Nếu tăng học phí thì cũng không gây quá tải

Nếu tăng học phí thì cũng không gây quá tải
TP - Đó là  ý kiến trong phát biểu của Phó thủ tướng - Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân trong Hội nghị giao ban lần I Sở GD&ĐT của 5 thành phố trực thuộc T.Ư ngày 25/11.
Nếu tăng học phí thì cũng không gây quá tải ảnh 1
Các sở GD&ĐT ký giao ước thi đua  Ảnh: Đăng Khoa

Những tưởng với tiềm lực mạnh mẽ và điều kiện kinh tế xã hội vững chắc, ngành Giáo dục tại 5 TP trực thuộc Trung ương: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ sẽ phát triển khá dễ dàng. Thế nhưng, qua báo cáo của các Sở GD&ĐT tại "5 đầu tàu" của cả nước, có thể thấy còn không ít khó khăn phía trước.

Theo báo cáo của các sở GD&ĐT thuộc những thành phố này, tuy việc học sinh bỏ học không phải là vấn đề nhức nhối như tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhưng vẫn còn.

Tỷ lệ học sinh bỏ học tại TPHCM là 0,06% (tiểu học), 0,45% (THCS), 0,94% (THPT). Tỷ lệ bỏ học tại TP Cần Thơ là 0,6% (tiểu học), 3,51% (THCS), 2,4% (THPT).

Riêng tại TP Hà Nội, tuy không có học sinh bỏ học nhưng do tình hình mưa úng kéo dài vừa qua, có 700 trường bị mưa ngập, hơn 600 phòng học bị hư hỏng, nhiều trường phải cho học sinh nghỉ học từ 3 – 6 ngày.

Bên cạnh đó, việc phân ban THPT tiếp tục là vấn đề được các thành phố trực thuộc T.Ư đề cập. Ông Nguyễn Văn Ngai – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM – thẳng thắn: “Theo thống kê của Sở GD&ĐT TPHCM, có 4,46% học sinh THPT chọn ban A, 0,14% học sinh chọn ban C, còn lại đến 95,4% học sinh chọn ban Cơ bản. Như vậy, phân ban THPT cũng như không!”.

Cũng đề cập đến điều này, ông Nguyễn Quý Đôn – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cần Thơ – đưa ra hình ảnh rất chân thực: “Ban Cơ bản hiện nay như bát cháo trắng chưa nêm, học sinh muốn ăn ngọt thì nêm ngọt, muốn ăn mặn thì nêm mặn.

Nếu tăng học phí thì cũng không gây quá tải ảnh 2
Học sinh của trường THPT Trần Đại Nghĩa (TPHCM) đỗ điểm cao vào ĐH và các kỳ thi quốc gia trong năm 2008 được tôn vinh - Ảnh: H.T.D

Nghĩa là tuy học ban Cơ bản nhưng học sinh nào muốn học nghiêng về Tự nhiên hay Xã hội thì học nhiều hơn về hướng đó. Ban Cơ bản thực ra là không phân ban gì. Nếu với tỷ lệ học sinh chọn ban Cơ bản tại các nơi như thế, cần gì phải phân ban nữa!”.

Đa số các sở GD&ĐT tại Hội nghị đều đề cập đến việc tăng học phí. Theo Sở GD&ĐT Cần Thơ, mức học phí tại các nhà trường đang áp dụng hiện nay quá thấp so với sự đòi hỏi của sự phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục.

Trong khi đó, theo Sở GD&ĐT Hải Phòng, Bộ GD&ĐT cần phải quy định mức sàn hoặc trần học phí tại các trường dân lập, tư thục. Không nên để các trường tư thục tự ấn định mức học phí mà phải có sự kiểm tra, kiểm soát của Nhà nước.

Cũng qua một số vụ việc liên quan đến các trường cao đẳng dân lập, tư thục vừa qua, Sở GD&ĐT Hải Phòng đề nghị Bộ GD&ĐT phải kiểm soát chặt chẽ hơn nữa.

Trước một số khó khăn trước mắt, các sở GD&ĐT của 5 thành phố đã có một số kiến nghị với Bộ GD&ĐT: Thực hiện chế độ chính sách đối với giáo viên trường chuyên, lớp chuyên, cải cách chế độ tiền lương, phân cấp cụ thể cho địa phương nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng học phí…

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết: “Về học phí, với giáo dục phổ thông, về nguyên tắc Nhà nước lo là chính, nếu tăng thì cũng không gây quá tải cho phụ huynh.

Với những địa phương có điều kiện, học phí sẽ tăng hơn nhưng vừa phải. Những địa phương khó khăn, có thể sẽ giảm hoặc không đóng học phí. Vấn đề này Bộ Chính trị đang xem xét  và sẽ thông qua trong thời gian sắp tới.

Ở các trường ngoài công lập, Bộ GD&ĐT cũng cần có quyền giám sát về học phí, giám sát về chất lượng. Còn việc phân ban là để cho học sinh có sự lựa chọn để học sau hơn, còn việc tại sao xảy ra việc lựa chọn của học sinh như vậy, Bộ GD&ĐT sẽ có nghiên cứu và sơ kết”.

MỚI - NÓNG