Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (ĐH) Bộ GD&ĐT cho biết quy định hiện hành, việc mở ngành đối với các cơ sở giáo dục ĐH được quy định bởi hai thông tư là Thông tư 09 (đối với đào tạo sau ĐH) và Thông tư 22 (đối với đào tạo ĐH).
Thông tư mới (Thông tư 02/2022) thống nhất quy định chung về điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động ngành đào tạo của các trình độ của giáo dục ĐH (trình độ ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ), thay thế cho 2 Thông tư trên đảm bảo quy định thống nhất và đồng bộ việc mở ngành đào tạo các trình độ của giáo dục ĐH.
Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Thông tư 02 đã có các quy định bổ sung và làm rõ hơn một số khái niệm để bảo đảm việc thực hiện được thống nhất và minh bạch như: Khái niệm về ngành phù hợp; Chuyên môn phù hợp; Ngành đào tạo; Nhóm ngành đào tạo; Lĩnh vực đào tạo; Giảng viên toàn thời gian; Giảng viên thỉnh giảng; Ngành đặc thù thuộc lĩnh vực Nghệ thuật; Nhóm ngành Đào tạo giáo viên; Ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Sức khỏe; Ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Pháp luật; Thành phần của chương trình đào tạo và các khái niệm khác có liên quan để bảo đảm việc thực hiện được thống nhất trên cả nước.
Thông tư mới đã có các quy định điều kiện cụ thể về đội ngũ giảng viên khi mở ngành đào tạo bảo đảm phù hợp và nhất quán với quy định tại các Thông tư quy định về chuẩn chương trình đào tạo. Trong đó đã bỏ khái niệm "đúng ngành" thay vào đó là khái niệm "ngành phù hợp" đối với giảng viên trong điều kiện mở ngành.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Thông tư 02 đã có quy định bổ sung và làm rõ về điều kiện giảng viên phải đảm bảo đầy đủ cho cả khóa đào tạo đối với việc mở ngành trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ khi nộp hồ sơ đề nghị mở ngành đào tạo.
Đối với mở ngành trình độ ĐH yêu cầu phải bảo đảm về số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên để thực hiện chương trình đào tạo tối thiểu đầy đủ cho 2 năm học đầu của chương trình đào tạo và phải có kế hoạch, phương án tuyển dụng; phát triển đội ngũ giảng viên cho các năm học tiếp theo của toàn khóa học để từ năm học thứ 3 chậm nhất trước 1 năm tính đến thời điểm bắt đầu diễn ra năm học mới phải bảo đảm về số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên để thực hiện chương trình đào tạo cho từng năm học và khóa học.
Đối với lĩnh vực Sức khỏe, lĩnh vực Pháp luật và nhóm ngành Đào tạo giáo viên yêu cầu phải có đầy đủ điều kiện về đội ngũ giảng viên theo quy định khi nộp hồ sơ đề nghị mở ngành đào tạo.
Điều kiện về cơ sở vật chất khi mở ngành đào tạo đã quy định phải đảm bảo đầy đủ cho cả khóa đào tạo đối với mở ngành trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ khi nộp hồ sơ đề nghị mở ngành đào tạo.
Đối với mở ngành trình độ ĐH yêu cầu phải bảo đảm tối thiểu đầy đủ cho 2 năm học đầu của chương trình đào tạo; phải có kế hoạch, phương án đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị cho các năm học tiếp theo của toàn khóa học để từ năm học thứ 3 chậm nhất trước 1 năm tính đến thời điểm bắt đầu diễn ra năm học mới phải bảo đảm có đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất theo yêu cầu của chương trình đào tạo.
Đối với lĩnh vực Sức khỏe, lĩnh vực Pháp luật và nhóm ngành Đào tạo giáo viên yêu cầu phải có đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất theo quy định khi nộp hồ sơ đề nghị mở ngành đào tạo.
Bên cạnh đó, bà Thủy cũng cho hay Thông tư 02 yêu cầu các cơ sở giáo dục ĐH phải đáp ứng các yêu cầu, điều kiện tối thiểu theo quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT để sẵn sàng chuyển sang dạy - học trực tuyến, bảo đảm chất lượng đào tạo theo quy định.
Thông tư mới đã có quy định cụ thể 2 trường hợp cơ sở đào tạo bị đình chỉ hoạt động ngành đào tạo của cơ sở đào tạo như tự chủ mở ngành khi chưa đủ được điều kiện được tự chủ mở ngành theo theo quy định; tự chủ mở ngành khi chưa đủ một trong các điều kiện quy định. Quan trọng hơn, cơ sở bị đình chỉ ngành đào tạo sẽ không được tự chủ mở ngành trong 5 năm.