Nga phô diễn sức mạnh trong khủng hoảng Ukraine

Tên lửa liên lục địa Topol của Nga có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Ảnh: Itar-Tass
Tên lửa liên lục địa Topol của Nga có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Ảnh: Itar-Tass
TP - Sức mạnh quân sự của Nga được phô diễn trong lễ diễu binh tại Quảng trường Đỏ có quy mô lớn nhất trong vòng 20 năm qua, nhân kỷ niệm chiến thắng phát xít Đức (9/5). Sự kiện diễn ra vào thời điểm cả thế giới đang tập trung vào Ukraine, nơi những người ủng hộ Nga đang chuẩn bị một cuộc trưng cầu dân ý mang tính bước ngoặt.

Lễ kỷ niệm năm nay diễn ra trong bối cảnh Nga đang vướng vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất với phương Tây, kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Tổng thống Nga Vladimir Putin không đề cập gì đến tình hình Ukraine trong bài phát biểu trước lễ diễu binh, mà chỉ tập trung vào ý nghĩa lịch sử của chiến thắng phát xít.

Nhưng sự có mặt của đơn vị hải quân thuộc Hạm đội biển Đen được chú ý hơn cả khi lá cờ của Crimea được cắm trên xe bọc thép của lực lượng này.

Khoảng 11.000 quân nhân Nga diễu hành đầy tự hào qua Quảng trường Đỏ trong giai điệu của các bài hát cách mạng, theo sau là hàng dài xe tăng và các hệ thống tên lửa cùng khoảng 70 máy bay chiến đấu, trong đó có một số máy bay ném bom hạt nhân.

Lễ diễu binh mang đặc trưng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Topol-M được tổ chức chỉ 1 ngày sau khi ông Putin đến thăm trung tâm điều hành chính của Bộ Quốc phòng, để quan sát đợt tập trận quy mô lớn mô phỏng một cuộc tấn công hạt nhân để trả đũa kẻ thù tấn công. Thông báo chính thức của Kremlin nói thẳng rằng, đợt tập trận phản ánh căng thẳng sôi sục với phương Tây.

Ông Putin lần đầu thăm Crimea

Crimea, nơi có một căn cứ lớn của Hạm đội biển Đen, cũng tổ chức một lễ diễu binh quy mô lớn trên bến cảng Sevastopol để kỷ niệm sự kiện tái hợp Nga.

Ông Putin đã có mặt tại bán đảo này để tham gia lễ kỷ niệm. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông chủ điện Kremlin tới Crimea kể từ khi bán đảo tách khỏi Ukraine từ tháng 3. Chính quyền Kiev phản đối chuyến thăm, gọi đây là hành động “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Ukraine”.

Trong khi đó, những người nổi dậy ở miền đông Ukraine đang chuẩn bị cho cuộc trưng cầu dân ý vào ngày mai (11/5) để quyết định việc tách khỏi Ukraine. Trước đó, Crimea tái nhập Nga sau một cuộc trưng cầu dân ý. Lời kêu gọi người nổi dậy hoãn tổ chức trưng cầu dân ý của ông Putin được đánh giá là phản ánh quan điểm Nga muốn tách khỏi những người nổi dậy trong lúc đang đàm phán với phương Tây về cuộc khủng hoảng Ukraine.

Thành phố Donetsk hôm qua trở nên bình yên khi một nhóm cựu chiến binh tập hợp lại để kỷ niệm ngày chiến thắng phát xít. Tại thành phố cảng Odessa, sau 1 tuần rung chuyển bởi các cuộc xung đột bạo lực giữa lực lượng ủng hộ Nga và lực lượng thân chính quyền trung ương khiến gần 50 người thiệt mạng, cảnh sát đã bắt giữ một quan chức lập pháp của thành phố và hai nhà hoạt động thân Nga bị cáo buộc dàn xếp các cuộc bạo động.

Chính quyền cũng tăng cường an ninh trong thành phố vì lo sợ bạo lực tiếp diễn. Thị trưởng Ihor Palytsa ban bố lệnh cấm trưng cờ Nga. Tại Kiev, vụ hỏa hoạn trong đường cáp ngầm làm gián đoạn nhiều kênh truyền hình. Ông Vitoria Syumar, Phó Giám đốc Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, gọi vụ hỏa hoạn là hành động phá hoại.

Chủ tịch Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) Didier Burkhalter đưa ra lộ trình để giải quyết cuộc khủng trong cuộc gặp với ông Putin trong tuần này. Nhưng bản lộ trình vẫn chưa được công bố, BBC đưa tin. Thăm Kiev hôm 9/5, Tổng Thư ký OSCE Lamberto Zannier nói: “Chúng tôi đang tìm cách thúc đẩy tiến trình xuống thang”. Ông cho biết, OSCE không thừa nhận cuộc trưng cầu dân ý vào ngày mai.

Dù Mỹ và Liên minh châu Âu đang áp chính sách cấm đi lại và phong tỏa tài sản của nhiều quan chức cấp cao thân cận với ông Putin, Tổng thống Nga vẫn có kế hoạch thăm Pháp vào đầu tháng 6 để dự lễ kỷ niệm 70 năm sự kiện Normandy có ý nghĩa bước ngoặt để chấm dứt Thế chiến 2. Đây sẽ là lần đầu tiên ông Putin giáp mặt các lãnh đạo phương Tây kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng Ukraine.

“Phương Tây đặt cược vào một chính sách vô nghĩa là trừng phạt và đưa lực lượng NATO đến đóng gần biên giới Nga”, ông Gregor Gysi, lãnh đạo đảng xã hội cánh tả Die Linke của Đức, hôm qua nói với báo Passauer Neue. Ông Gypsi cho rằng, chính phủ Đức đang gửi tín hiệu sai đến thế giới trong khi cố gắng giải quyết cuộc xung đột Ukraine. Ông cho rằng, quan chức Đức vẫn có xu hướng nghĩ về tình hình theo cách “trắng và đen” khi lên án lãnh đạo Nga là “xấu” và “những người còn lại là tốt”.

Đấu súng ở Ukraine, 26 người thương vong

Hôm qua, tại thành phố cảng Mariupol của Ukraine, quân chính phủ và lực lượng ly khai đấu súng khiến ít nhất 21 người chết, 5 người bị thương, hãng tin Interfax-Ukraine đưa tin.

Quyền Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov nói: “Có 20 kẻ khủng bố bị tiêu diệt, 5 tên khác bị bắt. Lực lượng chính quyền có 1 người thiệt mạng, 5 người bị thương”.

Theo nghị sĩ Ukraine Oleg Lyashko (có mặt tại hiện trường vụ đấu súng), Tư lệnh Lữ đoàn Dnipropetrovsk thiệt mạng, còn chỉ huy một đơn vị thuộc Lực lượng Vệ quốc Ukraine bị thương nặng, sau khi bị lính bắn tỉa thuộc lực lượng ly khai tấn công.

Cuộc đấu súng diễn ra, khi khoảng 60 thành viên lực lượng tự vệ ủng hộ liên bang hóa tấn công đồn cảnh sát ở Mariupol.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).