Trao đổi trên Interfax-AVN ngày hôm qua, 21-1, cựu Tư lệnh lực lượng Không quân Liên bang Nga, tướng A.Kornukov cho rằng, hệ thống tên lửa phòng không Patriot của Mỹ đã được triển khai ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu để chống các nước đồng minh của Nga trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) và Khối các nước Liên Xô cũ (CSTO), chứ không thiết kế chỉ để đối kháng với các cuộc tấn công có thể có của tên lửa Syria,
"Động thái này chung quy là hướng đến các nước SNG, CSTO, và cũng có nghĩa trước hết là chống lại nước Nga", - Tướng A.Kornukov nhận định.
“Tôi nhận thấy bước này không chỉ nhằm để chống lại Syria mà cả nước chúng ta nữa. Biên giới nằm cạnh nhau. Azerbaijan là đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ. Họ có thể bắn phá Armenia một cách dễ dàng nếu đặt các hệ thống tại khu vực vùng núi trên biên giới”, tướng A.Kornukov cho biết.
Trước đó, trả lời phỏng vấn tờ Russia Today hôm 23-12-2012, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng cho rằng, việc Mỹ bố trí các tổ hợp tên lửa Patriot trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria có thể là một phần để triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa NMD của Mỹ.
Ngoại trưởng Sergei Lavrov cho biết, Moscow thừa nhận quyền của Ankara về việc đảm bảo an ninh của nước mình và quyền của nước này sử dụng điều khoản trong các Hiệp ước quốc tế dành cho mục đích này. Tuy nhiên, “nếu tên lửa nhằm mục đích ngăn chặn các cuộc tấn công từ phía Syria, thì các tổ hợp này cần phải bố trí hơi khác một chút”, Russia Today dẫn lời của Ngoại trưởng Sergei Lavrov.
“Việc bố trí các Patriot của Mỹ và Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào thời điểm này sẽ tạo điều kiện giúp bảo vệ trạm radar vốn là một phần trong hệ thống NMD Mỹ. Trong bối cảnh hiện tại, Mỹ và NATO hành động có thể với lý do ‘ngăn ngừa mối đe dọa từ Iran’”- ông Lavrov nhận định.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 21-1, sau Mỹ, hệ thống Patriot từ Đức và Hà Lan cũng đã đến Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó đã có gần 240 quân nhân bảo dưỡng hệ thống Đức Patriot đến căn cứ không quân Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Cùng ngày, Bộ tình trạng khẩn cấp Nga thông báo sẽ cử hai máy bay đến thủ đô Beirut của Libanon để đưa công dân Nga từ Syria về nước.
Đại diện Bộ tình trạng khẩn cấp Nga, bà Irina Rossius cho biết khoảng 150 công dân Nga muốn trở về quê hương hiện đã có mặt tại Libanon.
Trên thực tế, rất khó xác định được đúng số lượng công dân Nga đang sinh sống ở Syria, vì theo thống kê của cơ quan lãnh sự Syria là khoảng 5.000, trong khi theo phía Nga, số dân nước ngoài mang quốc tịch Nga sinh sống cùng gia đình có thể lên đến 100.000 người (bao gồm cả những người mang hai quốc tịch).
Ngày 4-12, NATO thống nhất triển khai tên lửa Patriot theo đề nghị của quốc gia thành viên Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tăng cường khả năng phòng không của quốc gia thành viên NATO này và xoa dịu mối quan ngại của Ankara về khả năng hứng chịu một cuộc tấn từ Syria.
Theo đó, khoảng 600 binh sỹ NATO dự kiến sẽ được triển khai cùng với 6 khẩu đội tên lửa Patriot tại Thổ Nhĩ Kỳ. Các khẩu đội tên lửa đất đối không Patriot dự kiến được chuyển đến Thổ Nhĩ Kỳ bằng đường biển trong vòng 4-5 tuần và bố trí tại các căn cứ quân sự của nước này.
Mỗi khẩu đội có từ 4-6 dàn tên lửa và mỗi dàn có khả năng phóng 16 quả tên lửa Patriot, có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo.
Tùng Dương
theo Interfax, Russia Today