Nên dừng mọi tư duy sinh tiền trên mảnh đất này

Nên dừng mọi tư duy sinh tiền trên mảnh đất này
TPO - Nếu nghĩ đến tương lai con cháu, mong chúng nhìn vào một nơi như Hồ Gươm để tự hào lịch sử ngàn năm, nên dừng mọi tư duy sinh tiền trên những mảnh đất này. Chính văn hóa và lịch sử sinh ra sự giầu có hay nghèo nàn cho cả một dân tộc.

Bài liên quan :

>> Tạo tiền lệ xấu
>> Nhiều công trình cao tầng gần bờ hồ là nghịch lý
>> Không cho phép xây cao ốc gần hồ Gươm
>> Không gian văn hóa Hồ Gươm: Đừng đè thêm lên

Mấy tuần nay, Hà Nội lại rộ lên chuyện UBND Thủ đô vừa chấp thuận cho Tổng Công ty Thiết bị điện Việt Nam lập dự án trung tâm thương mại, khách sạn, văn phòng cho thuê với diện tích gần 10.000m2 tại "khu đất vàng" gần Hồ Gươm.

Theo ông Chủ tịch UBND TP Hà Nội, chức năng của khu hồ Gươm vẫn được xác định là trung tâm dịch vụ và thương mại, trong đó có gắn kết với văn hóa và cây xanh. (báo Tiền Phong số ra ngày 11-3-2010). Đất vàng phải đẻ ra tiền, “phi thương bất phú”, điều đó ai cũng hiểu.

Người ta hay quên từ “lịch sử”, mà lẽ ra văn hóa và lịch sử phải luôn ngự trị trong đầu những nhà quản lý. Có lẽ vì thế mà các dự án chiếm đất vàng vẫn âm thầm quanh đây.

Năm 2007, EVN Land định xây building cao 15-16 tầng ngay cạnh tượng đài Lý Thái Tổ. Bị phản đối ghê quá nên cánh đầu tư rút lui lặng lẽ. Lần này, họ giảm độ cao xuống khoảng 15-16 mét, khoảng 5-6 tầng.

Theo con mắt thương gia, những mảnh đất xung quanh Hồ Gươm sẽ đẻ ra tiền và nếu theo xu hướng đó, trung tâm Hà Nội sẽ bị bê tông và kính nhôm hóa với những tòa nhà cao chót vót.

Hiện nay, bên Bờ  Hồ có mấy tòa nhà khá thú vị. Nhà Bưu điện theo đặc kiến trúc “hiện đại” Trung Quốc thời những năm…1960.

Tiếp theo, tòa nhà UBNDTP Hà Nội do ta tự biên tự diễn, ốp đá bên ngoài, có lưỡi mác để cắm cờ vươn lên trời cao. Theo các cụ cao tuổi, tòa nhà Thị chính cũ trên mảnh đất này có kiến trúc Pháp rất đẹp. 

Cuối đường Đinh Tiên Hoàng là “hàm Cá mập”, miệng đen xì, bị dân phê phán, bây giờ đổi thành cá mập…trắng. Còn vài tòa nhà khác “nửa tây nửa ta” phía đối diện.

Có lẽ còn khu bên cạnh  tòa soạn báo Hà nội mới, báo Nhân dân còn giữ được vẻ đẹp ban đầu. Đó là những gì người Pháp để lại cho Hồ Gươm. Nếu không cẩn thận cũng bị xẻ thịt, vì “kiến trúc thực dân” không hợp với “công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

Rồi đây, nếu tòa nhà của Tổng công ty thiết bị điện được dựng lên thì chúng ta sẽ tiếp tục công trình rào…hồ Hoàn Kiếm.

Nỗi niềm cụ Rùa

Nên dừng mọi tư duy sinh tiền trên mảnh đất này ảnh 1

Mồng 6 Tết Canh Dần, cụ rùa hồ Gươm bất ngờ nổi lên mặt nước đoạn gần cây Lộc Vừng, đối diện tượng đài Lý Thái Tổ. Ảnh : Xuân Phú.

Trong hồ còn cụ Rùa độc thân từ mấy chục năm nay. Trước đó có vài cụ, nhưng cụ bị chết già, cụ khác thấy mưa lụt, leo lên đường Đinh Tiên Hoàng rồi bị chết.

Theo truyền thuyết, cụ  Rùa thiêng có độ tuổi ngang với thời vua Lê Lợi tới  đây chơi và bị đòi kiếm. Thỉnh thoảng cụ nổi lên vào ngày đẹp trời cho khách chiêm ngưỡng. Có lần trèo lên cả thảm cỏ giữa hồ để phơi nắng.

Gần đây cụ  nổi nhiều hơn nhưng lặn xuống rất nhanh, chắc vì  sợ. Nhìn sang phía Đông có hàm cá mập, liếc mắt hướng Nam có mấy building của Vietcombank, BIDV cao chót vót, tưởng mấy cái xà beng vụt xuống mai, cụ biệt tăm mấy tháng.

Năm ngoái nước lụt lên cao hàng mét quanh hồ, cụ đã tìm cách bơi ra sông Hồng cho thoát cảnh sống ao tù nước đọng. Nhưng rồi nghĩ đến nhiệm vụ tâm linh quan trọng cho dân tộc có lịch sử ngàn năm này, cụ Rùa không nỡ ra đi.

Tư duy quản lý  nhìn đất…ra tiền, những tòa nhà dịch vụ và thương mại quanh đây sẽ nhốt…Rùa, cụ khó chạy đi đâu.

Văn hóa, lịch sử  hay thương mại, dịch vụ

Nên dừng mọi tư duy sinh tiền trên mảnh đất này ảnh 2
Thăng Long - Hà Nội tròn 1000 năm tuổi. Ảnh : Công Khanh

Theo thuyết tâm linh, mỗi quốc gia có điểm long mạch, miền đất linh thiêng, người ta tránh động vào. Theo quan điểm hiện đại, đó là những nơi mang dấu ấn lịch sử và văn hóa của dân tộc. Hồn thiêng đất nước cũng từ đó mà ra.

Nếu coi lịch sử và văn hóa không quan trọng, nên phá đi xây trung tâm thương mại, nhà hàng ăn uống, phục vụ khách du lịch.

Nếu nghĩ đến tương lai con cháu, mong chúng nhìn vào một nơi như Hồ  Gươm để tự hào lịch sử ngàn năm, nên dừng mọi tư duy sinh tiền trên những mảnh đất này.

Ở tầm quốc gia, không có thứ vàng, ngọc, đô la nào mua được lịch sử và văn hóa. Chính văn hóa và lịch sử sinh ra sự giầu có hay nghèo nàn cho cả một dân tộc.

Tư duy mới

Cách đây 1000 năm, vua Lý Thái Tổ quyết định dời đô vì cố đô Hoa Lư bị dãy núi đá vôi bao quanh, tuy thuận tiện cho việc phòng thủ, nhưng không thích hợp cho việc phát triển kinh tế. Người xưa nhìn ra mảnh đất Thăng Long cho nghìn năm sau: xuyên lịch sử, xuyên không gian và vượt qua thời gian, dù không có máy bay hay thiết bị định vị toàn cầu.

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm có rất nhiều lời "sấm", tiên đoán cho hậu thế. Câu "Lê tồn Trịnh tại" cũng giúp cho hai triều Trịnh Lê dựa vào nhau tồn tại 200 năm. Lời sấm "Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân" (dải Hoành Sơn có thể dung thân lâu dài) giúp Nguyễn Hoàng lập được nghiệp lớn ở Thuận Hoá. Vào thế kỷ 16, cụ Trạng cũng không có máy bay trực thăng để thị sát trước khi đưa ra lời sấm truyền.

Lúc này rất cần những nhà lãnh đạo có khả năng ra quyết định với tầm nhìn xa như Lý Thái Tổ và các nhà khoa học biết phán những lời sấm xuyên thế kỷ cho Hà Nội như cụ Trạng Trình trước đây.

Nếu các bậc “hào kiệt” ngày nay chịu khó lên trực thăng để nghiên cứu và định hướng phát triển Thủ đô cho vài chục năm sau, có thể hy vọng họ sánh được với các bậc tiền nhân dùng thuyền nan tìm đất dời đô.

Nếu mấy vị ngồi cạnh bờ Hồ bàn cãi và lo qui hoạch các trung tâm thương mại và dịch vụ tại những nơi long mạch của quốc gia, chúng ta sẽ chỉ vùng vẫy quanh mấy cái "ao làng" khu vực.

Nhìn nhận nơi đây như một miền đất văn hóa và lịch sử mới mong dân tộc này bơi ra biển lớn.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

Ý kiến bạn đọc

Phu Vinh; ...3735@yahoo.com.vn

Đọc xong bài viết này mà tôi thấy như được mở lòng.

Hà Nội đẹp thế, Hà Nội ngàn năm văn hiến là thế. Vậy mà Hồ Gươm, điểm nhấn của Thủ đô-trái tim của cả nước đang phải ngậm ngùi nhìn cảnh mình bị rào, bị nhốt.

Phải loại bỏ 2 từ "thương mại "quanh khu vực Hồ Gươm. Hồ Gươm là lịch sử, là văn hóa là tấm gương lớn để cho các thế hệ con cháu soi vào... Tôi lại rất đồng ý với tác giả bài viết về các nhà quản lý thiếu cái tầm (theo nhiều nghĩa). Mà cái tầm chưa có nói gì đến cái tâm.

Từ lâu tôi vẫn ước gì Hà Nội có một quảng trường rộng lớn của thời bình, nơi người dân có thể từ đây ngắm nhìn tứ phía hồn thiêng sông núi...

Nhưng than ôi ! Tấc đất tấc vàng sao mà phung phí... Một quảng trường nhân dân, một tượng đài cho dân, vì dân nhiều ngàn năm sau - Sao không?

Một bạn đọc

Tôi còn nhớ, năm 1954 trong thời gian nhận bàn giao tiếp quản từ quân đội Pháp, ông Trần Danh Tuyên đã dẫn chúng tôi đến gặp Thị trưởng Thành phố Hà Nội tại toà thị chính (trụ sở UBND hiện nay).

Tôi có hỏi một chuyên viên cao cấp của thị uỷ khi đó :" Tại sao trong 9 năm qua toà thị chính không xây cao lên?". Ông ta dẫn tôi ra ban công tầng hai và chỉ sang phía bên kia hồ Gươm và hỏi :" Ông có thấy bên kia hồ có ngôi nhà nào nhô lên khỏi hàng cây không hay chỉ thấy bầu trời bao la? Một trong những cái đẹp của hồ Gươm chính là ở chỗ này đây".

Thiết nghĩ, người Pháp và những người trong chính quyền cũ còn tôn trọng ;duy trì và bảo vệ cảnh quan của hồ Hoàn Kiếm như vậy, không lẽ những vị lãnh đạo của thành phố Hà Nội ngày nay không nghĩ đến điều này sao?

Phải chăng chỉ những người gốc Hà Nội xưa mới thấy xót thương cho cảnh quan hồ Gươm đã bị phá huỷ và đang bị phá huỷ bởi những toà nhà cao vót đã được xây dựng và đang được xây dựng chung quanh hồ?

Văn Thanh; ...72@yahoo.com

Một số người bạn nước ngoài khi đến Hà Nội họ rất tiếc cho chúng ta có một Thủ đô ngàn năm văn hiến với những phố cổ quyến rũ bao người đang dần bị biến dạng bởi sự quản lý thiếu tầm nhìn, thiếu cái gốc của văn hóa và lịch sử. Đây quả là điều đáng buồn .

Hoàng Văn Nghiệp; ...p@gmail.com

Khi còn nhỏ, tôi thường được mẹ cho đi ké những dịp bà đi công tác tại Hà Nôi, mẹ con tôi ở ngay nhà khách điện lực nằm ở phố Lý Thái Tổ (Tôi là con em ngành điện). Ngày nay tôi về công tác tại Hà Nội, thỉnh thoảng đi qua đây tôi vẫn nhớ những ngày đó.

Tôi được biết ta có luật di sản, các di tích lịch sử được xếp hạng thì có biển đề và ghi rõ cấm vi phạm. Tôi không biết Hồ gươm có phải là di tích lịch sử không, có được xếp hạng không.

Mặt khác tôi thấy Hà Nội tuy chật chội nhưng cũng đâu có đến nỗi không có văn phòng, không có khách sạn, chúng ta đã mở rộng Hà Nội thiếu gì nơi để xây những thứ đó.

Có lần tôi vào UBND thành phố Hà Nội, tôi thấy nơi để ô tô cho khách còn chẳng có, vậy thì nếu xây thêm khách sạn, văn phòng nữa ở đó thì như thế nào, chúng ta được gì.

Có anh bạn nước ngoài nói với tôi VN của bạn có cái tháp rùa to bằng cái ấm trà, Hồ hoàn kiếm chỉ to bằng cái ao ở tỉnh lẻ.

Thành thật là một người dân Việt Nam, tôi vẫn xin các vị có chức sắc giữ cho chúng tôi cái Hồ Hoàn Kiếm ít nhất là như bây giờ.

Hoàng Linh; ...linh@yahoo.com.vn

Hồ Gươm biểu tượng thiêng liêng trong lòng mỗi người VN. Hãy nhìn lại kiến trúc của người Pháp xưa xem họ coi trọng cảnh quan môi trường đối với Hồ Gươm như thế nào, đấy là họ chỉ coi trọng cảnh quan chứ không có ý niệm về lịch sử của Hồ Gươm.

Đối với người dân VN, Hồ Gươm còn có ý nghĩa lịch sử của cả dân tộc, vậy mà người ta vẫn cho lập dự án xây dựng các toà nhà cao tầng ở quanh Hồ Gươm.

Nếu ai phê duyệt dự án này chắc chắn không có lòng tự hào dân tộc mà họ coi đồng tiền là trên hết, họ phải hiểu rằng động đến khu vực quanh Hồ Gươm là động đến lòng tự hào dân tộc.

Hãy nghiêm cấm tất cả những hoạt động xây dựng làm hỏng cảnh quan môi trường của Hồ Gươm.

Phạm Xuân Nghị; ...nghi@yahoo.com

Nhiều năm nay người ta thường vin vào lý do hiện đại thủ đô để trục lợi trên mảnh đất nhỏ bé của đô thị cổ quanh hồ Gươm.

Thực chất mọi hành động khai thác mặt bằng xung quanh hồ Gươm (và khu phố cổ Hà Nội) là sự trục lợi để khai thác tối đa lợi nhuận trên mặt bằng quy họach cổ xưa Hà Nội.

Nếu tôn trọng truyền thống văn hóa trong quy họach Hà Nội cổ thì không bao giờ nên xây dựng nhà cao tầng xung quanh hồ Gươm. Các tòa nhà cao đang tiêu diệt cảnh quan của hồ Gươm vốn đã hiếm hoi thì nay lại càng trở nên quý báu.

Tôi phản đối mọi kiến thiết các công trình cao tầng xung quanh hồ Gươm của Hà Nội.

PhươngLy

Không được động đến phong thuỷ Trấn Quốc của hồ Gươm.

Đức Thánh Trần đã yểm trấn quốc phòng giặc ngoại xâm phương bắc. Động đến khu vực hồ Gươm là động đến Long Mạch của Quốc Gia, điều này là nguy hại.

Nên dừng ngay dự án nhà cao tầng này bên cạnh hồ gươm kẻo thế kỷ 21 lại là một thế kỷ con cháu mắc tội với tổ tiên.

Nguyễn Văn Tuấn; ...1953@yahoo.com.vn

Khu vực hồ gươm là địa điểm luôn được chọn để tổ chức các hoạt động nhân các dịp Lễ - Tết hoặc các ngày kỷ niệm lớn của đất nước, thu hút rất đông người, có những lần quá tải như hội hoa vừa rồi.

Vậy không nên xây trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê tại khu đất của điện lực vì sẽ gây áp lực lớn đến giao thông chung quanh khu vực hồ gươm./.

Nguyễn Gia Lượng; ...luong@fpt.vn

Tôi tán thành việc hãy dừng xây dựng các toà nhà cao tầng tại các khu vực trung tâm thủ đô, nhất là lại ngay gần hồ Gươm.

Hà Nội vì "chật", nên người ta đã phải "mở rộng" ra cả Hà Tây, Hoà Bình, vậy sao cứ ngày càng nhiều các dự án xây nhà cao tầng ngay trong lòng Hà Nội.

Có lẽ các ông chủ dự án không biết những hệ lụy nhãn tiền khi những khối nhà chót vót ấy mọc lên, nên mới ra sức chuẩn bị cho "mọc lên" những khối bêtông làm mất cảnh quan của một Hà Nội xưa lịch sử "ngàn năm Thăng Long" mà người ta đang ráo riết chuẩn bị đại lễ.

Mong muốn các vị hãy đưa các khối bê tông đó ra những khu đất đã "mở rộng" mà làm, sao cứ hè nhau xây cao ngất ngểu, để rồi Hà Nội càng thiếu nước sạch, càng bị úng lụt, càng bị ùn tắc giao thông khủng khiếp, càng bị mất sạch những gì gọi là cảnh quan của một thủ đô ngàn năm văn hiến.

Xin các vị hãy dừng lại, đừng xây nữa !

Nguyễn Văn Thảo; ...8668@gmail.com

Khi công trình này xây xong, toàn bộ lợi nhuận sẽ chảy vào túi chủ đầu tư. Còn những chi phí thiệt hại hàng năm do ùn tắc giao thông và sự xuống cấp của hệ thống hạ tầng cơ sở chắc chắn không thấp hơn số tiền lãi mà chủ thu được mỗi năm sẽ do người dân gánh chịu hộ.

Đây gọi là lấy tiền của nhiều người bỏ túi một người.

Một người dân

Địa điểm gần hồ - trung tâm của Hà Nội không nên có nhà cao tầng thì mới thực sự đẹp và có cảm giác gần gũi với thiên nhiên. Hơn nữa như thế mới không bao giờ bị ách tắc giao thông.

Minh; ...nv@gmail.com

Giải quyết vấn nạn tắc đường phụ thuộc nhiều vào yếu tố khách quan hơn là yếu tố chủ quan (đặc thù mỗi địa phương).

Có nghĩa là các lãnh đạo chính quyền phải lắng nghe nhiều hơn tiếng nói của nhà khoa học, đặc biệt những người có kinh nghiệm quốc tế.

Nếu ai đó cấp phép xây tiếp trung tâm thương mại gần Bờ hồ, nơi có mật độ lưu thông các lọai phương tiện và số người tập trung cao nhất ở thủ đô sẽ có nguy cơ làm tình hình giao thông tại khu vực thêm trầm trọng và tạo ra sự bất ổn cả về văn hóa- xã hội ở Thủ đô trong tương lai.

>> Tiếp tục cập nhật...

MỚI - NÓNG
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
TPO - Dù đang trên đà giảm, giá vàng thế giới có mức tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 24/4. Khi tình hình chính trị ở Trung Đông chưa có thêm căng thẳng thì dữ liệu kinh tế Mỹ, lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ lại tác động giá vàng.