Khi tòa án quốc tế hồi cuối tháng 10 quyết định họ có thẩm quyền thụ lý vụ kiện của Philippines chống lại Trung Quốc, Bắc Kinh tuyên bố không chấp nhận, nói rằng điều đó “sẽ không dẫn đến điều gì”. Nhưng các chuyên gia quốc tế nói rằng, Manila có cơ hội thành công đáng kể. Phán quyết cuối cùng dự kiến được đưa ra vào giữa năm 2016.
Các chuyên gia cho rằng, một phán quyết như vậy sẽ là chiếc cối đá đeo lên cổ Trung Quốc, đặc biệt tại các hội nghị khu vực, khiến Bắc Kinh khó có thể phớt lờ. Từ chỗ ít được chú ý khi Manila bắt đầu nộp hồ sơ kiện năm 2013 và thường được coi như một sự trình diễn trước những căng thẳng trên biển, vụ kiện ngày càng nhận được sự ủng hộ của nhiều nước châu Á và phương Tây.
Một chuyên gia nói rằng, nếu phán quyết của tòa chống lại Trung Quốc ở một số điểm mấu chốt, các nước phương Tây sẽ phối hợp với nhau để gia tăng áp lực với Bắc Kinh tại các hội nghị, diễn đàn khu vực và quốc tế. “Các nước khác sẽ dùng điều đó như một chiếc gậy để đánh vào Bắc Kinh. Đó là lý do Trung Quốc e ngại vấn đề này”, Reuters dẫn lời ông Ian Storey - chuyên gia về biển Đông tại Viện Đông Nam Á ở Singapore.
Chuyên gia an ninh Bonnie Glaser tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở Singapore đồng tình quan điểm này. “Trung Quốc giả vờ họ dễ dàng phớt lờ và từ chối. Tôi nghĩ, trên thực tế, họ sẽ phải trả một cái giá quốc tế cho điều đó”, ông Glaser nói.
Đơn kiện của Manila yêu cầu được công nhận quyền khai thác trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý trên biển Đông dựa trên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Công ước này không quy định vấn đề chủ quyền, nhưng vạch ra hệ thống vùng kinh tế và lãnh thổ, trong đó bao gồm các thực thể như đảo, đá, bãi đá… Dù đã phê chuẩn UNCLOS, Trung Quốc vẫn cho rằng, Tòa trọng tài quốc tế không có thẩm quyền xử vụ kiện này, trong khi nước này tuyên bố một cách không có căn cứ rằng, họ có chủ quyền trên hầu hết khu vực biển Đông. Bất kỳ phán quyết nào mà tòa đưa ra cũng sẽ có tính ràng buộc pháp lý, nhưng không có biện pháp buộc Trung Quốc phải thực hiện, ngoài việc gây áp lực chính trị. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 1/12 nhắc lại rằng, Bắc Kinh sẽ không công nhận bất kỳ quyết định nào đối với họ.
Ông Michael Wesley, giáo sư ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc gia Úc, nói rằng, Trung Quốc sẽ không cảm thấy bị ràng buộc bởi bất kỳ phán quyết nào của tòa. “Biển Đông là ví dụ kinh điển cho thấy cách nghĩ của Trung Quốc, và họ có thể rất thành công trong việc loại bỏ và thay thế vai trò lãnh đạo của Mỹ trong khu vực, mà không phải mạo hiểm đối mặt với cuộc xung đột lớn nào”, GS Wesley nói.
Trong khi đó, nhiều nhà ngoại giao nói rằng, vụ kiện là chìa khóa để ép Trung Quốc chấp nhận các quy tắc luật pháp quốc tế trên vùng biển mà mỗi năm một lượng hàng hóa trị giá 5 tỷ USD được vận chuyển qua. Nhiều nước đã yêu cầu được gửi quan sát viên đến tòa án ở La Hay, Hà Lan, trong đó có các nước liên quan gồm Việt Nam, Malaysia, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Úc và Anh. Washington nhiều lần lên tiếng ủng hộ vụ kiện. Thủ tướng Đức Angela Merkel từng gợi ý Trung Quốc ra tòa quốc tế để giải quyết tranh chấp trên biển Đông.
Sau những cuộc gặp tại Sydney hôm 22/11, các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Úc, Nhật Bản tuyên bố, họ ủng hộ quyền của các nước liên quan trên biển Đông đưa tranh chấp ra tòa trọng tài. Với việc từ chối tham gia quá trình tố tụng, Trung Quốc đã bỏ qua cơ hội chính thức bảo vệ tuyên bố chủ quyền mơ hồ của họ. Tìm kiếm một phán quyết của tòa về quyền khai thác vùng đặc quyền kinh tế, Philippines hy vọng sẽ khiến Trung Quốc phải rút lui khỏi nhiều bãi cạn, bãi đá.
Các nhà ngoại giao và nhiều nguồn tin từ ngành khai thác dầu nói rằng, luật sư của các hãng dầu khí quốc tế sẽ xem xét kỹ phán quyết của tòa để xem phán quyết đó có làm sáng tỏ quyền khai thác trong các lô dầu khí ngoài khơi Philippines và Việt Nam hay không, AP đưa tin.
Một lãnh đạo an ninh Indonesia tháng trước nói rằng, Jakarta cũng có thể đưa Bắc Kinh ra tòa với tuyên bố đường 9 đoạn của họ.