Trong cuộc trả lời kênh truyền hình Nga Russia 1 ngày 14/6, ông Lukashenko nói rằng trong các cuộc đàm phán do Minsk dàn xếp năm ngoái, hai bên đã thảo luận về việc cho Nga thuê bán đảo Crimea.
Nhà lãnh đạo Belarus khẳng định, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho ông xem dự thảo tài liệu mà trong đó các điều khoản được cả Mátxcơva và Kiev chấp thuận. Ông Lukashenko gọi hiệp ước này là “hợp đồng tốt”.
“Đó là một dự án tốt, và họ đã bàn việc ngoại trưởng hai nước sẽ ký trước khi hai nguyên thủ ký và hoàn tất thủ tục. Đó là một quá trình tốt, nhưng Ukraine sau đó bỏ cuộc”, ông Lukashenko nói.
Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ năm 2014.
“Không, điều này không đúng. Crimea là một phần không thể tách rời của Liên bang Nga. Đó là một vùng của Nga”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov phát biểu ngày 14/6, để phản hồi phát biểu của ông Lukashenko.
Belarus đóng vai trò trung gian giữa Nga và Ukraine trong nhiều năm, đứng ra tổ chức các cuộc đàm phán trong những năm 2014 và 2015, dẫn đến việc ký kết hai thoả thuận Minsk, vạch ra lộ trình được Liên Hợp Quốc ủng hộ để Kiev hoà giải với vùng Donbass.
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2 năm ngoái, nhiều cuộc đàm phán hoà bình được tổ chức ở Belarus, sau đó chuyển sang Istanbul. Vòng đàm phán tại thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đến một thoả thuận sơ bộ mà trong đó Kiev cam kết trở thành một quốc gia trung lập để đổi lấy việc được bảo đảm an ninh. Tuy nhiên, Ukraine sau đó thay đổi. Mátxcơva cho rằng Kiev “quay xe” vì nghe theo lời Mỹ.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn, ông Lukashenko nói rằng các thoả thuận Minsk đã được ký với ý định không tốt của Kiev và các nước hậu thuẫn, vì Ukraine dùng những thoả thuận này để câu giờ nhằm tích luỹ thêm sức mạnh quân sự. Ông Lukashenko cho rằng tình trạng thiếu lòng tin gây trở ngại cho các cuộc đàm phán trong tương lai.
“Nếu chúng ta đồng ý với một tiến trình hòa bình, chiến tranh sẽ dừng lại, không có chuyển động, không có xe tăng, không có quân đội. Nếu bất cứ binh lính nào được triển khai lại, tôi tin rằng chúng tôi nên sử dụng vũ khí hạt nhân. Đó là cách duy nhất chúng tôi có thể nói chuyện với họ”, ông Lukashenko nói về Ukraine và các nước hậu thuẫn.