Từ cuối tháng 3 và đầu tháng 4, nhiều người dân sử dụng điện thoại di động nhận được tin nhắn với nội dung: "Theo Nghị định 49/2017/NĐ-CP, thông tin thuê bao di động phải chính xác, bổ sung hình ảnh chân dung. Để đảm bảo quyền lợi, quý khách soạn TTTB gửi 1414 để kiểm tra, đồng thời mang CMND/thẻ căn cước/hộ chiếu đến cửa hàng giao dịch để bổ sung thông tin. Ngoài ra, quý khách có thể tự bổ sung thông tin tại ứng dụng".
Trước thông tin này nhiều người đặt câu hỏi, khi nộp ảnh chân dung cho nhà mạng, liệu có bị lộ thông tin cá nhân?
Trả lời trên VnExpress về vấn đề này, luật sư Vũ Tiến Vinh cho rằng quy định này chưa khả thi vào thời điểm này bởi một số lý do.
Thứ nhất, nếu khách hàng tự chụp, tự gửi thì doanh nghiệp không kiểm soát được tính chân thực. Thứ hai, hình ảnh cá nhân của chủ thuê bao có thể lọt ra ngoài qua các lỗ hổng an ninh mạng mà doanh nghiệp gặp phải.
Điều này nhiều khả năng xảy ra trong thực tế. Doanh nghiệp khó lòng cam kết bảo vệ an toàn tuyệt đối khách hàng với hình ảnh của họ. Trường hợp này, trách nhiệm của doanh nghiệp như thế nào thì chưa được quy định rõ.
Thứ ba, mục tiêu quản lý nhà nước khi yêu cầu chủ thuê bao cung cấp ảnh chụp là không rõ ràng, thậm chí là không đáp ứng được mục tiêu quản lý, nếu có. Bởi quản lý công dân, quản lý tài sản của công dân thì thường dựa trên số chứng minh nhân dân, thẻ căn cước, đặc điểm sinh trắc học như vân tay, mống mắt…
Với tài sản có giá trị lớn như nhà đất, ôtô, chủ tài sản cũng chỉ xuất trình giấy tờ tùy thân chứ không phải cung cấp ảnh chụp cho cơ quan quản lý. "Chẳng hạn, chủ thuê bao nếu mất điện thoại, nếu muốn xin cấp lại sim card thì doanh nghiệp “xem mặt” giống với ảnh trong hệ thống thì mới cấp chăng?", luật sư Vinh thắc mắc.
Với các phân tích trên, luật sư Vinh kiến nghị nhà chức trách có những điều chỉnh phù hợp; đáp ứng chủ trương của Chính phủ trong việc cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà, gây khó khăn cho người dân.
Trong khi đó, trả lời PV Dân Việt, đại diện nhà mạng Viettel cho biết, việc đảm bảo an toàn và bí mật thông tin thuê bao là trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông. Việc này đã được quy định trong luật An toàn thông tin mạng và trong Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ.
Do đó, nhà mạng sẽ có trách nhiệm này và triển khai các biện pháp để đảm bảo các quy chế hoạt động và quy trình quản lý thông tin thuê bao của mình.
“Tuy nhiên, nỗ lực bảo vệ an toàn thông tin cá nhân cũng cần đến từ cả hai phía khách hàng và nhà mạng. Chính vì thế, chúng tôi mong muốn khách hàng cũng cẩn trọng hơn trong bảo vệ thông tin cá nhân của mình”, đại diện nhà mạng Viettel cho biết.
Còn đại diện của nhà mạng MobiFone cũng thông tin, ảnh và thông tin cá nhân của khách hàng được lưu trữ trên cơ sở dữ liệu tập trung của MobiFone chỉ sử dụng trong việc quản lý thông tin thuê bao theo quy định của pháp luật.
MobiFone đảm bảo bí mật thông tin khách hàng theo đúng Luật Viễn thông và các quy định pháp luật hiện hành.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo Luật Viễn thông 2009, doanh nghiệp viễn thông không được tiết lộ thông tin riêng liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông, bao gồm: Tên, địa chỉ, số máy gọi đi, số máy gọi đến, vị trí máy gọi, vị trí máy được gọi, thời gian gọi và thông tin riêng khác mà người sử dụng đã cung cấp cho doanh nghiệp.
“Ảnh cũng được xem là thông tin cá nhân và được pháp luật bảo vệ, chính vì thế không một doanh nghiệp nào được phép để lộ thông tin của khách hàng”, luật sư Thơm nói.
Vị luật sư này dẫn luật, theo điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP, nếu doanh nghiệp viễn thông để lộ thông thông tin khách hàng sẽ đối diện với các mức phạt sau:
Phạt tiền từ 30 triệu - 50 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ trên môi trường mạng thông tin thuộc bí mật kinh doanh hoặc tiết lộ trái phép nội dung thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông.
Phạt tiền từ 50 triệu - 70 triệu đồng đối với hành vi mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông.
Theo nghị định số 49/2017 của chính phủ ban hành ngày 24/4/2017, ngoài những thông tin hiện hành như chứng minh nhân dân, thông tin người dùng di động còn phải bao gồm “ảnh chụp người trực tiếp đến giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung (đối với dịch vụ viễn thông di động)”.
Ảnh chụp phải có thông tin về thời gian (ngày, giờ) chụp.
Quy định sẽ có hiệu lực từ ngày 24/4/2018. Sau đó, các cá nhân, tổ chức không thực hiện theo yêu cầu sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều sau 15 ngày kể từ ngày đầu tiên gửi thông báo.
Đồng thời nhà mạng tiếp tục thông báo thuê bao sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày tiếp theo nếu không thực hiện, thêm 30 ngày nữa sẽ bị thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông.