Ngày 24/2 (giờ Mỹ), Nhà Trắng nói rằng, theo “những báo cáo đáng tin cậy”, nhân viên dân sự của nhà máy điện Chernobyl đã bị bắt làm con tin. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói với các phóng viên: “Việc đó có thể làm ảnh hưởng đến các nỗ lực dân sự thường xuyên cần thiết để duy trì và bảo vệ các cơ sở chất thải hạt nhân. Rõ ràng là vô cùng đáng báo động và đáng lo ngại”.
Các quan chức Ukraine hôm 24/2 (giờ địa phương) xác nhận rằng, các lực lượng Nga đã vượt qua địa điểm từng xảy ra thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới. Bà Alyona Shevtsova, cố vấn của Tư lệnh tối cao Lực lượng trên bộ Ukraine, viết trên Facebook rằng, các lực lượng Nga đã giành quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân và các nhân viên đang bị “bắt làm con tin”.
“Sau trận chiến ác liệt, chúng tôi mất quyền kiểm soát đối với khu vực Chernobyl. Hiện chưa rõ tình trạng các cơ sở cũ của nhà máy, khu lưu trữ và kho chứa chất thải hạt nhân… Không thể nói rằng Chernobyl hiện an toàn. Đây là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với châu Âu hiện nay”, ông Mykhailo Podolyak, một cố vấn của Tổng thống Ukraine, nói hôm 24/2.
Năm 1986, hơn 30 người tử vong sau một vụ nổ xé toạc một trong những lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Những năm sau đó, nhiều người chết vì các triệu chứng bức xạ.
Ngay sau đó, một cỗ quan tài bằng thép và bê tông đã được xây dựng để che lò phản ứng bị hư hỏng và chứa chất phóng xạ. Sau đó, nó xuống cấp. Năm 2016, vòm bảo vệ an toàn mới được đưa vào sử dụng để niêm phong cỗ quan tài cũ kỹ được xây dựng vội vã.
Theo Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu, năm 2020, nhà máy điện hạt nhân Chernobyl được bàn giao cho chính quyền Ukraine.
Khu vực Chernobyl nằm trên tuyến đường ngắn nhất từ Belarus tới thủ đô Kiev của Ukraine, nên giúp các lực lượng Nga dễ dàng tiến quân, Reuters đưa tin ngày 25/2. Belarus là đồng minh thân cận của Nga.
Biển cảnh báo phóng xạ tại Chernobyl, Ukraine năm 2018. Ảnh: AP. |
Thảm hoạ Chernobyl
Lực lượng Nga kiểm soát căn cứ không quân Ukraine gần thủ đô Kiev và nhà máy điện hạt nhân Chernobyl - nơi xảy ra thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới vào năm 1986, theo cơ quan quản lý khu vực này. Đồng thời, phía Nga đã giành quyền kiểm soát sân bay Antonov, cách trung tâm Kive khoảng 25 km, CNN đưa tin ngày 24/2.
Ngày 26/4/1986, nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Pripyat, Ukraine (khi ấy còn là một phần của Liên bang Xô viết) bị nổ tại lò phản ứng số 4, trở thành thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử cả về phí tổn và thương vong, theo Wikipedia.
Do không có tường chắn, đám mây bụi phóng xạ từ nhà máy lan rộng ra nhiều vùng phía tây Liên bang Xô viết, Đông Âu và Tây Âu, Scandinavia, Anh, và phía đông của Mỹ. Nhiều vùng rộng lớn thuộc Ukraine, Belarus và Nga bị ô nhiễm nghiêm trọng, dẫn tới việc phải sơ tán và tái định cư cho hơn 336.000 người.
Khoảng 60% đám mây phóng xạ đã rơi xuống Belarus. Thảm hoạ này phát ra lượng phóng xạ lớn gấp 400 lần so với quả bom nguyên tử được ném xuống Hiroshima (Nhật Bản).
Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Ảnh: Newsmakers. |