Nẻo đường đêm của “Hội anh em”

Những tấm lòng hảo tâm đang chung tay cho bữa cơm nhân ái. Ảnh: Ngô Tùng
Những tấm lòng hảo tâm đang chung tay cho bữa cơm nhân ái. Ảnh: Ngô Tùng
TP - Những vòng xe đêm của bao tấm lòng thơm thảo vẫn lăn bánh vào mỗi tối thứ 3 hằng tuần, mang những bữa cơm ấm áp đến với những phận đời khốn khó. Gần 2 năm trôi qua, hàng ngàn bữa ăn thiện tâm đã sưởi ấm nhiều mảnh đời chìm nổi giữa phố thị.

Đi đâu, làm gì thì hôm thứ 3 hằng tuần đã trở thành điểm hẹn quen thuộc của những tấm lòng nhân ái. Họ tề tựu về một mái nhà chung để lo bữa cơm tối của hàng trăm con người đang còn nhiều chật vật với cuộc mưu sinh. “Thứ 3 yêu thương” đã hình thành  và gắn bó với biết bao người như thế. 

Bữa cơm “chất lượng cao” của người nghèo

Từ nhiều ngành nghề, vai trò khác nhau trong xã hội, những tấm lòng nhân ái đến với hoạt động thiện nguyện nấu bữa cơm tặng người nghèo như một việc làm ý nghĩa và nguồn vui sống. Không màng danh lợi, không cần phô trương, bao lớp người tự nguyện gia nhập vào hội và công việc như vậy cứ âm thầm... 

Từng tham gia nhiều nhóm, hội giúp bữa cơm cho người nghèo, anh Trí Thành cứ đau đáu phải làm sao cải thiện chất lượng bữa ăn để việc làm của mình thêm phần trọn vẹn.  “Hồi trước tui cùng mấy nhóm khác đi phát cơm cho bà con, nhưng dần dần thấy họ làm không đạt lắm. Họ làm với tâm tốt, nhưng phần cơm thì chưa được chất lượng. Vậy nên mình tách ra, làm cho đầy đặn, ngon lành theo khả năng và ý muốn của mình”, anh Trí Thành nói. 

Bằng sự tự lực ban đầu, dần dần anh Thành nhận được sự ủng hộ và đồng hành của khá đông anh chị em, bạn bè với việc làm đáng quý của mình. Không kêu gọi, hô hào ồn ã, việc thiện càng lan tỏa và người tốt nhiều lên qua mỗi bữa cơm nhân ái. Hàng trăm phần cơm ấm nghĩa tình này thấm đượm công sức của tất thảy thành viên trong hội và cả những mạnh thường quân tốt bụng. 

Ai có gì đều cùng san sẻ với các mảnh đời khó khổ hơn mình. Để chuẩn bị bữa cơm tối chia sớt với bao người, ngay từ trưa, một số anh chị em trong hội bắt tay vào một số phần việc ban đầu. Các công đoạn đi chợ, nấu nướng cứ răm rắp làm. Để rồi, khoảng 6 giờ chiều, tất cả những món ăn, cơm canh tinh tươm được bày biện sẵn sàng đóng hộp, vào bao. 

Không ai bảo ai đều đeo bao tay gọn gàng, cùng nhau chuẩn bị những phần cơm, chờ người đến nhận. Một “dây chuyền” làm việc khẩn trương, từ người xúc cơm vô hộp, người gắp dưa leo, cho đến người múc thức ăn, canh vào bịch, và cả người đứng phát cơm. Cuối dây chuyền, bao giờ cũng có một phần nước, sữa chen vào bịch trước khi giao đến tay người nhận. Tuần nào hết sữa thì thay bằng nước suối.

Như thường lệ, 7 giờ tối, những người khách đầu tiên của nhóm làm cơm đã đến để nhận phần cơm tối. Không khó để nhận ra trong số đông ấy những người cô, người bà bán vé số, bán đậu phộng, trứng cút và cả những anh đánh giày, bán thức ăn nhanh...

 Họ đa phần là người lao động nhập cư khắp mọi miền đổ về chốn thị thành tìm kế sinh nhai xung quanh khu vực bờ kè Hoàng Sa-Trường Sa (thuộc Q.1, Q.3) bằng chính sức lao động của mình. Có người là “khách quen”, cũng có người “mới nghe ông kia bảo chỗ này có phát cơm nên tui tới”. Xen lẫn cũng có những người dân sống chung quanh. Nhưng có lẽ ở họ đều có một điểm chung là chật vật với cuộc sống hằng ngày nên mới nương nhờ bữa ăn của hội từ thiện.

Nẻo đường đêm của “Hội anh em” ảnh 1

Anh Kiệt trao phần cơm cho hai bà cháu bé Dưa Hấu

Lẫn trong nhóm người già trẻ đang nhận cơm, ông Tuấn (52 tuổi, nhà ở gần chợ Tân Định, Q.1) loay hoay bên chiếc xe lăn và cũng vừa nhận phần cơm cho mình và vợ. “Tui làm nghề bán vé số mỗi ngày kiếm được khoảng 60 ngàn đồng. Bữa nào có phát cơm thì tôi xin hai phần đem về hai vợ chồng cùng ăn để tiết kiệm ít tiền”, ông Tuấn cho hay.

Với tinh thần tương trợ, anh Diệp Văn Phước (hiện bán vé số tại Q.1) ngoài nhận cho mình, sẵn tiện lấy thêm đôi ba phần nữa để đưa cho những người khó khăn khác xung quanh. “Thấy người ta cũng khó khăn, thôi mình nhận luôn rồi chia cho họ”, anh Phước cho biết. Nói đoạn, anh Phước tranh thủ quay đi trên chiếc xe ba bánh dành cho người khuyết tật. 

Anh Trí Thành cho biết, để thay đổi khẩu vị, anh luôn xoay vòng các món ăn qua các bữa chợ, khi thì trứng hấp, lúc thì gà kho sả hay thịt kho... Bữa nào rơi vào ngày Rằm thì nhóm làm cơm chay cho bà con. Chi phí mỗi bữa nấu cơm dao động ở mức 8-9 triệu đồng, từ nguồn tự nguyện. “Mình trực tiếp đi chợ, từ thịt cá, rau củ đều được chọn lọc, chứ không dám mua hàng trôi nổi, để đảm bảo bữa ăn an toàn, chất lượng”- anh Thành nói.

Những nẻo đường đêm - muôn lối cuộc đời

Mỗi người tham gia nhóm làm nên nồi cơm từ tâm ở một địa vị, công việc khác nhau nhưng đều mang cái tâm thiện nguyện san sẻ với mọi người. Cái tên chung “Hội anh em” mà nhóm chọn cho mình phần nào khắc họa cho một tập thể gắn kết và sẻ chia như thể anh em một nhà.

Hơn một năm rưỡi về trước, lúc mới khởi phát làm cơm, nhóm cũng gặp khó khăn về điều kiện nơi chốn nên có giai đoạn phải nghỉ. Nhưng rồi khắc phục khó khăn, anh em đứng ra thuê hẳn ngôi nhà tại số 212/205 Nguyễn Văn Nguyễn (P. Tân Định, Q.1) làm điểm tập hợp của Hội anh em, thực hiện bao bữa tối thứ 3 yêu thương.

“Điểm hẹn tối thứ 3” không chỉ phục vụ bà con xung quanh khu vực bờ kè, chợ Tân Định hay lân cận, những mảnh đời lang thang cơ nhỡ tại nhiều khu vực khác trong thành phố đã quen với những anh chị em của hội từ thiện đưa cơm. Sau hơn 30 phút phát cơm tại chỗ, nhóm bắt đầu dồn những hộp cơm còn lại vào bịch lớn, chuẩn bị cho một hành trình sẻ chia tiếp theo.

Mỗi đêm thứ 3, trên chiếc xe máy của mình, khoảng 20 thành viên chở các phần cơm này rong ruổi khắp các phố phường trên cung đường về nhà để giúp bất cứ ai cần-một-phần-cơm-tối. Những chị Kim, chị Vũ, chị Ngân, anh Kiệt đã mòn gót với các cung đường thân thương trải khắp các quận Bình Thạnh, Q.1, Q.4, Q.7, Q.8... qua bao lần đưa cơm như thế.

Theo chân anh Võ Hoàng Anh Kiệt (thành viên theo nhóm từ những ngày đầu) qua nhiều cung đường đêm, tại thành phố hoa lệ này và dễ dàng bắt gặp “những người cùng khổ”. Họ có thể là anh lao công đang dọn dẹp hè phố, là cụ già lượm ve chai, hay những phận người lang thang cơ nhỡ...

Nẻo đường đêm của “Hội anh em” ảnh 2

Những phần cơm tươm tất chuẩn bị trao tay người nghèo

Nhận hai phần cơm mà anh Kiệt vừa trao, cụ bà Nguyễn Thị Được (65 tuổi, quê quán Củ Chi, TPHCM) lại đi qua từng hè phố, con hẻm để lượm ve chai kiếm từng đồng lẻ. Cám cảnh hơn, bà Được còn mang theo đứa cháu ngoại mà bà thường gọi là Dưa Hấu để chăm nuôi hằng ngày vì bà “không nỡ xa cháu, để bà cháu được nương tựa nhau”. 

Rồi đây không biết dặm dài phía trước của đôi người tóc bạc - đầu xanh này sẽ trôi về đâu khi đêm đêm hai bà cháu chỉ biết tựa nhau bên hiên nhà người khác. Còn lúc đói thì chia nhau ổ bánh mì, tô hủ tiếu, hay đĩa “cơm nụ cười 2.000 đồng”. Anh Võ Hoàng Anh Kiệt tâm sự: Biết được hoàn cảnh cùng cực, tối thứ 3 nào mình cũng luôn dành cho hai bà cháu hai phần cơm.

Điểm đáng quý của hoạt động thiện nguyện ở các anh chị em là không chịu bó hẹp hoạt động tại một nơi cố định, mà liên kết, hỗ trợ nhau tại một số hội nhóm từ thiện khác. Anh Kiệt, chị Kim và một số người khác đồng thời tham gia các buổi nấu, phát cùng Hội từ thiện Chùa Giác Nguyên (Q.4).

Mỗi sáng chủ nhật hằng tuần, các anh chị lại xúm xít cùng nhau phụ giúp, chuyển phát 3.000 phần cơm chay đến các bệnh viện Q.2, Huyết học, Nhi đồng 1, Chấn thương chỉnh hình chia từng phần cơm ấm nghĩa tình với những bệnh nhân và người nhà.

“Ngoài xã hội còn biết bao phận đời khốn khó, nói giúp được hết là không thể nào. Mình chỉ có thể tập trung anh em cùng chí hướng để làm được gì thì làm, giúp sức hết mình bằng chính tâm sức, khả năng có hạn”, lời tâm sự của anh Trí Thành hẳn cũng là lời chung của những tấm lòng hảo tâm, rằng họ cố làm hết sức mình cốt đem lại chút ấm áp của tình người, san sẻ cho những mảnh đời khốn khó hơn mình. Sống là hãy cho đi như vậy. Cái nhận lại còn gì hơn ngoài tiếng cám ơn ấm áp chân thành.

“Ông già Noel” người Úc phát cơm từ thiện

Tham gia cùng “Hội anh em” và cả Hội từ thiện chùa Giác Nguyên, ông Pierre, người Úc, đã khá thân thuộc với các buổi chia cơm thiện nguyện cùng những người bạn Việt. Tối thứ 3 nào trong mấy tháng nay, “ông già Noel” này (tên thân thương mà anh chị em dành cho ông) đều nhận những phần cơm đi khắp các cung đường chia sẻ với bà con khó khăn. “Mỗi Chủ nhật, ông Pierre còn qua huyện Nhà Bè để lấy cơm cùng Hội từ thiện Giác Nguyên đi phát tại các bệnh viện”, anh Anh Kiệt cho biết.

MỚI - NÓNG
Vì sao giá vé máy bay tăng cao?
Vì sao giá vé máy bay tăng cao?
TPO - Hiện nay dòng máy bay Airbus A321 Neo có phần linh kiện đang trong thời gian bảo trì bảo dưỡng. Theo yêu cầu của nhà chế tạo, hàng loạt máy bay đã phải triệu hồi, phải dừng các chuyến bay bằng dòng máy bay này. "Các hãng nội địa của chúng ta dùng dòng máy bay này là chính nên dẫn đến việc hạn chế, thiếu hụt máy bay. Đây là một tác nhân cho việc giá vé máy bay tăng cao trong thời gian qua" - Cục Hàng không thông tin tới lãnh đạo TP. Đà Nẵng. 
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức vụ Giám đốc Sở Nội vụ và kiêm nhiệm Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Tiến - Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy giữ chức vụ Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh.