Ngạc nhiên cảnh hi hữu lươn chui vào… mũi hải cẩu

Chú hải cẩu thầy tu bị lươn chui vào mũi đã may mắn được các nhân viên cứu hộ giúp đỡ.
Chú hải cẩu thầy tu bị lươn chui vào mũi đã may mắn được các nhân viên cứu hộ giúp đỡ.
Hình ảnh một con hải cẩu thầy tu đặc hữu ở Hawaii với một con lươn chui vào mũi được chia sẻ bởi Chương trình nghiên cứu hải cẩu thầy tu khiến nhiều người ngạc nhiên.

"Chúng tôi đã có báo cáo về hiện tượng này trước đó lần đầu tiên vài năm trước. Hiện tại, chúng tôi đã tìm thấy thêm một trường hợp hải cẩu trưởng thành với một con lươn bị mắc kẹt trong mũi”, Charles Littnan, nhà khoa học đứng đầu chương trình cho biết.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng thấy khá kì lạ vì chỉ ghi nhận các trường hợp tương tự trong vài năm qua. Trong khi, các nhà khoa học của Cơ quan nghiên cứu Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA), Mỹ, theo dõi loài hải cẩu thầy tu trong hơn bốn thập kỷ nhưng không bắt gặp.

Lý giải về tình trạng kì lạ này của hải cẩu thầy tu, các nhà nghiên cứu đã đưa ra một vài giả thuyết.

Đầu tiên có thể con hải cẩu không may nuốt phải con lươn qua đường… mũi. Hoặc có thể con lươn đã tự chui vào lỗ mũi của con hải cẩu để… tự vệ nhưng lại nhầm chỗ. Khả năng này được nhiều nhà nghiên cứu nghiêng theo hơn vì khi hải cẩu săn tìm thức ăn, chúng lục lọi khắp các tảng đá và rạn san hô dưới đáy biển. Con lươn có thể đã bị quấy rầy và chạy trốn vào nhầm lỗ mũi của hải cẩu.

Tuy nhiên, may mắn cho con hải cẩu thầy tu đó là các nhà khoa học của NOAA đã có mặt kịp thời để giúp đỡ. Con lươn đã được loại bỏ một cách hiệu quả và con hải cẩu đã không bị thương đường hô hấp.

Hải cẩu thầy tu được biết đến là một loài đặc hữu của Hawaii và chỉ còn lại khoảng 1.400 cá thể trong tự nhiên. Chúng nằm trong danh sách động vật có nguy cơ tuyệt chủng trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN).

Theo IUCN, biến đổi khí hậu, ô nhiễm nguồn nước, bệnh tật, hoạt động đánh bắt cá, ký sinh trùng và sự can thiệp chung của con người đều được liệt kê là những mối đe dọa tiềm tàng với hải cẩu thầy tu.

Các tổ chức như Chương trình nghiên cứu hải cẩu Hawaii hiện đang tìm cách bảo tồn bằng cách nghiên cứu sinh học, sinh thái và lịch sử tự nhiên của loài hải cẩu thầy tu.

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG