Ngã xuống trên sân trường…

Ý tưởng làm giàn bảo vệ cây kiêm chỗ ngồi mát của nhà nhiếp ảnh Đặng Hào
Ý tưởng làm giàn bảo vệ cây kiêm chỗ ngồi mát của nhà nhiếp ảnh Đặng Hào
TP - Xem phim “Mắt biếc” đủ biết sân trường nền đất tự nhiên đẹp thế nào. Trường tiểu học của tôi ngày trước cũng thế. Trên nền đất đó, rễ phượng, rễ bàng thoải mái bò trườn và nổi hẳn lên làm chỗ ngồi cho bọn trẻ.

Còn ngày nay, trong xu thế chung bê-tông hóa, người ta khẳng định sự văn minh bằng cách lát kín mọi bề mặt, đồng nghĩa với triệt hạ cả một hệ sinh thái mặt đất, chặn nguồn tiếp tế nước ngầm…

Cây ở thành phố chả cổ thụ già yếu gì lắm nhưng thi nhau đổ trong mùa mưa bão, hoặc chỉ cần qua một cơn lốc. Rễ chúng khó phát triển chiều ngang khi nền đất đã bị nén chặt, bịt kín, và nhiều khi chỉ ăn xuống vài tấc đất lại chạm một nền bê-tông khác. Sân trường còn khó nhằn hơn vỉa hè vì thường được đổ bê-tông chặt cứng. Chưa kể một số trường lại còn ưu ái xây một cái bồn cao bao quanh thân cây, đổ đất vào làm ứ nước, gây thối rễ, tạo điều kiện cho sâu bọ đục phá thân cây.

Chưa kể lại có một kiểu trồng cây “quý tộc”: bứng cây lớn ở nơi khác về trồng để đảm bảo nó có cây to đẹp dùng ngay. Đương nhiên trước khi bứng phải chặt hết các rễ con của cây. Cây sống được là nhờ thuốc kích thích. Và chẳng may phải cơn gió lớn lại đổ kềnh ra. Người ta lại có dịp chi tiền mua cây mới.

Sắp đến rồi, cuộc tranh cãi hằng năm về hoa sữa khi vào mùa tỏa mùi. Ai nhạy cảm, dị ứng với mùi này thì chỉ muốn chặt hết chúng đi. Nhưng tôi vẫn nhớ một lý lẽ từ bên “tịt mũi”: Chúng cũng là sự sống mà! Vậy thôi chịu rồi, đành bịt khẩu trang sống cùng mùi hoa sữa. Lỗi tại người trồng chúng trong thành phố.

Nhưng các vị hiệu trưởng nhiều trường ở Việt Nam không dễ thỏa hiệp đến thế. Sau khi một học sinh ở TP.HCM chết vì phượng đổ đè phải, đã dấy lên chiến dịch triệt hạ cây xanh trong trường học, làm nhớ tới phong trào diệt chim sẻ thời Đại nhảy vọt ở Trung Quốc. Người ta quên rằng cây cho ô-xy, bóng mát cũng như chim sẻ không chỉ ăn lúa mà còn ăn châu chấu. Và vấn đề là con người cứ tự cho mình quyền sinh sát đối với muôn loài. Những người lớn vô tâm như thế có thể dạy gì cho con trẻ trong tình cảnh biến đổi khí hậu đang gõ cửa từng nhà?!

Ở Berlin (Đức), chỉ được chặt những cây yếu mục có nguy cơ gẫy đổ. Cây càng to càng nằm trong diện bảo vệ nghiêm ngặt. Do đó, anh sẽ phải nộp hàng ngàn euro để chặt cây trong vườn nhà. Tiền đó dùng để trồng mới cây chỗ khác đảm bảo tỷ lệ xanh trong thành phố.

Một khi đã yêu sự sống, đầy ý thức bảo vệ môi trường, không sợ trách nhiệm thì thiếu gì giải pháp để giữ lại, chưa nói trồng thêm cây xanh. Ta vẫn thấy trên vỉa hè có những khung hình thang lập phương làm từ ống sắt bao lấy gốc cây. Với cây to trong trường, có thể làm những khung vững chãi lớn hơn để nếu cây có đổ đã có khung đỡ. Có người còn phát triển cái khung đó thành hẳn cái giàn, sẵn tiện mắc thêm ghế xích-đu...

Còn nếu cứ cung cách thích là chặt, sẽ có ngày thay vì bị cây đè cũng sẽ có người ngã xuống trên sân trường vì nắng nóng thôi. Chả lẽ khi đó lại ăn vạ Mặt Trời?!

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.