Chờ động thái của Bộ
Trong phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ 2017 vừa được công bố, Bộ GD&ĐT cho phép các trường ĐH được lựa chọn 1 trong 4 phương án để tuyển sinh, gồm: Xét tuyển dựa vào kết quả các bài thi THPT quốc gia; Sơ tuyển dựa vào kết quả Kỳ thi THPT quốc gia hoặc dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT kết hợp với thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh; Xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT; Phối hợp nhiều phương thức tuyển sinh. Trước các phương án của Bộ đưa ra, ông Nguyễn Khắc Thạc, Phó trưởng phòng đào tạo ĐH Thủy lợi, cho biết, trường chưa tổ chức họp để bàn phương án tuyển sinh. Nhưng xu hướng chung là tiết kiệm, giảm áp lực cho thí sinh và tin tưởng vào chất lượng kỳ thi THPT quốc gia, nên ĐH Thủy lợi dự kiến lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển.
GS Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên, cho biết, năm tới, trường sẽ vừa xét kết quả thi THPT quốc gia, vừa xét kết quả học bạ như năm 2016. Ông Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cho rằng, với các trường ngoài công lập, tình hình tuyển sinh sẽ vẫn còn nhiều khó khăn nên phương án tuyển sinh 2017 không thay đổi so với năm 2016.
Có trường sẽ phải đóng cửa?
Phó hiệu trưởng một trường ĐH lớn tại Hà Nội cho rằng, nếu Bộ GD&ĐT không còn khống chế số lượng nguyện vọng đối với thí sinh thì kịch bản của các trường sẽ tương đối khác so với năm 2016. “Lúc đó, tôi nghĩ là công bằng nhất. Thí sinh được chọn trường, chọn ngành một cách thoải mái để đạt được nguyện vọng tốt nhất cho mình.
Tất nhiên, các trường sẽ vất vả vì ảo. Có những trường gọi 1.000 thí sinh nhưng chỉ 100 thí sinh đến nhập học”, vị phó hiệu trưởng nói. Theo vị này, nếu cho tự chủ tuyển sinh hoàn toàn sẽ có nhiều vấn đề nảy sinh. “Vai trò quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT lúc này sẽ được thể hiện, Bộ sẽ điều tiết hay để thị trường điều tiết? Do đó, các trường phải nghe ngóng xem thế nào để có ứng xử cho phù hợp”, vị phó hiệu trưởng nói.
Trước câu hỏi của Tiền Phong về việc lấy kết quả thi THPT quốc gia của Bộ nên các trường phải chịu sự ràng buộc điều kiện của Bộ, còn nếu không muốn ràng buộc, các trường có thể tự chủ tuyển sinh, vị phó hiệu trưởng cho rằng, lấy kết quả thi và tuyển sinh của các trường ĐH là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau.
“Bộ tổ chức một kỳ thi chung, chất lượng công bằng, khách quan là để giảm chi phí cho xã hội. Kết quả đánh giá này các trường có thể sử dụng để tuyển sinh đầu vào. Còn việc tuyển sinh như thế nào là chuyện của các trường, Bộ chỉ kiểm soát xem các trường có tuyển sinh theo đúng chỉ tiêu đã đăng ký. Lúc đó, sự phân tầng của các trường ĐH sẽ rất rõ ràng. Những trường không hấp dẫn, những ngành không hấp dẫn sẽ chỉ tuyển được những học sinh chất lượng không cao. Và lúc đó, sẽ có rất nhiều trường ĐH không tuyển sinh được, phải đóng cửa hoặc sáp nhập. Vậy, giải quyết vấn đề đó thế nào vì không ít trường nằm trong số đó là trường công?”, vị phó hiệu trưởng đặt câu hỏi.
Trưởng phòng đào tạo một trường ĐH khác cũng băn khoăn vì chưa biết phương án tuyển sinh sẽ như thế nào. “Nếu tổ chức một kỳ thi riêng, trường hoàn toàn có đủ khả năng để làm việc đó. Nhưng có đáng không? Vì như thế sẽ tạo áp lực, gây tâm lý cho học sinh. Còn lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia, với phương thức tuyển sinh mới và còn một cụm thi do các Sở GD&ĐT chủ trì, trường cũng chưa thấy thật sự yên tâm là tuyển sinh được những thí sinh đáp ứng yêu cầu đào tạo”, vị trưởng phòng đào tạo chia sẻ.
Nhiều trường ĐH khác đề xuất Bộ GD&ĐT và các trường cùng bàn hướng tuyển sinh trong năm tới. Có như thế, các trường mới có thể đưa ra phương án cụ thể cho mùa tuyển sinh 2017.