ”. 

“Người làm báo phải khắc sâu lời thề chỉ nói sự thật, đấu tranh cho sự sáng tỏ của chân lý. Trong bất cứ trường hợp nào cũng đứng về lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, không bẻ cong ngòi bút trước cường quyền”. 

TS Nguyễn Sĩ Đại (báo Nhân Dân)

Theo đánh giá của Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ, mạng xã hội đã và đang trở thành một thế lực thực sự, một đối thủ đáng gườm đối với báo chí truyền thống. “Mạng xã hội vừa giành giật và chiếm lĩnh thông tin, vừa giành giật chiếm lĩnh khán, thính giả, độc giả”, ông Kỷ nói.

Về vụ thủy sản chết hàng loạt ở miền Trung, TS Phạm Thị Mỵ, Tổng Biên tập tạp chí Sức khỏe và Môi trường, nói rằng, chỉ trong khoảng 3 tuần đã có hơn 200 nghìn bài viết liên quan, trong đó 82% đến từ Facebook.

Tuy nhiên, việc chạy đua đưa tin đã bộc lộ nhiều điều đáng lo ngại về độ chính xác. Nếu nhà báo thể hiện quan điểm của mình trong bài viết hoặc trên mạng xã hội có hướng lệch lạc, rất có thể quan điểm đó sẽ tạo nên một làn sóng mạnh mẽ trên mạng, dẫn đến những sai lệch trong hành vi.

Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng Biên tập báo CAND cho rằng, báo in cần đổi mới, sống chung với báo điện tử, mạng xã hội nếu không muốn bị hất ra khỏi dòng chảy và xu thế của báo chí hiện đại. Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử báo chí thế giới, báo chí truyền thống từng chịu những cú đánh “chết đi sống lại”, nhưng lần nào cũng vượt qua một cách ngoạn mục.

MỚI - NÓNG