Ngày 25/12, trong cuộc họp với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu thông báo quân đội nước này đã kiểm soát hoàn toàn Marinka (Nga gọi là Maryinka), một thị trấn trọng điểm ở Donetsk.
Bộ trưởng Shoigu nói rằng việc giành được Marinka sẽ giúp bảo vệ Donetsk hiệu quả hơn trước hỏa lực pháo binh của Ukraine.
Các quan chức Ukraine lúc đầu bác bỏ tuyên bố của Nga về việc giành được Marinka, nói rằng cuộc chiến ở thị trấn vẫn tiếp tục. Tuy nhiên, Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Valery Zaluzhny sau đó thừa nhận quân đội Ukraine chỉ còn ở vùng ngoại ô phía bắc thị trấn. Ông nói thêm rằng mặc dù mỗi tấc lãnh thổ đều quan trọng đối với Ukraine, nhưng “mạng sống của những người lính của chúng tôi thậm chí còn quan trọng hơn”.
Vị trí chiến lược của Marinka
Marinka là tâm điểm giao tranh dữ dội giữa lực lượng dân quân Donetsk và quân đội Ukraine kể từ năm 2014.
Thị trấn này từng có dân số khoảng 10.000 người, nằm cách Bakhmut khoảng 130 km, cách Avdiivka khoảng 60 km. Đây là thành trì lớn của Ukraine trong nhiều năm, nơi quân đội Ukraine tiến hành các cuộc pháo kích nhằm vào thành phố Donetsk.
Ảnh vệ tinh chụp ngày 15/2/2022 - vài ngày trước khi Nga khởi động chiến dịch quân sự - cho thấy một thị trấn với những dãy căn hộ và tòa nhà hành chính lớn.
Nhưng những bức ảnh do Bộ Ngoại giao Ukraine công bố một năm sau đó cho thấy Marinka gần như đã bị xóa sổ: Những con đường vắng người, cây cối trơ trụi, không có bóng dáng của một chiếc xe hơi nào.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu tiết lộ Marinka đã bị Ukraine biến thành pháo đài trong chín năm qua, được kết nối bởi một mạng lưới các lối đi ngầm, với những công sự trên hầu hết các tuyến phố.
Nga ca ngợi chiến thắng ở Marinka
Hãng Reuters cho biết nếu tuyên bố của Nga về việc tiếp quản thị trấn là đúng thì đây sẽ là chiến thắng đáng kể nhất trên chiến trường của Mátxcơva kể từ tháng 5 khi quân đội Nga giành được Bakhmut.
Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ tin tưởng rằng việc kiểm soát Maryinka sẽ giúp lực lượng Nga đẩy lùi quân đội Ukraine ra xa hơn Donetsk. Cộng hoà Nhân dân tự xưng Donetsk đã sáp nhập Nga sau một cuộc trưng cầu dân ý vào cuối năm 2022, nhưng Ukraine không công nhận.
Một quan chức cấp cao của Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk cho biết sau khi giành được Marinka, quân đội Nga sẽ có cơ hội phong tỏa một số tuyến đường cao tốc có tầm quan trọng chiến lược, được sử dụng để cung cấp đạn dược cho lực lượng vũ trang Ukraine.
Nhà phân tích quân sự Anatoliy Matviychuk, một đại tá đã nghỉ hưu của Nga, lưu ý rằng việc Marinka nằm gần thành phố Donetsk đã cho phép lực lượng Ukraine pháo kích thành phố này một cách dễ dàng.
Ông Matviychuk nói: “Quan trọng nhất là lực lượng Ukraine đã biến thị trấn đó thành một công sự. Có những vị trí bắn pháo tầm xa. Giờ Marinka đã nằm dưới quyền kiểm soát của Nga, và mối đe dọa nhằm vào Donetsk đã được loại bỏ."
Ông lưu ý thêm rằng với việc giành được Marinka, lực lượng Nga đã nắm quyền kiểm soát “một trung tâm đường sắt và đường cao tốc”, cắt đứt đường tiếp tế cho lực lượng Ukraine trong khu vực này.
Đại tướng Georgy Shpak, cựu Tư lệnh Lực lượng đổ bộ Nga, nhận định: “Chiến thắng của Nga ở Marinka cũng đồng nghĩa với việc lực lượng Ukraine bị giáng một đòn nặng nề về tinh thần và mất niềm tin vào khả năng giữ vững vị trí của mình”.
Chuyên gia Trung Quốc hoài nghi
Zhang Hong, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nga, Đông Âu và Trung Á thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết trên Global Times: "Thật khó để phá vỡ thế bế tắc quân sự giữa Nga và Ukraine bằng cách giành quyền kiểm soát một thị trấn."
Ông lưu ý rằng giống như cuộc chiến ở Bakhmut, việc quân đội Nga chịu tổn thất nặng nề để giành được Marinka sẽ khiến thành công này trở nên không bền vững.
Một số chuyên gia cho rằng tình hình chiến trường sẽ không có gì thay đổi, trong khi Nga đang giữ thế chủ động với khả năng kiểm soát nhịp độ giao tranh dựa trên nền kinh tế ổn định, tổ hợp công nghiệp quân sự và hoạt động xã hội hiệu quả.
"Việc Nga tiến vào một khu vực rộng lớn hơn sẽ mang giá trị tuyên truyền quan trọng", Cui Heng - một học giả cho biết.
Zhao Huirong - chuyên gia nghiên cứu Đông Âu của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nhận định: "Cuộc xung đột kéo dài giữa Nga và Ukraine đến nay đã có một số thay đổi. Thay đổi lớn nhất là việc phương Tây giảm viện trợ cho Ukraine, buộc Ukraine phải chuyển từ thế tấn công sang phòng thủ."
Sự thay đổi này đã có tác động rõ rệt đến tình hình chiến trường, Nga tỏ ra tự tin và chủ động hơn trong khi Ukraine trở nên tương đối thụ động hơn do thiếu đạn dược, nhưng điều này không nhất thiết báo hiệu một bước ngoặt hay các cuộc đàm phán hòa bình sắp xảy ra.
Dù bị giảm viện trợ nhưng Ukraine đã điều chỉnh chiến lược ưu tiên quốc phòng và vẫn sở hữu một kho vũ khí dự trữ. Vì vậy, cuộc chiến tranh tiêu hao này có thể sẽ tiếp tục trong một thời gian, bà Zhao nói.
Cũng trong ngày thứ Ba, lực lượng không quân Ukraine cho biết họ đã làm hư hại một tàu đổ bộ lớn của Nga đóng ở vùng biển Crimea, và cuộc tấn công của Kiev đã gây ra hỏa hoạn ở cảng Feodosia, theo Reuters.
Việc nhắm vào các mục tiêu chính trong cuộc chiến tiêu hao này có thể tăng lên trong tương lai, vì Ukraine, trước tình trạng thiếu đạn dược, phải đạt được một số thành công nhất định để tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của phương Tây. Do đó, số lượng đạn dược hạn chế của họ cần được sử dụng ở những khu vực quan trọng, có thể mang lại tác động lớn hơn, Zhao lưu ý.
Bà nói: “Một số mục tiêu trong số này chắc chắn bao gồm Crimea, nơi có tầm quan trọng đặc biệt."