Nga ra hạn chót buộc 'các nước không thân thiện' trả tiền mua khí đốt bằng đồng rúp

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ủy quyền cho chính phủ, Ngân hàng Trung ương và Ngân hàng Gazprom thực hiện các bước cần thiết để buộc "các quốc gia không thân thiện" chuyển sang trả tiền mua khí đốt tự nhiên của Nga bằng đồng rúp, bắt đầu từ ngày 31/3.

Biện pháp này nhằm vào “các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu (EU) và các quốc gia khác đã áp dụng lệnh trừng phạt đối với công dân Nga và các thực thể pháp lý của Nga”, trích tuyên bố từ Điện Kremlin.

Sau hạn chót, Nga sẽ ngừng vận chuyển khí đốt tự nhiên cho các quốc gia từ chối thanh toán bằng đồng rúp, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết ngày 28/3.

Quyết định yêu cầu các quốc gia không thân thiện trả tiền mua khí đốt bằng đồng rúp được đưa ra hồi tuần trước, để đáp trả các lệnh trừng phạt chưa từng có mà Mỹ và các đồng minh đang áp đặt lên hệ thống tài chính Nga.

Ngay sau khi Tổng thống Nga Putin thông báo về quyết định này, giá đồng rúp đã tăng lên mức cao nhất trong vài tuần so với đồng đô la Mỹ. Trước đó, đồng rúp của Nga đã giảm mạnh xuống mức thấp kỷ lục sau khi các quốc gia phương Tây và Nhật Bản chặn việc Nga tiếp cận một số nguồn dự trữ quốc tế của nước này.

Xung đột ở Ukraine và các lệnh trừng phạt đối với Nga đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Giá cả hàng hóa tăng chóng mặt đang đẩy chi phí hàng tiêu dùng, năng lượng và thực phẩm lên cao hơn bao giờ hết.

G7 từ chối yêu cầu của Nga

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck ngày 28/3 cho biết nhóm G7 đã nhất trí từ chối yêu cầu của Mátxcơva về việc trả tiền mua khí đốt nhập khẩu từ Nga bằng đồng rúp.

"Tất cả bộ trưởng G7 nhất trí rằng đây là hành động đơn phương và rõ ràng vi phạm các thỏa thuận hiện có”, Bộ trưởng Habeck nói, đồng thời cho biết việc "thanh toán bằng đồng rúp là không thể chấp nhận được”.

Nhóm G7 (gồm Đức, Anh, Canada, Pháp, Ý, Nhật Bản, Mỹ) tuyên bố sẽ thúc giục các công ty bị ảnh hưởng "không tuân theo" yêu cầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Theo RT
MỚI - NÓNG