Thủy điện, điện tử hàng không
Ngày 30/12, ông Igor Nasenkov, Phó tổng giám đốc thứ nhất của Tổng Cty Vô tuyến - Điện tử (KRET) trực thuộc ROSTEC, cho biết, các doanh nghiệp của KRET đã tích cực tham gia hợp tác công nghệ giữa Nga và Việt Nam. Ví dụ, nhân viên của Tổng Cty từ Trung tâm Thiết kế và Sản xuất thiết bị Ulyanovsk đã tham gia giai đoạn vận hành 3 tổ máy điện tại Nhà máy thủy điện Nậm Na ở tỉnh Lai Châu. “Ngoài lĩnh vực dân sự, chúng tôi có kế hoạch đẩy mạnh hợp tác với các đối tác Việt Nam trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự. Tiềm năng hợp tác với Việt Nam rất lớn”, ông Nasenkov nói.
Các sản phẩm của KRET hiện chiếm 55% thị trường điện tử hàng không của Nga. Nhiều loại máy bay dân dụng và quân sự như KA-52, MI-171A2, Yak-130, II-476, MS-21… được lắp thiết bị của KRET. Hệ thống điện tử hàng không tích hợp IMA cũng được ứng dụng cho máy bay Boeing 787 và Airbus 380. Ngoài áp dụng cho các máy bay quân sự mới của Nga như Sukhoi PAK FA (chiến đấu cơ thế hệ thứ 5), KRET đang phát triển hệ thống tương hợp cho máy bay dân sự MS-21, MI-38... “Đây là một sản phẩm tiên tiến độc nhất vô nhị của Nga. Đặc biệt, phần mềm dùng cho IMA của máy bay chở khách MS-21 được nội địa hóa tới 90%”, ông Nasenkov nói.
“Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á-Âu đã ký Hiệp định thương mại tự do. Dự kiến, từ nửa sau năm 2016, khi hiệp định có hiệu lực, nhiều cơ hội hợp tác tốt đẹp sẽ mở ra. Nhìn về tương lai thương mại và đầu tư giữa hai nước, tôi thấy rất lạc quan” .
Đại sứ Nga tại Việt Nam Konstantin Vnukov
Là nhà cung cấp quan trọng nhất cho các lực lượng vũ trang Nga, KRET “đang xúc tiến xuất khẩu hệ thống tác chiến điện tử, gồm cả hệ thống mặt đất và trên không”, ông Nasenkov cho biết. Hệ thống thông tin tình báo và kiểm soát tác chiến điện tử Mátxcơva-1 là trung khu thần kinh cho các tổ chức quốc phòng công nghệ cao, vì có thể xâm nhập, tiếp cận điện tử tới 400 km trong vùng không gian của đối phương.
Hệ thống tác chiến điện tử đa dụng Rtut-BM giúp bảo vệ nguồn nhân lực và trang thiết bị quân sự khỏi tên lửa và pháo trong diện tích lên tới 50 ha. Hệ thống còn có khả năng gây nhiễu điện tử, giúp ngăn chặn thông tin liên lạc trên không và dưới mặt đất, cũng như hệ thống radar dò tìm. Một sản phẩm xuất khẩu khác của KRET là President-S. Đây là hệ thống phòng thủ trên không được sử dụng để bảo vệ cả máy bay quân sự và dân sự khỏi tên lửa. “Tính năng đặc biệt của hệ thống này là chống được tên lửa thăm dò hồng ngoại và tên lửa thăm dò radar”, ông Nasenkov cho biết. “Tôi không có thẩm quyền có thể nêu tên các quốc gia mà KRET đang thỏa thuận. Thông thường, trong lĩnh vực này, những đối tác tiềm năng nhất đến từ châu Á - Thái Bình Dương, Trung Đông và Mỹ Latinh. Hệ thống phòng thủ trên không President-S có thị trường rộng lớn hơn”, ông nói.
Máy bay trực thăng
Trước câu hỏi “Ông nhận định thế nào về hướng hợp tác quốc phòng Việt-Nga thời gian tới?”, Đại sứ Nga tại Việt Nam Konstantin Vnukov trả lời: Hướng đi có ý nghĩa rất quan trọng trong quan hệ Nga-Việt; đó là một cấp độ rất cao về sự tin tưởng lẫn nhau. “Sự hợp tác này có một lịch sử lâu dài; giờ đây và trong thời gian tới, chúng ta chủ yếu làm cho sâu rộng hơn. Quân đội Nhân dân Việt Nam rất quan tâm các chủng loại vũ khí, khí tài của chúng tôi. Tôi nghĩ rằng, về lĩnh vực này, tương lai rất xán lạn”, Đại sứ Vnukov nói. Theo ông, Nga đang thực hiện đúng tiến độ các hợp đồng cung cấp thiết bị quân sự cho Việt Nam, trong đó có những “vũ khí, khí tài hải quân hiện đại nhất”.
Mới đây, trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Tổng Cty Máy bay trực thăng Nga (thuộc ROSTEC) cho biết, hãng có kế hoạch tăng cường xuất khẩu một số loại máy bay, đặc biệt là trực thăng đa dụng, sang Việt Nam cùng một số nước châu Á khác như Ấn Độ, Trung Quốc… “Ở Việt Nam mấy năm qua, nhu cầu đối với máy bay trực thăng tuy có giảm, nhưng đây vẫn là thị trường đầy tiềm năng. Chúng tôi hy vọng cung cấp cho các bạn máy bay phục vụ tìm kiếm, cứu nạn, chữa cháy, thăm dò dầu khí, vận chuyển bệnh nhân…”, ông Vadim Ligay, Phó tổng giám đốc Tổng Cty Máy bay trực thăng Nga, nói. Tổng Cty sẵn sàng cải tiến kỹ thuật, thay đổi chi tiết để cho ra đời các phiên bản trực thăng chữa cháy chuyên dụng hoặc đa năng như ANSAT, KA-32A11BC… phù hợp điều kiện thực tế của Việt Nam, ông Ligay cho biết.
Một số công ty con khác của ROSTEC như Rosoboronexport đang thiết lập các trung tâm cung cấp dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa máy bay ở nước ngoài, đặc biệt là các nước châu Mỹ Latin và châu Á như Việt Nam, Myanmar, Ấn Độ, Trung Quốc… Cty Liên doanh Sửa chữa Trực thăng Biên Hòa là một trong số ít doanh nghiệp được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ sửa chữa dòng trực thăng MI nổi tiếng bên ngoài lãnh thổ Liên Xô cũ và đơn vị này “sửa trực thăng rất tốt”, ông Valery Pashko, Giám đốc Marketing của Cty Máy bay trực thăng Kazan (thuộc Tổng Cty Máy bay trực thăng Nga) nói với phóng viên. Cung cấp dịch vụ đại tu chất lượng cao cho nhiều nước châu Á, liên doanh Biên Hòa “dần trở thành điểm tựa sửa chữa máy bay trực thăng trong khu vực”, ông Pashko nhận xét.