>> Một tỉnh, nhiều dự án tỷ USD treo
Bà Lê Thị Chiến, một người dân nhường đất cho dự án Formosa: "Họ bảo khi tái định cư, đàn ông trên 60 tuổi, đàn bà trên 55 tuổi được hỗ trợ mỗi tháng 15kg gạo, đến nay cũng chưa thấy gạo mô" . Ảnh: Phong Cầm |
Quan điểm của ông thế nào, khi chủ đầu tư vừa đưa ra hàng loạt đề nghị được ưu đãi, trong đó có cả đề nghị được vay vốn trong nước, nếu không được giải quyết, dự án không thể thực hiện?
Việc đề nghị là chuyện của nhà đầu tư, còn chúng ta có đồng ý hay không mới là vấn đề. Liên quan đến vấn đề này, UBND tỉnh Hà Tĩnh không đủ thẩm quyền quyết định, mà chỉ xem xét cùng với các bộ ngành rồi trình lên Chính phủ xem xét giải quyết. Chủ đầu tư cũng chưa có biểu hiện hay dấu hiệu vi phạm luật pháp Việt Nam. Thậm chí cũng chưa có biểu hiện thôi thực hiện dự án. Chủ đầu tư đang làm rất tích cực.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự. |
Đến thời điểm này, chủ đầu tư đã triển khai được những gì rồi, thưa ông?
Vấn đề lớn hiện nay mà chúng tôi đang làm là chuyển đổi nghề cho dân tái định cư, đào tạo nguồn cán bộ triển khai dự án... Theo cam kết, sau bàn giao mặt bằng 36 tháng, nhà máy thép sẽ đi vào sản xuất; còn sau 48 tháng cảng sẽ đi vào hoạt động.
Chúng tôi theo dõi sát sao tiến độ thực hiện dự án của Formosa. Họ đã ký hàng loạt hợp đồng với các đối tác về việc cung cấp vật liệu đá vôi, than đá… Formosa cũng đã thuê một đội tàu để tiến hành khoan thăm dò ngoài biển và thuê một Cty thuộc Bộ GTVT chuyên về cầu cảng để tư vấn.
Giai đoạn 1 dự án có tổng vốn đầu tư lên tới 8,9 tỷ USD, nhưng chủ đầu tư chỉ có 2,7 tỷ USD, còn lại họ đề nghị được vay vốn cả ở trong và ngoài nước. Như vậy liệu chủ đầu tư có đủ năng lực tài chính để thực hiện?
Dự án khả thi có mấy yếu tố quyết định. Đó chính là nguyên liệu và thị trường. Còn vấn đề vốn, hiện nay kể cả các doanh nghiệp trong nước, chúng ta cũng chưa kiểm soát nổi huống hồ là doanh nghiệp FDI.
Vấn đề là doanh nghiệp đó phải tự biết kiểm soát được khả năng cân đối thanh toán. Hơn nữa, đối với Formosa họ cũng đã có những cân đối nhất định về vốn thì họ mới dám làm. Thực tế là họ cũng đã cân đối được 2,7 tỷ USD cho dự án.
Thậm chí, đến chiều 30-7, họ vẫn tiếp tục làm việc và yêu cầu giao ngay mặt bằng để triển khai xây dựng nhà máy. Trong buổi làm việc, tôi đã khẳng định sẽ hoàn tất bàn giao mặt bằng trong tháng 8 tới.
Ông đánh giá thế nào về tính khả thi của dự án?
Tôi khẳng định đây là dự án chủ lực của Hà Tĩnh. Nếu đi vào hoạt động, dự án sẽ đem lại lợi ích rất lớn. Riêng tiền thu được từ thuế cũng lên đến hàng chục tỷ USD. Ngoài ra, còn tạo ra hàng ngàn việc làm cả trong và ngoài hàng rào nhà máy.
Khi đi vào hoạt động, 12 huyện thị của Hà Tĩnh sẽ trở thành khu hậu cần cho dự án. Hơn nữa, dự án sẽ tạo ra cú hích để cấu trúc lại kinh tế cho nhiều thế hệ. Đây là cơ hội tốt để người dân Hà Tĩnh đổi đời.
Việc triển khai dự án cũng là dịp để tổ chức lại cuộc sống cho người dân. Nhờ có dự án mà điện, đường, trường, trạm, công nghệ thông tin, viễn thông… bắt đầu khởi sắc. Cũng vì có dự án mà Trung ương đồng ý cho UBND tỉnh làm một con đường ven biển nối liền từ huyện Nghi Xuân vào tận cảng Vũng Áng.
Tuy nhiên, nếu không có dự án hoặc dự án bị trục trặc (chúng tôi cũng đã đặt ra giả thiết từ đầu) thì cái mất lớn nhất là Hà Tĩnh mất luôn môi trường đầu tư. Dự án này quyết định sự phát triển của Hà Tĩnh.
Thưa ông, Tập đoàn Tata (một tập đoàn có kinh nghiệm sản xuất thép hơn 100 năm ở Ấn Độ) đã xin đầu tư vào đây trước Formosa, nhưng Formosa lại được chọn, vì sao vậy?
Đúng là Tata vào trước. Tôi cũng rất ủng hộ tập đoàn này, nhưng cho đến hôm nay, họ vẫn chưa hoàn thiện xong hồ sơ để đầu tư. Chính tôi là người nhiệt tình nhất và đã sang Ấn Độ để tìm hiểu về Tata. Đây đúng là tập đoàn lớn, chuyên về sản xuất thép. Đáng ra, Tata phải được ưu tiên nhưng do họ triển khai quá chậm nên Formosa đã chớp lấy cơ hội.
Tuy nhiên, Hà Tĩnh vẫn thủy chung và đang hoàn thiện hồ sơ để cấp cho Tata một khu đất 700 ha bên cạnh Formosa.
Cảm ơn ông.
Phong Cầm - Minh Thùy
Thực hiện