Nga-Trung cẩn trọng bắt tay nhau chặt hơn

Tổng thống Nga Putin (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tổng thống Nga Putin (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
TP - Nga và Trung Quốc có những lợi ích chung to lớn trong việc phát triển quan hệ kinh tế, khoa học - công nghệ và quân sự. Hai nước sẽ tiếp tục ủng hộ lẫn nhau về mặt chính trị trên các diễn đàn quốc tế.

Cả hai sẽ cố tìm cách khiến cho Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp nhiều khó khăn hơn. Tuy nhiên, có những giới hạn đối với cái bắt tay giữa Mátxcơva và Bắc Kinh. Trung Quốc cần phát triển quan hệ tốt với Mỹ.

Lợi ích dài hạn của Nga nằm ở việc đưa quan hệ với châu Âu trở lại bình thường và tạo được sự đồng thuận để giữ Ukraine tránh xa Liên minh châu Âu cũng như NATO. Cả Nga và Trung Quốc đều không muốn thấy sự phân chia quyền lực lưỡng cực với việc Nga-Trung đọ sức với Mỹ cùng các đồng minh của nước này.

Xét trên quan điểm chính sách thực dụng, cả Nga và Trung Quốc coi Mỹ là đối thủ chính. Hai bên hợp tác là phù hợp, nhưng còn đó những khác biệt (giá dầu, sự định cư của Trung Quốc ở vùng Viễn đông của Nga…), nên họ khó có khả năng thành lập liên minh chính thức.

Chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Trung Quốc từ ngày 20 đến 21/5 là phản ứng của ông đối với việc Mỹ và châu Âu cô lập Nga về tình hình Ukraine.

Việc hai bên ký hơn 49 thỏa thuận hợp tác là dấu hiệu cho thấy cả hai nước muốn đi cùng nhau. Ông Putin cũng muốn có được thỏa thuận lớn về bán khí đốt cho Trung Quốc (Ngày 21/5, ông Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chứng kiến việc đàm phán mua bán khí đốt kéo dài cả thập kỷ chấm dứt, đem lại hợp đồng trị giá gần 400 tỷ USD). Việc Mỹ quyết định xuất khẩu dầu đá phiến là một thách thức đối với vị thế thị trường của Nga không chỉ ở châu Âu mà còn ở châu Á.

Trong chuyến thăm Trung Quốc, Tổng thống Nga cùng Chủ tịch Trung Quốc còn chứng kiến lễ khai màn cuộc tập trận chung giữa hai nước, diễn ra ở vùng biển tạo nên cửa sông Dương Tử. Đây là cuộc tập trận thường niên thông thường, nhưng rất quan trọng đối với Trung Quốc vì nước này tranh chấp với Nhật Bản về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nhật Bản cũng có tranh chấp với Nga về lãnh thổ phương bắc/quần đảo Nam Kuril.

Nga trung lập về vấn đề biển Đông và không muốn làm tổn hại quan hệ kinh tế và quốc phòng với Việt Nam. Nếu thờ ơ với Trung Quốc hoặc Việt Nam thì Nga sẽ mất rất nhiều. Mátxcơva có thể tận dụng mối quan hệ tốt với Bắc Kinh và Hà Nội bằng cách đóng vai trò trung gian.

GS Carlyle Thayer
Học viện Quốc phòng Úc (viết riêng cho Tiền Phong)
MỚI - NÓNG