Nét đột phá trên công trình thủy lợi lớn nhất xứ Nghệ

 Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp kiểm tra tiến độ thi công hồ thủy lợi Bản Mồng
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp kiểm tra tiến độ thi công hồ thủy lợi Bản Mồng
TP - Dự án hồ chứa nước Bản Mồng trong quá trình triển khai đã tận dụng tối đa khoa học kỹ thuật tiên tiến, sử dụng vật liệu hợp lý, mang lại hiệu quả cao. Đặc biệt, đây là công trình đầu tiên của Bộ NN&PTNT ứng dụng công nghệ tro bay với bê tông thường trong thi công, giúp tiết kiệm chi phí hàng chục tỷ đồng.

Hồ chứa nước Bản Mồng (Nghệ An) là dự án được Bộ NN&PTNT phê duyệt từ tháng 5/2009, khởi công từ tháng 5/2010. Đây là dự án nhóm A, xây dựng trên sông Hiếu, cụm công trình đầu mối thuộc xã Yên Hợp huyện Quỳ Hợp; lòng hồ chủ yếu thuộc huyện Quỳ Châu (Nghệ An) và một phần thuộc huyện Như Xuân (Thanh Hóa).

Hồ chứa nước Bản Mồng phục vụ tưới cho 18.871 ha (các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, thị xã Thái Hòa và 3 xã thuộc huyện Anh Sơn); cấp nước cho sông Cả về mùa kiệt 23 m³/s; kết hợp phát điện 45 MW, đồng thời cấp nước cho công nghiệp dân sinh, chăn nuôi; nuôi trồng thuỷ sản, tham gia cải tạo môi trường, kết hợp giảm lũ cho hạ du.

Nét đột phá trên công trình thủy lợi lớn nhất xứ Nghệ ảnh 1 Dự án hồ chứa nước Bản Mồng là công trình thủy lợi đầu tiên của Bộ NN&PTNT
 ứng dụng công nghệ tro bay với bê tông thường, mang lại hiệu quả cao

Đến nay, dự án đã lựa chọn điểm dừng kỹ thuật, phù hợp với nguồn vốn được bố trí, phát huy hiệu quả dự án theo từng giai đoạn; trên cơ sở khối lượng đã thực hiện và khả năng nguồn vốn, phân kỳ đầu tư thành hai giai đoạn. 

Cụ thể, giai đoạn 1 (đến năm 2020) xây dựng hoàn thành đầu mối và 8 trạm bơm, với tổng kinh phí 4.370 tỷ đồng. Ở giai đoạn 2 của dự án (sau năm 2020), sau khi xác định được nguồn vốn bố trí cho dự án, sẽ hoàn thiện hệ thống kênh và các trạm bơm còn lại với tổng kinh phí 3.214 tỷ đồng.

Hiện cụm công trình đầu mối hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An đã chặn dòng đợt 1 vào ngày 10/4/2018 và đợt 2 vào ngày 5/1/2020. Các hạng mục công trình đầu mối đã thi công đảm bảo và vượt tiến độ.

Ông Hoàng Xuân Thịnh, Giám Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 4 (Bộ NN&PTNT) - đơn vị chủ đầu tư cho biết, công trình triển khai dự án hồ chứa nước Bản Mồng đã áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật.

Nét đột phá trên công trình thủy lợi lớn nhất xứ Nghệ ảnh 2 Hồ chứa nước Bản Mồng phục vụ tưới cho trên 18.800 ha của các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Thị xã Thái Hòa và một số xã thuộc huyện Anh Sơn; kết hợp phát điện đồng thời cấp nước cho công nghiệp dân sinh, chăn nuôi; nuôi trồng thủy sản, tham gia cải tạo môi trường, kết hợp giảm lũ cho hạ du
Trong đó, đã điều chỉnh giải pháp lấy nước tại đầu mối, chuyển khu tưới bằng bơm khu vực bờ tả sông Hiếu và của trạm bơm Nghĩa Thắng sang lấy nước trực tiếp từ hồ, tăng diện tích tưới tự chảy từ 2.173 ha lên 4.476 ha (tăng 1.763 ha), tăng hiệu quả dự án…

Về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, Ban đã nghiên cứu và thực hiện phương án chống ngập khu vực Châu Bình, giảm cao độ di dời dân xuống +76,72m (trước đây di dời theo cao trình đỉnh đập +78,90m). Từ đó, giảm số hộ di dời 1.008 hộ (từ 1.283 hộ còn 275 hộ), giảm thu hồi đất 1.460 ha.

Đặc biệt, công trình áp dụng giải pháp giảm lượng nhiệt thủy hoá và ứng suất nhiệt trong bê tông để đẩy nhanh tiến độ. Có thể thấy, cụm công trình đầu mối dự án hồ chứa nước Bản Mồng gồm đập chính, tràn xả lũ, cống xả sâu kết hợp xả cát, cống lấy nước có kết cấu bê tông và bê tông cốt thép khối lớn, với tổng khối lượng bê tông khoảng 265.000m3 yêu cầu chống thấm và chống mài mòn.

Còn cụm công trình đầu mối được xây dựng tại huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) là nơi nhiệt độ trung bình về mùa hè trên 25 độ C, thậm chí thời kỳ cao điểm nhiệt độ ban ngày trên 40 độ C, biên độ nhiệt thay đổi giữa ban ngày và ban đêm rất lớn.

Do vậy, để đảm bảo kỹ thuật và giảm giá thành đầu tư, ngay từ khi lập dự án, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo thực hiện đề tài “Nghiên cứu thiết kế thành phần cấp phối bê tông sử dụng phụ gia khoáng hoạt tính”, do Viện Thủy công thuộc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam thực hiện.

Kết quả nghiên cứu đã công bố Tiêu chuẩn cơ sở sử dụng tro bay cho bê tông trong công trình thủy lợi hồ chứa nước Bản Mồng để  áp dụng cho công trình. Nguồn vật liệu tro bay sử dụng là loại F (axit) có nguồn gốc từ nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1.

Theo ông Hoàng Xuân Thịnh, việc sử dụng tro bay tiết kiệm được đáng kể lượng xi măng nhưng vẫn đảm bảo được yêu cầu kỹ thuật, giảm được nhiệt thủy hóa do giảm xi măng, tăng độ đặc chắc, khả năng chống thấm cho bê tông… tăng hiệu quả kinh tế, góp phần làm trong sạch môi trường.

Mặt khác, cụm công trình đầu mối có thời gian thi công ngắn, cường độ thi công bê tông lớn, nhiệt độ trung bình hàng năm tại vùng thi công cao nên phải áp dụng các giải pháp kỹ thuật để đáp ứng cường độ thi công, đảm bảo tiến độ, phát nhiệt ít để không gây ứng suất nhiệt lớn, giảm tối đa nguy cơ phát sinh vết nứt trong bê tông, từ đó làm tăng tuổi thọ công trình, đồng thời giảm giá thành đầu tư.

Nét đột phá trên công trình thủy lợi lớn nhất xứ Nghệ ảnh 3 Hiện cụm công trình đầu mối hồ chứa nước Bản Mồng đã chặn dòng đợt 1 vào ngày 10/4/2018 và đợt 2 vào ngày 5/1/2020. Các hạng mục công trình đầu mối đã thi công đảm bảo và vượt tiến độ

Ông Thịnh cũng cho biết, được sự đồng ý của Bộ NN&PTNT, quá trình thi công, Ban đã ký hợp đồng với tổ chuyên gia kỹ thuật đầu ngành các lĩnh vực: Thủy văn, địa chất, kết cấu, vật liệu xây dựng, tổ chức thi công, thiết bị quan trắc… trong đó có 2 chuyên gia đầu ngành về vật liệu xây dựng cho bê tông.

Đến nay, dự án đã sử dụng đến nay khoảng 22.000 tấn tro bay tương ứng với các loại bê tông đã sử dụng thi công công trình đầu mối hồ chứa nước Bản Mồng. Theo tính toán sơ bộ việc sử dụng tro bay cho bê tông giúp giảm khoảng 22,5 tỷ đồng so với không sử dụng tro bay, đặc biệt góp phần giảm thiểu môi trường do sử dụng được tương đối khối lượng tro bay thay vì phải đổ thải.

Lãnh đạo Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 4 cũng cho hay, công tác thi công và giám sát tại cụm công trình đầu mối hồ chứa nước Bản Mồng được đánh giá chất lượng thi công hoàn toàn đảm bảo chất lượng theo yêu cầu thiết kế.

Công trình đã được đã được cơ quan thường trực Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng và Cục Quản lý Xây dựng Công trình, Bộ NN&PTNT đánh giá cao về chất lượng, mỹ thuật.

MỚI - NÓNG