Nếu ba mẹ lỡ không may chệch đường đi lạc xa mình, hãy chỉ dẫn, hãy kéo tay ba mẹ với nhé!

0:00 / 0:00
0:00
HHT - "Mẹ tuy nhiều tuổi hơn, nhưng về việc làm mẹ, mẹ cũng chỉ bằng tuổi con..." hay "Lắng nghe con cái vốn không phải bằng tai đâu, mà phải bằng tim, bằng việc nghe để hiểu, hiểu để thương” là những tâm sự, trải lòng của nhà báo Thu Hà và nhà văn Hoàng Anh Tú từ vụ nam sinh lớp 10 ở Hà Nội đang được cộng đồng mạng quan tâm, ủng hộ.

Nhà báo Thu Hà: “Nếu ba mẹ lỡ không may đi xa lạc mình, hãy chỉ đường, hướng dẫn, kéo tay ba mẹ với nhé!”

Vụ việc một nam sinh lớp 10 trường chuyên tại Hà Nội nhảy lầu dẫn đến tử vong thương tâm khiến dư luận vô cùng bàng hoàng, đau xót. Cộng đồng mạng cũng như dư luận xã hội đã lên tiếng, kêu gọi hãy ngưng chia sẻ đoạn clip, hình ảnh đau lòng liên quan đến vụ việc, bởi hành động này không chỉ dẫn đến những phản ứng tiêu cực tới các bạn teen đồng trang lứa, mà còn như tạo thêm một vết dao cứa vào nỗi đau của người thân, gia đình nam sinh xấu số.

Mới đây, nhà báo Trần Thu Hà đã đăng một bài viết trên Facebook cá nhân bày tỏ quan điểm về vụ việc này. Cụ thể, tác giả cuốn sách Con nghĩ đi, mẹ không biết chia sẻ:

"Nếu một đứa trẻ mất đi cha, thì người ta gọi nó là đứa trẻ mồ côi, đàn ông mất vợ thì gọi là góa, phụ nữ mất chồng thì gọi là quả phụ, nhưng anh chị có biết tại sao không có tên gọi nào dành cho những người cha, người mẹ bị mất con? Ðó là vì không có một từ ngữ nào đủ để miêu tả về nỗi đau đó cả.

Không một từ nào...

Có nhà nào dám nói là nhà tôi không bao giờ có bão dông không? Có phải hồi dậy thì ta cũng đã từng nghĩ đến cái chết? May mà giờ còn ngồi đây. Nhiều khi "hay không bằng hên" là vậy.

Nếu ba mẹ lỡ không may chệch đường đi lạc xa mình, hãy chỉ dẫn, hãy kéo tay ba mẹ với nhé! ảnh 1

Nhà báo Trần Thu Hà cũng có 2 cô con gái đang tuổi dậy thì. Ảnh: FBNV

Mình là mẹ của 2 bạn teen, mỗi ngày mỗi dò dẫm, chưa từng có 1 ngày nào dám tự tin rằng tôi đang chắc chắn làm đúng, tôi chắc chắn là mẹ tốt. Tuổi này quá khó đoán. Không biết sự lên xuống của hormone nó sẽ phóng con mình tới đâu, và mình có tới kịp không? Làm cha mẹ khó quá, mà đâu được học hành bài bản, đâu được nghỉ giải lao, đâu được hôm nay mệt quá thì bỏ qua, rồi đợi mai khỏe thì làm lại đâu.

Mẹ tuy nhiều tuổi hơn, nhưng về việc làm mẹ, mẹ cũng chỉ bằng tuổi con. Con lúng túng, mẹ cũng lúng túng, con sai lầm, mẹ cũng sai lầm. Con thất vọng về mẹ, có khi còn ít hơn mẹ thất vọng về chính mình nữa. Chúng ta cùng ngơ ngác và hoang mang.

...

Vẫn biết rằng cần phải biết lắng nghe con, nhưng thế nào là lắng nghe đủ, khi chính ba mẹ cũng chưa được ông bà lắng nghe bao giờ.

Vẫn biết rằng cần yêu con đúng cách, nhưng thế nào là đúng cách. Thứ mà ba mẹ đang cho là hạnh phúc liệu con có thấy hạnh phúc không?

Vẫn biết rằng hãy làm bạn đồng hành. Ba mẹ nào mà không mong thế. Mình đã nhìn thấy có rất nhiều ba mẹ đang nỗ lực dò dẫm, nhiều nhóm, nhiều khóa học ba mẹ đang theo học để hiểu con hơn.

...

Mong là các con cũng kiên nhẫn nhé, nếu ba mẹ lỡ ko may chệch đường đi lạc xa mình, hãy chỉ dẫn, hãy kéo tay ba mẹ với nhé!"

Nhà văn Hoàng Anh Tú: "Lắng nghe con cái vốn không phải bằng tai đâu, mà phải bằng tim..."

Bài viết nêu lên quan điểm của nhà văn Hoàng Anh Tú - người đang làm cha của 3 bạn nhỏ, người cũng từng có 12 năm lắng nghe tâm sự của các thế hệ tuổi teen cũng như bố mẹ của các bạn teen cũng nhận được nhiều sự đồng tình.

Nếu ba mẹ lỡ không may chệch đường đi lạc xa mình, hãy chỉ dẫn, hãy kéo tay ba mẹ với nhé! ảnh 2

Nhà văn Hoàng Anh Tú cũng có con đang tuổi mới lớn.

"Khi cậu bé 16 tuổi quyết định nhảy từ tầng 28 xuống, cậu nhắc bố mình hãy đọc những gì cậu viết đi. Đoạn thư tuyệt mệnh được viết ngay dưới bài làm môn Địa Lí, là viết vào lúc 3h sáng. Đoạn thư tuyệt mệnh ấy tôi đã được đọc khi nó được chia sẻ trên mạng, cùng với clip. Hàng ngàn comment “đau lòng quá” của cộng đồng mạng, hàng trăm lý giải, phân tích. Phải, ai cũng đau lòng cả. Ai cũng muốn truy vấn lại hoàn cảnh và phân tích để tự rút ra bài học cho việc làm cha, làm mẹ.

... Mọi phân tích đều đúng cả, nhưng rồi sao nữa? Đau lòng đấy, rồi sao nữa?

Tôi đã viết trên trang cá nhân của mình: “Cái chết luôn là thứ mà nhiều đứa trẻ nghĩ có thể dùng nó như một cách "nói cho bố mẹ, người lớn hiểu" khi mà chúng đã nói mãi mà bố mẹ, người lớn không chịu lắng nghe, ghi nhận chúng. Khi suy nghĩ đó đủ lâu, đủ mạnh, và đúng thời điểm hội tụ mọi điều kiện, đứa trẻ sẽ thực hiện "đòn trừng phạt" ấy. Với chúng, đó là con đường minh oan, chứng tỏ hoặc "nói bằng hành động". Nhưng với mọi người cha, người mẹ thì đó là đòn trừng phạt đau đớn nhất.

Nếu ba mẹ lỡ không may chệch đường đi lạc xa mình, hãy chỉ dẫn, hãy kéo tay ba mẹ với nhé! ảnh 3

(Ảnh minh hoạ từ Internet)

Lắng nghe con cái vốn không phải bằng tai đâu, mà phải bằng tim, bằng việc nghe để hiểu, hiểu để thương. Vốn chẳng có tình thương con nào mà không cần lắng nghe con cả.

...

Lắng nghe con có khó không? Thật sự là rất khó. Nhưng không phải khó đến mức không làm được. Là ngồi xuống với con chứ đừng đứng trên nhìn xuống. Là trò chuyện với con như hai người bạn, không để quyền làm cha, làm mẹ quyết định cuộc trò chuyện đó. Là đừng phán xét khi nghe con nói. Đặt sự muốn mong hiểu con lên trên ham hố nói cho con hiểu. Tôi vẫn thiết tha đến cả 20 năm qua khái niệm để tâm chứ đừng chỉ là để ý. Để ý chỉ là nghe thấy những gì con nói, để tâm là hiểu những gì con nói, thậm chí cả những điều con chưa nói. Để ý sẽ chỉ thấy con dạo này thay đổi và rồi chép miệng: Bọn trẻ con mới lớn, bước vào tuổi dậy thì thật sự khó dạy. Nhưng để tâm sẽ nhìn ra những dấu hiệu trầm cảm của con, ý định tự tử hay kể cả những thứ vặt vãnh như là con có nỗi xấu hổ không muốn bố mẹ nhắc tới.

Giá trị của một đứa trẻ vốn là do chúng tự xây dựng, đắp bồi, nỗ lực mà thành chứ không phải do cha mẹ ban cho. Hãy để chúng hiểu điều đó thay vì nghĩ rằng chúng chả có giá trị gì sất. Một khi đã thế, cái chết mà nó quyết định tìm đến với nó, sẽ chỉ đơn giản là kết liễu một cái đứa vô giá trị mà thôi.

Cuối cùng, tôi đọc đi đọc lại đoạn thư tuyệt mệnh của cậu bé 16 tuổi và đau lòng không phải để trách móc người cha, người mẹ cậu bé (như trong thư cậu viết), mà là để căn chỉnh lại chính mình, chính việc làm cha, làm mẹ của mình, với chính con mình. Là một đau lòng tỉnh thức".

Nếu ba mẹ lỡ không may chệch đường đi lạc xa mình, hãy chỉ dẫn, hãy kéo tay ba mẹ với nhé! ảnh 6
Theo Facebook Trần Thu Hà, Hoàng Anh Tú
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Dubai cảnh báo khẩn vì bất ngờ hứng lượng mưa bằng 2 năm chỉ trong một ngày

Dubai cảnh báo khẩn vì bất ngờ hứng lượng mưa bằng 2 năm chỉ trong một ngày

HHT - Bình thường vẫn nóng và khô theo kiểu sa mạc, thậm chí vài hôm trước vẫn rất nóng bức, nhưng rồi thành phố Dubai (UAE) bất ngờ có mưa to. Mưa nhiều đến mức lượng mưa trong một ngày bằng tổng lượng mưa ở đây trong 2 năm, gây rất nhiều khó khăn cho cuộc sống của người dân vốn không quen với mưa thế này.
Cùng ở miền Bắc nhưng nhiệt độ tại Sơn La lại chênh lệch rất lớn so với Hà Nội

Cùng ở miền Bắc nhưng nhiệt độ tại Sơn La lại chênh lệch rất lớn so với Hà Nội

HHT - Nắng nóng tiếp tục diễn ra gay gắt tại nhiều nơi trên cả nước, trong đó có các tỉnh Tây Bắc Bộ. Tại Yên Châu (Sơn La), mức nhiệt đo được lúc 13h lên đến 41,7 độ C. Trong khi đó, Đông Bắc Bộ có nền nhiệt duy trì ngưỡng cao nhất khoảng 29-32 độ C. Vì sao lại có sự khác biệt rõ rệt này?