Nếu là giáo viên, bạn sẽ làm gì khi học sinh… tỏ tình?

Đặt mình ở cương vị giáo viên, những nữ sinh Sư phạm xinh đẹp Thu Hoài, Phương Uyên, Thùy Linh và Khánh An đưa ra ý kiến để xử lý những tình huống khó “nhằn”, oái oăm như “được” học sinh tỏ tình, vấn nạn phong bì, học sinh cá biệt hay vô lễ.

Phạm Thu Hoài đối mặt với lời tỏ tình của học sinh

Từng có khoảng thời gian thực tập trên giảng đường, Hoa khôi Duyên dáng Sư phạm Hà Nội 2013 cũng gặp qua tình huống “Em yêu cô” của những học sinh tiểu học, với tình cảm yêu quý đơn thuần rất đỗi ngây thơ, hồn nhiên.

“Nhưng nếu là đối tượng là học sinh cấp 3, bày tỏ với một thái độ nghiêm túc thì trước hết, Hoài sẽ cảm ơn tình cảm học sinh ấy đã dành cho mình. Đồng thời Hoài cũng thể hiện cho em ấy hiểu rằng mình cũng yêu (quý) không chỉ với học sinh đó mà còn tất cả thành viên trong lớp với thông điệp: chúng ta hãy cùng làm điều tốt đẹp nhất dành cho những người ta yêu quý”, Hoài chia sẻ.

Theo Hoài, mặc dù thẳng thắn và dứt khoát bày tỏ thái độ từ chối nhưng không biểu hiện sự gay gắt vì dễ dàng gây ra tâm lý ám ảnh, tiêu cực cho học sinh. Hoài tin tưởng rằng, ở độ tuổi này, học sinh cũng đã có nhận thức khá trưởng thành, sẽ hiểu điều cô bạn muốn nói.

Phương Uyên nói “không” trước vấn đề phong bì 20/11

Hoa khôi Sư phạm TP. Hồ Chí Minh 2013 cho rằng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là dịp để học sinh và gia đình thể hiện tình cảm yêu mến, biết ơn với các thầy cô giáo bằng những lời chúc tốt đẹp, bó hoa, món quà nhỏ...

Uyên cho biết: “Nhưng nếu thay bằng phong bì thì đó lại trở thành một vấn đề nhạy cảm, dễ gây nên những cách hiểu lệch lạc. Vì vậy, nếu có trường hợp học sinh hoặc phụ huynh tặng phong bì trong ngày này, Uyên sẽ từ chối để không gây ra hiểu lầm không đáng có”.

Bên cạnh đó, Phương Uyên cũng sẽ dùng lời nói và sự chân thành của mình để thể hiện cho đối phương hiểu được một điều: khị thể hiện sự tri ân, thì tình cảm, tấm lòng mới là quan trọng nhất.

“Do đó, Uyên xin từ chối món quà này, nhưng sẽ ghi nhận và cảm ơn tấm lòng của phụ huynh, học trò ấy”, Phương Uyên nói.

Trần Thị Khánh An và biện pháp đối với những trường hợp cá biệt

Chủ nhân giải thưởng Áo dài cuộc thi Hoa khôi Sư phạm TP. Hồ Chí Minh 2013 chia sẻ: “Đã từng có ý kiến nhận xét rằng: "Văn hoá nước ngoài thiên về khuyến khích, còn văn hoá Việt Nam thiên về đả kích.

Yếu tố đúng sai của quan niệm trên quá vĩ mô so với kiến thức của mình, nhưng không thể phủ nhận nhiều trường hợp học sinh cá biệt không chỉ bị cô lập bởi bạn bè, mà còn bởi chính thầy cô – những người có tác động rất lớn đến các em”.

Khánh An bày tỏ, ở cương vị một giáo viên, cô bạn tuyệt đối phê phán việc phân loại học sinh "trị và bất trị". Đồng thời, Khánh An cũng sẽ cố gắng tạo điều kiện hết sức cho những học sinh đó có thể hoà nhập, nhận thức tầm quan trọng của việc học, và hơn hết là tạo mối liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình để giúp đỡ các em.

“Đặc biệt, với những trường hơp có xu hướng tiêu cực, bất hợp tác, ta không nên lấy cứng trị cứng mà phải mềm mỏng, tâm lí để giúp đỡ, hỗ trợ các em”, Khánh An nói.

Học sinh vô lễ, có thái độ thách thức – Nguyễn Thùy Linh sẽ làm gì?

Theo Á khôi 1 Duyên dáng Sư phạm Hà Nội 2013, đứng trước một tình huống sư phạm như vậy, việc đầu tiên người giáo viên cần làm, đó là giữ bình tĩnh. “Bởi tức giận, trách mắng và tạo hình phạt đối với học sinh sẽ hình thành một quy luật trong cách hành xử của các em: đó là cứ hành động sai và sẽ đền bù bằng việc bị phạt, lần tới có thể tiếp tục như vậy”.

Linh cho rằng, việc mình cần làm khi đứng trong trường hợp đó là hẹn em ấy nói chuyện riêng, lắng nghe học sinh đó muốn gì, nguyên nhân dẫn đến thái độ tiêu cực đó để tìm hướng giải quyết.

Linh bày tỏ: “Nếu như sai lầm xuất phát từ phía giáo viên, mà ở một khía cạnh khách quan nào đó, chúng ta đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi hay cảm xúc của học sinh, người giáo viên nên tỏ thành ý xin lỗi đến em ấy trước mặt tất cả những người đã chứng kiến toàn bộ sự việc”.

Còn nếu như lỗi lầm đến từ học sinh nhưng em ấy vẫn tỏ thái độ vô lễ, Linh sẽ phân tích sai lầm và đặt ra một kế hoạch lâu dài trong việc giúp đỡ học trò ở cách hành xử, bằng việc phối hợp hai chiều giữa gia đình và giáo viên.

“Việc cần thiết là nói chuyện và giải thích với học sinh đó – hành động vô lễ, thách thức đó không phải là cách hành xử đúng, chúng ta có rất nhiều cách để tranh đấu giành quyền lợi cho bản thân nhưng đó không phải là cách giải quyết đúng mực và khôn ngoan dù trong bất kì tình huống nào”, Linh cho biết.

Theo Theo Dân trí