Nga đổi sang chiến thuật bao vây ở Ukraine

TPO - Thất vọng trước những bước lùi ở Ukraine, Nga có thể đang chuyển sang chiến tranh bao vây khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đặt các lực lượng hạt nhân vào trạng thái cảnh báo cao.

Một lính thuộc lực lượng thân Nga ngồi trong xe tăng ở Lugansk ngày 27/2. (Ảnh: Reuters)

Theo một quan chức Mỹ, lệnh của ông Putin được đưa ra khi Washington đánh giá quân Nga chỉ đạt được tiến triển hạn chế sau 4 ngày triển khai chiến dịch vì vấp phải sự kháng cự và những khó khăn như thiếu nhiên liệu và những đồ tiếp tế khác.

Mỹ ước tính Nga đến nay đã bắn hơn 350 tên lửa vào các mục tiêu ở Ukraine, trong đó một số trúng cơ sở hạ tầng dân sự, nhưng vẫn chủ yếu tập trung vào mục tiêu quân sự.

Dẫn ví dụ về chiến dịch tấn công của Nga vào thành phố Chernihiv ở miền bắc Kiev, quan chức Mỹ nói rằng những dấu hiệu ban đầu cho thấy Nga có thể đang thay đổi chiến thuật.

“Có vẻ họ đang áp dụng chiến thuật bao vây, nó sẽ làm tăng khả năng bị thiệt hại tài sản”, vị quan chức Mỹ nói.

Vị quan chức này cũng nói rằng chiến dịch của Nga cho đến nay vẫn chưa giành được thắng lợi đáng kể nào, khi chưa kiểm soát được không phận của Ukraine, quân Nga vẫn cách trung tâm thủ đô Kiev khoảng 30km.

Những hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy một số phương tiện quân sự của Nga ở Ukraine, bao gồm xe tăng, bị bỏ lại vì hết nhiên liệu, đặt ra câu hỏi về vấn đề hậu cần.

“Họ đơn giản là không có nhiều kinh nghiệm khi tiến vào một nước khác với quy mô và độ phức tạp như vậy”, quan chức Mỹ nói.

Quan chức này cũng cho rằng dù chưa rõ đây là thất bại về hoạch định hay thực hiện, nhưng lực lượng Nga sẽ vượt qua thách thức.

Mỹ cho biết Nga vẫn chưa đưa 1/3 lực lượng ở biên giới vào Ukraine, nhưng quân số tiến vào quốc gia láng giềng gia tăng trong những ngày gần đây.

Sau khi ông Putin chỉ đạo đặt các lực lượng hạt nhân vào trạng thái sẵn sàng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Mark Milley, và Tư lệnh lực lượng Mỹ ở châu Âu Tod Wolters có cuộc họp để bàn về bước đi này của nhà lãnh đạo Nga.

Vị quan chức cho biết dù Washington vẫn đang thu thập thông tin, nhưng bước đi của ông Putin rất đáng lo ngại.

“Khi làm như vậy, nếu có tính toán sai lầm sẽ khiến mọi thứ nguy hiểm hơn nhiều”, quan chức nói.

Mick Mulroy, cựu sĩ quan cấp cao của Lầu Năm Góc từng làm việc cho CIA, cho rằng ông Putin nâng cảnh báo lực lượng hạt nhân là để phản ứng với những thất bại trên chiến trường.

Theo Reuters