Từ 15/1/2007 : Hạn chế người nước ngoài kinh doanh tại chợ bán lẻ

Nga : Xiết chặt quản lý chợ, người Việt đi về đâu ?

Nga : Xiết chặt quản lý chợ, người Việt đi về đâu ?
TPO -  Bối cảnh thị trường và chính sách của nhà nước Nga đối với người nhập cư cũng như hoạt động của các chợ thay đổi. Không có cách gì khác, cách làm ăn của người Việt tại Nga cũng phải thay đổi theo nếu muốn trụ lại.

>> LB Nga sắp ban hành luật quản lý chợ

Nga : Xiết chặt quản lý chợ, người Việt đi về đâu ? ảnh 1

Quầy hàng của người Việt ở chợ Vòm. Ảnh : Quang Vinh

Người Việt ở Nga có xu thế “co cụm”, không “lan tỏa, đan xen” với người địa phương. Mặt tốt dĩ nhiên khỏi phải bàn, nhưng điều này cũng có mặt trái.

Bắt đầu từ năm 1991, khi Liên Xô tan rã và đội quân xuất khẩu lao động của ta bung ra “làm kinh tế thị trường”, tới nay đã có nhiều “làng Việt” được hình thành trong lòng nước Nga.

Chỉ  riêng Mátxcơva có “ốp Zil”, “ốp Giày”, “ốp Xôcôn”, “đôm 5”, “Xaliút 2”, “Phương Đông”, “Sông Hồng”, “Rưbắc”… Hợp rồi tan, tan rồi hợp. Bất cứ “ốp” nào do chủ người Việt dựng lên bà con cũng đổ xô vào. Cho dù có nơi giá thuê không rẻ, chưa đảm bảo vệ sinh, xa nơi bán hàng, không thuận tiện tàu xe...

Đó là chưa nói khoản tiền “vào cửa” ràng buộc lẫn nhau. Số người ở “cờ” (kvartira – căn hộ trong chung cư cao tầng) lẫn với người Nga rất hiếm, vì lý do an ninh và yếu tố tâm lý.

Khi mô hình “ốp bán hàng” (thương xá) còn thịnh thì chỉ có người Việt bán hàng với nhau. Nhưng chuyển sang mô hình “rư nốc” (chợ) thì bà con đi chợ cũng chỉ thích vào các khu dành cho người Việt (trung tâm KT) hoặc người Việt chiếm đa số. Nếu có “lạc” sang các “chợ Tây” (trung tâm ACT) thì cũng rủ nhau về những dãy riêng.

Sống với nhau, hợp tác kinh doanh, giao dịch với nhau đều bằng tiếng Việt nên dù ở Nga thì tiếng Nga cũng rất ít khi dùng đến. Như anh V.T.C, quê Thanh Hóa, chẳng hạn. Sang Liên Xô làm thợ tiện từ năm 1982 và từ đó ở lại Mátxcơva làm ăn. Thế mà vốn tiếng Nga chẳng hơn hồi học phổ thông là mấy. Những người sang sau, không đi chợ mà làm giúp việc gia đình và “bế em” cho người đồng hương thì hai từ “đa” (có) và “nhét” (không) cũng chẳng học làm gì cho mệt.

Mà trong số những người biết tiếng, đọc được, viết được, chứ không nói tiếng Nga “bồi”, cũng chả mấy ai có thời gian, điều kiện và mong muốn tìm hiểu nền văn hóa bản địa chứ nói gì đến hội nhập. Tình trạng này càng nặng nề hơn ở cộng đồng người Hoa.

Thành ra báo chí Nga mới có cớ mà “la lối” rằng nền văn hóa và ngôn ngữ của họ không được người nhập cư tôn trọng, mới đặt ra vấn đề hạn chế sự di trú. Từ đây, và từ nhiều nguyên nhân khác, hình thành luồng dư luận xã hội không thuận lợi cho những người lao động nước ngoài.

Bên cạnh việc co cụm thì người Việt tại Nga cũng chỉ chọn gần như duy nhất công việc kinh doanh. Phải thừa nhận rằng buôn bán ở chợ hàng hóa (không phải chợ thực phẩm) rất phù hợp với người Việt. Không cần “khoẻ như vâm” của thợ xây dựng nhưng đòi hỏi sự dẻo dai, chịu khó, nhanh nhạy.

Dậy từ 4 giờ sáng, ra chợ khi trời còn tối mịt cho đến khi… mịt tối, lạnh âm 30 độ cũng không nghỉ. Chính công việc này đã đem lại cho cộng đồng thu nhập khá, bù đắp chi phí và có tích lũy, gửi về gia đình. Một cách tự nhiên, trên 90% (con số ước đoán) người Việt tại Nga trực tiếp buôn bán ở chợ hay làm các công việc liên quan đến chợ.

Sự “nhất nghệ tinh” này có giá của nó – khi có biến động về thị trường hay thay đổi chính sách về hoạt động của chợ thì người Việt dễ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Từ 15/1/2007 : Hạn chế người nước ngoài kinh doanh tại chợ bán lẻ

Nga : Xiết chặt quản lý chợ, người Việt đi về đâu ? ảnh 2
Một lao động người Cưrơgưxtan tại chợ Việt. Ảnh : Quang Vinh
 

Ngày 6/12 vừa qua, Đuma quốc gia Nga đã thông qua quyết định ngày 15/11 của Thủ tướng Mikhail Fradkov liên quan đến việc cấp giấy phép cho người lao động nước ngoài, quy định cụ thể hạn ngạch lao động nhập cư và quy định liên quan đến hoạt động của người nước ngoài trong lĩnh vực thương nghiệp bán lẻ.

Theo các quy định nói trên, từ ngày 15/1/2007 trở đi sẽ hạn chế dần tỷ lệ người nước ngoài kinh doanh tại các chợ bán lẻ. Vị trí đứng sau quầy hàng là dành để cho người Nga và để “bảo vệ lợi ích của người Nga”.

Cũng bắt đầu từ thời hạn đó Luật di trú mới và Luật sửa đổi về xử phạt hành chính cũng có hiệu lực. Những người nước ngoài bị coi là bất hợp pháp bị xử lý nặng hơn trước, các chủ sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm cao hơn trước pháp luật.

Theo số liệu của Cơ quan di trú liên bang FMS, tại Nga hiện có 10,2 triệu lao động nhập cư bất hợp pháp (80% là người SNG), trong khi số lao động hợp pháp chỉ 700.000 người. Về mặt giấy tờ, cộng đồng người Việt có lợi thế hơn so với nhiều cộng đồng khác.

Tại một cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên TTXVN, ông Vyacheslav Postavnin, Phó giám đốc FMS, cho biết tỷ lệ nhập cư hợp pháp của người Việt khá cao, nhưng về việc kinh doanh lại là “câu chuyện khác”.

 Sắp tới ở Nga còn có những điều chỉnh tiếp nữa đối với các chợ bán lẻ. Bức tranh chung của các chợ Nga như sau: Trong tổng số 5.800 chợ chỉ có 112 chợ nông nghiệp, tỷ lệ 1/50. Trong các chợ tổng hợp hàng công nghiệp nhẹ chiếm 50%, lương thực-thực phẩm qua chế biến công nghiệp – 20%, gần 20% là sản phẩm nông nghiệp. 1/3 số chợ có mái che.

Xu thế ở Nga là khuyến khích phát triển các chợ nông nghiệp và hạn chế các chợ hàng hóa sinh hoạt, dành một tỷ lệ thích đáng để sản phẩm của Nga có chỗ đứng ở chợ, tăng cường kiểm tra chất lượng hàng hóa, chống hàng lậu, hàng kém phẩm chất.

 Cứ cho là quy định về tỷ lệ người nước ngoài bán hàng giảm dần cho đến cuối năm 2007 là không khả thi thì việc đa dạng hóa ngành nghề của cộng đồng người Việt tại Nga vẫn cấp bách. Việc cung cấp sản phẩm giá rẻ, chất lượng “vừa phải” đang bão hòa, hàng tiêu thụ chậm và nguồn hàng gặp nhiều trục trặc.

Trong tương lai gần nếu chỉ chuyên tâm bán hàng ở chợ thì bà con ta sẽ gặp nhiều rủi ro. Đã đến lúc phải nghĩ đến những công việc khác mà chúng ta ngại làm và để mất “kỹ năng” sau một thời gian chuyên tâm bán hàng ở chợ, ở “ốp”.  

Ông Lê Thành Độ, Tổng giám đốc công ty “Pacific” ở thành phố Ecatêrinbua chuyên dinh doanh mặt bằng trung tâm thương mại và chợ, cho biết: “Tôi đang tìm hiểu kinh nghiệm mở xưởng may “trắng” (hợp pháp) của anh Hiển ở Mátxcơva và làm nông nghiệp của anh An ở Vongagrát. Tại thành phố của chúng tôi chính quyền rất ủng hộ người Việt nhưng tôi vẫn muốn đa dạng hóa hoạt động của mình, không tập trung hoàn toàn vào thương mại”.

Không phải người Việt không cần cho nước Nga. Đất nước Bạch dương đang rất thiếu nhân công và vẫn phải trông vào lao động nước ngoài. Bộ Phát triển kinh tế và thương mại Nga cho biết: Bắt đầu từ năm 2007 xu thế suy giảm lượng người ở tuổi lao động bộc lộ mạnh và chất lượng nhân công không đáp ứng yêu cầu thị trường.

Đến năm 2010 số lượng học sinh tốt nghiệp phổ thông và đại học giảm 30%, nghĩa là đầu ra cho thị trường lao động rất eo hẹp. Trong bối cảnh đó bộ này đưa ra phương án hoàn thiện hệ thống thu hút lao động nước ngoài – sau 2007 người nước ngoài muốn vào Nga làm việc phải qua thủ tục sát hạch tay nghề chuyên môn và tiếng Nga.

Những nghề cần nhiều lao động sẽ được cộng điểm ưu tiên hoặc hạ điểm chuẩn. Những người vượt qua cuộc sát hạch xuất sắc sẽ được cấp luôn thẻ lao động mà không chờ ý kiến của FMS. Các lao động cao cấp trong một số ngành đặc biệt không phải qua kỳ sát hạch…

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.