Dạo này không thấy Xuyến, cô hàng xóm của tôi đi làm nữa. Tưởng công ty cô đóng cửa hay tinh giản biên chế, nào ngờ lý do được "bật mí" qua câu chuyện của bà giúp việc nhà Xuyến trong một lần vui miệng khiến tôi bất ngờ.
Một lần, chồng Xuyến lục giỏ xách của cô kiếm ít tiền lẻ, vô tình thấy một bộ đồ ngủ cùng bộ đồ nội y rất gợi cảm mà Xuyến chưa từng mặc ở nhà bao giờ, cũng không có vẻ là đồ mới mua. Thấy lạ và dù nóng lòng muốn biết lý do nhưng chồng Xuyến không hỏi ngay mà ngấm ngầm theo dõi để rồi phát hiện thêm nhiều lần sau đó, Xuyến vẫn mang theo mấy thứ đồ đó đi làm.
Từ đó, anh phát hiện ra cô có quan hệ tình cảm với một gã đồng nghiệp, Xuyến và gã nọ thường hẹn nhau vào giờ nghỉ trưa. Nhiều người cho rằng khi "ăn vụng", phụ nữ thường giỏi hơn đàn ông trong khoản “chùi mép”, không hiểu sao cô hàng xóm của tôi lại... hớ hênh đến thế.
Lúc mới cưới nhau được một thời gian, cô em họ tôi một ngày nọ đùng đùng bỏ về nhà mẹ ruột và đòi ly hôn với chồng. Mẹ cô gặng hỏi mãi mới biết thì ra cô phát hiện trong chiếc túi chồng cô xách đi làm mỗi ngày có vài chiếc "áo mưa", thứ mà anh không xài ở nhà bao giờ. Cô làm ầm ĩ thì chồng cô giải thích đó là đồ quảng cáo người ta phát cho không trong quán cà phê, nhưng cô không tin và cho rằng chồng quan hệ bậy bạ ở ngoài mới xài thứ đó.
Rốt cục, họ không thể chia tay nhau vì mấy cái “vật chứng” cỏn con ấy cũng như từ sau lần ấy, tuy chẳng còn phát hiện ra thứ gì khác “nguy hiểm” tương tự trong túi xách của chồng, nhưng cô em tôi đâm ra dị ứng với... cái túi xách, nhìn thấy nó ở đâu là cô thấy khó chịu, lại lôi ra lục lọi, tìm kiếm xem có gì khả nghi không. Chiếc túi không ít lần được lôi ra nhắc lại trong những cuộc cãi vã giữa hai vợ chồng như một thứ “án tích” không biết khi nào mới được xóa bỏ.
Nhớ hồi nhỏ, chiều nào chị em tôi cũng dắt nhau ra đầu ngõ đón mẹ đi làm về. Vừa thấy mẹ từ xa, mấy chị em đã chạy ùa tới, ba chị em đứa thì nhảy tót lên lòng mẹ, đứa đỡ cái giỏ xách trên tay mẹ cho đứa còn lại lục giỏ xem hôm nay mẹ có quà gì cho chúng tôi.
Bao giờ cũng vậy, những thứ trong giỏ mẹ luôn khiến chúng tôi bất ngờ sung sướng. Khi là bịch chè, gói bánh, lúc lại là món đồ chơi ngộ nghĩnh hay cuốn truyện tranh nhiều màu sắc. Những món quà giản dị của bà mẹ nghèo dành cho lũ con nheo nhóc luôn ăm ắp yêu thương khiến chúng tôi nhớ mãi.
Sử dụng giỏ xách, túi xách không chỉ là “đặc quyền” của phụ nữ. Có điều, không như đàn ông, phụ nữ ra đường thường mang giỏ, có khi chiếc túi xách, khi lại là chiếc ví cầm tay, to nhỏ, màu sắc, kiểu dáng, giá trị khác nhau. Với không ít người, món “phụ tùng” này có khi chỉ là vật trang trí. Với người này, chiếc giỏ như một vật dụng bất ly thân dùng để đựng những thứ cần thiết; với người khác, đó là nơi cất giữ những thứ cỏn con, vụn vặt rất đàn bà.
Với những phụ nữ chân chất, cả đời chỉ biết có chồng con như mẹ tôi, chiếc giỏ chứa đựng ăm ắp những yêu thương chứ chẳng mảy may có thứ gì khác cho riêng mình, nhưng cá biệt với vài người, chiếc giỏ lại là kẻ đồng lõa ẩn giấu những bí mật có sức công phá không thua gì... quả bom hẹn giờ.
Mặc dù vậy, hạnh phúc hay bất hạnh là do cách chủ nhân của những chiếc giỏ đối đãi với nhau, là do sự tôn trọng, tình yêu của họ dành cho nhau (đã vơi hay vẫn tròn vẹn) chứ những chiếc giỏ đâu có lỗi gì, phải không?