Nga sẵn sàng trả giá trong 'trận chiến' với Thổ Nhĩ Kỳ

Người Nga sẵn sàng chịu thiệt hại trong cuộc chiến kinh tế với Thổ Nhĩ Kỳ, miễn là đối phương phải hứng chịu hậu quả nặng nề hơn.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang lần lượt tung ra những đòn công kích đối phương như những đấu sĩ thực sự, sau vụ Su-24 Nga bị bắn rơi trên biên giới Syria.

Sau khi Bộ Quốc phòng Nga công bố các bằng chứng cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ đang tiếp nhận các nguồn dầu lậu khổng lồ của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS), và Tổng thống Putin tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải "hối hận" vì đã bắn rơi máy bay Nga, ông Erdogan đáp trả bằng cách tố cáo Nga có dính líu đến việc buôn bán dầu bất hợp pháp với IS ở Syria.

Trong khi hai bên đang khẩu chiến quyết liệt, Nga đã áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ, quyết định ngừng dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt qua nước này và hạn chế nhập khẩu các loại nông sản có nguồn gốc từ Thổ Nhĩ Kỳ. Chính phủ Nga cũng khuyến cáo công dân nước này tìm đến các quốc gia khác thay cho Thổ Nhĩ Kỳ để nghỉ dưỡng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters.

Trong một bài viết đăng trên MarketWatch, chuyên gia phân tích Amotz Asa-el tại Viện Shalom Hartman ở Jerusalem cho rằng đây sẽ là một cuộc chiến kinh tế "trầy vi tróc vảy", khi cả hai bên đều thiệt hại, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ chịu hậu quả nặng nề hơn Nga rất nhiều.

Ông Asa-el cho rằng việc một quốc gia đang hứng chịu các lệnh cấm vận quốc tế như Nga đi áp đặt lệnh cấm vận lên một đối tác thương mại quan trọng của mình là một hành động rất mạo hiểm, chẳng khác nào một "bệnh nhân viêm phổi cởi trần đi trong tuyết lạnh".

Sau khi sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm ngoái, Nga đã bị Mỹ áp đặt lệnh cấm vận kinh tế, tiếp sau đó lần lượt là Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Canada, Thụy Sĩ, Áo và Na Uy, khiến nền kinh tế Nga bị suy thoái nghiêm trọng.

Với việc các ngân hàng nhà nước Nga bị cấm vận giao dịch với các nước đang áp đặt lệnh cấm vận, giá trị của đồng ruble đã giảm thê thảm, từ 35 tới 66,2 ruble đổi một USD, khiến Ngân hàng Trung ương Nga năm ngoái phải chi ra 90 tỷ USD, gần bằng một phần tư tổng dự trữ ngoại tệ của nước này, để cứu vãn đồng tiền khỏi sụp đổ và ngăn chặn hiện tượng bay vốn.

Vài tháng sau đó, giá dầu quốc tế lao dốc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu nhập chính của nước Nga, gây ra tình trạng suy thoái nghiêm trọng đến mức bất cứ một cuộc khủng hoảng kinh tế mới nào cũng có thể đẩy nước Nga vào thảm họa, theo ông Asa-el.

EU còn bồi thêm một đòn nữa khi cấm mọi hoạt động kinh doanh với các doanh nghiệp xuất khẩu vũ khí của Nga, khiến Putin mất đi nguồn thu quan trọng từ ngành công nghiệp này. Không những mất hợp đồng với những khách hàng hiện có như Ba Lan, nước có đội bay Mig-29 đang rất cần các phụ tùng sửa chữa, Nga còn mất luôn các khách hàng mới tiềm năng, chẳng hạn như Iran hay các nước châu Phi, những nơi rất chuộng vũ khí của Nga.

Đây cũng chính là một trong những lý do vụ bắn hạ Su-24 gây ảnh hưởng nặng nề đến Nga cả về chính trị lẫn thương mại. Khi cả thế giới chứng kiến chiếc cường kích Su-24 bốc cháy trên bầu trời và lao xuống đất vì trúng một quả tên lửa của phương Tây, người Nga đã bắt đầu cảm nhận thấy điềm xấu về kinh tế.

Su-24 là cường kích, không được thiết kế để không chiến với tiêm kích F-16 linh hoạt hơn nhiều. Thế nhưng phần lớn những người quyết định các thương vụ mua vũ khí lớn lại là các chính trị gia, những người có hiểu biết hạn chế về vũ khí quân sự, và hình ảnh chiếc Su-24 bị bắn rơi trên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyết định của họ.

Những hậu quả về kinh tế và uy tín đối với vũ khí Nga có thể đã khiến Moscow vô cùng tức giận, buộc ông Putin phải đưa ra một kết luận khá đơn giản: Thổ Nhĩ Kỳ phải trả giá. Người Nga chấp nhận chịu thiệt hại trong cuộc chiến kinh tế khốc liệt này, miễn là Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải trả giá đắt hơn họ, và thực tế đang chứng minh điều đó.

Nga đã quyết định ngừng dự án dẫn khí đốt qua Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: CyprusMail.

Danh dự là vô giá

Hiện các biện pháp trừng phạt của Nga đối với Thổ Nhĩ Kỳ chưa được công bố chi tiết, nhưng theo giới phân tích, mối quan hệ thương mại trị giá 30 tỷ USD quan trọng với Moscow và có thể mang tính sống còn đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Nga cần đến lượng rau củ trị giá khoảng 4 tỷ USD mà trước đây họ vẫn nhập từ Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng sau khi áp đặt lệnh trừng phạt, họ có thể dễ dàng tìm kiếm nguồn nông sản thay thế từ các nước nhiệt đới khác, cũng giống như việc họ đã tìm được khách hàng khác để bán 1,5 tỷ USD lúa mỳ vốn định bán cho Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm ngoái.

Các khu nghỉ dưỡng ở Thổ Nhĩ Kỳ tất nhiên là không quá quan trọng đối với Nga, dù khoảng 3,3 triệu du khách Nga đã tới đây du lịch hồi năm ngoái. Nhưng đối với người Thổ Nhĩ Kỳ, các du khách Nga rất quan trọng vì họ chiếm tới một phần mười lượng khách du lịch hàng năm đến nước này.

Với Ankara, những rối loạn kinh tế do các lệnh trừng phạt gây ra sẽ có tác động tiêu cực gấp đôi so với Moscow, bởi những đặc thù về chính trị, xã hội. Không giống Nga, xã hội Thổ Nhĩ Kỳ đang chứng kiến những vấn đề bất ổn có liên quan đến phong trào đấu tranh của người Kurd và cuộc nội chiến ở nước láng giềng Syria. Những bất ổn chính trị đó sẽ tăng lên khi các nông dân mất thị phần Nga, các khách sạn và nhà hàng sẽ trở nên vắng vẻ, trong khi thị trường lao động Thổ Nhĩ Kỳ đang phải vật lộn trước sức ép của hơn một triệu người tị nạn đổ sang từ Syria.

Trong khi đó, Nga nhiều khả năng sẽ tăng cường hỗ trợ cho phong trào nổi dậy của người Kurd, đồng thời công khai ủng hộ đảo Síp trong cuộc tranh chấp với Thổ Nhĩ Kỳ, đó là chưa kể đến người Armenia, một trong những "đối thủ truyền kiếp" của Ankara.

Mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn rất nhiều nếu Nga ngừng cung cấp hoàn toàn khí đốt, một loại hàng hóa rất quan trọng trong quan hệ thương mại hai nước, cho Thổ Nhĩ Kỳ, trong lúc mùa đông đang đến gần.

Theo ông Asa-el, 20 tỷ USD khí đốt là một khoản tiền rất lớn đối với Nga, nhưng không phải là khoản quá quan trọng đến mức họ không dám đánh đổi. Ngược lại, nếu không có nguồn khí đốt của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gần như rơi vào tình trạng tê liệt.

Nga hiện cung cấp hơn một nửa số khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ, và khi mất đi nguồn cung này, ông Erdogan sẽ rơi vào thế bế tắc, bởi các nguồn cung khác như Ai Cập, Arab Saudi và các nước Vùng Vịnh đều đang mâu thuẫn với Thổ Nhĩ Kỳ vì nước này hậu thuẫn cho phong trào Anh em Hồi giáo, trong khi Iran, một đồng minh quan trọng của Nga, cũng sẽ không muốn bán nhiên liệu cho Thổ Nhĩ Kỳ. Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và Israel cũng không tốt đẹp sau vụ lính biệt kích Israel tấn công con tàu Mavi Marmara chở hàng cứu trợ cho Dải Gaza trên Địa Trung Hải hồi năm 2010.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: Hayernaysor.

Lịch sử cho thấy sau khi hứng chịu các lệnh cấm vận nặng nề của phương Tây, ông Putin đã không hề chùn bước và có những biện pháp trả đũa quyết liệt, chẳng hạn như cấm nhập khẩu lượng lương thực thực phẩm trị giá tới 12 tỷ USD từ những nước đang cấm vận Nga. Điều này chứng tỏ khi phải đứng giữa danh dự quốc gia và tổn thất tài chính, ông Putin luôn lựa chọn danh dự, theo ông Asa-el.

"Thổ Nhĩ Kỳ có đủ lý do để lo sợ trước sức ép kinh tế khủng khiếp đang bắt đầu gia tăng của Nga, và cuộc chiến không cân sức này sẽ không dừng lại cho đến khi ai đó ở Ankara làm điều mà cả ông Putin lẫn Erdogan đều quyết không thực hiện: đầu hàng", chuyên gia này nhấn mạnh.

Theo Theo VnExpress