Nguồn cơn của sự giận dữ từ chính giới Đức là những lời đe dọa của đại sứ Mỹ Richard Grenell tại Đức, người nói rằng Berlin phải tăng chi tiêu quân sự cho khối NATO nếu muốn giữ chân quân Mỹ ở đây. Bằng không quân Mỹ sẽ chuyển sang Ba Lan, nước nhiều lần bày tỏ ý tưởng sẵn sàng chi thêm tiền để Mỹ tăng quân đồn trú, nhằm đối phó với nước Nga.
“Ông đại sứ Mỹ đã đúng: người đóng thuế Mỹ không nên chi trả cho việc đồn trú quân Mỹ ở Đức", nghị sỹ Dietmar Bartsch nói, theo tường thuật của tờ Hannoversche Allgemeine Zeitung. Ông cũng đề nghị rằng đã rút thì rút cho hết. “Nếu người Mỹ rút quân, họ phải rút luôn cả vũ khí hạt nhân (đang lưu trữ ở Đức”, nghị sỹ Bartsch nhắn nhủ.
Hồi đầu tuần, ông Grenell đòi hỏi rằng Đức phải tăng chi phí quân sự với lý luận“ thật sỉ nhục khi trông đợi người đóng thuế Mỹ tiếp tục phải chi trả để nuôi 50.000 quân Mỹ” đang đồn trú ở Đức.
Lời bình luận này theo sau một đề nghị từ đặc phái viên Mỹ ở Ba Lan, người đang vận động để quân Mỹ chuyển tới đây bởi Warsaw là một đồng minh, không giống như Đức, “chi 2%GDP cho NATO”.
Không chỉ nghị sỹ Bartsch, nhiều chính trị gia Đức khác cũng ngay lập tức phản pháo. Thomas Hitschler, một thành viên của đảng Dân chủ Xã hội (SPD), mô tả nhận xét của vị đại sứ Mỹ là “rất có vấn đề” và “rất khiếm nhã”. Ông còn nói thêm rằng chỉ trích của ông Grenell về chuyện đóng góp tài chính của Đức vào NATO không phù hợp với thực tế.
Ông Hitschler nói đã nghe các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ ca ngợi về các cam kết quốc phòng của Berlin trong một chuyến thăm tới Washington gần đây.
Tổng thư ký của SPD, Lars Klingbeil, còn mạnh mẽ hơn, cáo buộc đại sứ Grenell chơi trò bắt nạt đồng minh. “Chúng tôi sẽ không để người Mỹ tống tiền”, ông nói với tờ Augsburger Allgemeine.
Vụ lời qua tiếng lại giữa các quan chức Mỹ và Đức phản ánh một thực tế về sự khác biệt tồn tại bấy lâu nay giữa hai đồng minh chiến lược về chuyện tiền bạc.
Tuy nhiên, khi ông Donald Trump, một nhà buôn bất động sản lên làm tổng thống Mỹ, ông đã ngay lập tức “nói chuyện phải quấy” về việc cơm đóng gạo góp đối với các đồng minh từ châu Âu qua châu Á. Ông đã từng nói rằng không thể để người Mỹ tiếp tục phải chi trả để nuôi đội quân bảo vệ an ninh cho các đồng minh thêm nữa. Nói thẳng ra là: muốn yên ổn, hòa bình để làm ăn kinh tế thì móc thêm hầu bao.
Những tranh cãi tiền bạc cũng được một số người mang ra giải thích cho việc Đức từ chối tham gia các cuộc tuần tra hải quân trên khu vực Vùng Vịnh do Mỹ và Anh dẫn đầu, sau khi Iran bắt giữ một tàu chở dầu mang cờ Anh để trả đũa việc Anh bắt giữ tàu dầu Iran ở gần Gibraltar.
Các tính toán mới nhất nói Đức dự kiến đóng góp vào NATO 1,37% GDP, nhưng sẽ còn giảm xuống mức 1,24% vào năm 2023. Nhưng người Đức ít có lý do để lo ngại về nước Nga bằng các thành viên NATO khác như Ba Lan hay Latvia, những nước nâng mức đóng góp lên 2% GDP sau sự kiện Crimea 2014.
Và ông Trump, với tư duy của một nhà kinh doanh, sẽ không để Đức, một thành viên giàu có của NATO, tiếp tục duy trì mức đóng góp cũ. Điều này hứa hẹn những rạn vỡ và tranh cãi giữa hai đồng minh của NATO còn tiếp tục, nhất là khi Tổng thống Donald Trump, mặc dù làm mất lòng nhiều đồng minh nhưng đang nhận được sự ủng hộ của nhiều người Mỹ vì làm lợi cho kinh tế quốc nội, có thể vì thế mà tái đắc cử trong cuộc chạy đua nhiệm kỳ hai vào Nhà Trắng.