Nếu còn có kiếp sau

TP - Châu Âu vừa chuyển sang giờ mùa đông. Tôi còn đang ngủ anh đồng nghiệp cũ ở Việt Nam đã nhắn “Về nước mau Việt kiều ơi, Việt Nam lọt Top 20 quốc gia đáng sống nhất thế giới, hơn cả Nhật, Bỉ, Nga. Bất động sản lại sốt xình xịch rồi”.
Du lịch bằng xe chó kéo ở Nauy, quốc gia luôn đứng Top đầu những nước đáng sống nhất và hạnh phúc nhất thế giới Nguồn. Ảnh: Beito Husky tour.

Hượm đã nào. Nghe nói Business Insider chủ yếu dựa vào kinh nghiệm sống, kinh tế, môi trường, mức thu nhập của người dân để đánh giá một quốc gia. Điểm cộng lớn nhất giúp nước ta lên vị trí thứ 16 là chi phí dịch vụ thấp, mọi thứ đều hợp túi tiền. Có vẻ chỉ đúng một nửa. Với mức lạm phát hiện nay, sang Việt Nam chưa đầy 2 Euro một anh Bỉ đã mua được bát phở đặc biệt, ra đường vẫy tay có ngay taxi, đáng sống. Còn người địa phương như cô bạn tôi ở TP HCM, nhà gần ngã sáu sáng nào thức dậy cũng lo lắng “Nhỡ hôm nay qua đường không thành công thì sao”, vất vả tìm hàng “chuẩn phở” để ăn ngon không phải nghĩ suy thật giả khó lường. Ngẫm ra, anh Tây nọ cảm thấy ở Việt Nam thật đáng sống, còn cô bạn tôi đang ở nơi đáng sống lại thấy sống chẳng dễ.

Đừng quên còn một kiểu xếp hạng khác của Liên hợp quốc: The World Happiness Report, Bảng xếp hạng các quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới công bố năm 2013: Việt Nam xếp thứ 63 trong khi người Bỉ cảm thấy không hài lòng lắm với vị trí thứ 21 “Tại sao gã láng giềng Hà Lan đứng thứ tư còn mấy tay Bắc Âu như Đan Mạch, Nauy mới là hạnh phúc nhất, nhì thế giới?”.

Chẳng việc gì quá vui hay quá buồn vì các bảng xếp hạng nay trồi mai sụt này. Nhưng đang ở Bỉ nên tôi cứ băn khoăn sao người dân nước này chỉ hạnh phúc thứ 21? Điều gì khiến họ còn lâu mới hạnh phúc bằng chú lính chì dũng cảm (Đan Mạch) luôn phải vượt qua mùa đông khắc nghiệt hơn chỉ với một chân? Leo Bormans, người tự phong “đại sứ của hạnh phúc và chất lượng cuộc sống” phân tích: 50% yếu tố quyết định hạnh phúc do di truyền và môi trường chúng ta được nuôi dạy, chỉ 10% do hệ quả tình huống sống hiện tại, 40% còn lại mới thú vị nhất: cách chúng ta nhận thức thực tế.

Cũng theo Bormans - chuyên gia về hạnh phúc luôn qua lại làm việc với các trường học ở Bỉ thì con cái chúng tôi đang kém vui hơn bọn trẻ ở Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Thụy Sĩ. Chúng tôi đã làm gì khiến con cảm thấy không hạnh phúc đủ đầy? “Thì ví dụ bọn trẻ bị dạy dỗ rằng không được tin người lạ. Điều này không phù hợp thực tế. Theo các số liệu phân tích, chúng ta đang sống trong thời kỳ an toàn nhất và mạnh khỏe nhất so với thế hệ bố mẹ ông bà, nhưng lại lắm nỗi sợ hơn. Sợ hãi ảnh hưởng tiêu cực bậc nhất đến hạnh phúc”, Bormans còn trách thêm “bọn trẻ đến trường luôn căng thẳng với bài vở, điểm số. Đã thế lại không được dạy làm thế nào vượt qua sợ hãi”.

Điều này hơi khác Việt Nam, thân thiện nhiệt tình thuộc hạng nhất. Rất dễ đem hạnh phúc cho một đứa trẻ khi giúi vào tay nó một cái kẹo. Nhưng ở đây bạn có thể bị mẹ đứa trẻ mắng tới tấp, thậm chí báo cảnh sát nếu tự tiện hỏi chuyện, tặng kẹo con cô ta.

Có lẽ dạo này cuối thu, gió bứt lá rụng tơi tả, loáng cái cả rừng cây trơ trọi cành khiến người xa xứ như tôi đâm nhớ nhà, nghĩ ngợi nhiều thế này có “đáng sống”, thế kia có “hạnh phúc”. Truyền hình đang chiếu phim tài liệu mời gọi người châu Âu đến Nauy kỳ nghỉ đông này để ngủ trong khách sạn băng, câu cá trên băng, ngồi sau một bầy Husky Siberi (xe trượt tuyết do chó kéo) sủa ồn ào lướt qua mặt hồ cứng lạnh... Cô phóng viên Bỉ, người hạnh phúc thứ 21 thế giới ngỡ ngàng nghe anh chủ xe kéo người Nauy- kẻ hạnh phúc thứ nhì thế giới tâm sự “Tôi yêu công việc này, hài lòng với cuộc sống. Nếu có kiếp sau, tôi muốn trở thành con chó kéo xe”. Lần đầu nghe một người muốn được trở thành loài chó lao động cực nhọc giữa băng tuyết Bắc cực, tôi cũng bất ngờ. Nhưng mừng cho anh. Ở kiếp này người Nauy ấy đã biết thế nào là hạnh phúc nên chẳng cầu mong gì hơn nếu còn có kiếp sau.