Nên mời ngay chuyên gia ngoại chữa trị 'cụ' Rùa

Nên mời ngay chuyên gia ngoại chữa trị 'cụ' Rùa
TP - Các chuyên gia trong nước và nước ngoài đều chung khuyến nghị, Việt Nam nên mời ngay chuyên gia quốc tế hàng đầu về rùa và về thú y tham gia ngay từ khâu lai dắt và chữa trị cho Rùa Hoàn Kiếm.

> Nhốn nháo xem 'cụ' Rùa nổi
> Chen chân xem 'cụ' Rùa ăn mèo chết

“Không còn thời gian để phạm lỗi và rút kinh nghiệm nữa.Bắt, lai dắt, và chữa trị cho rùa cần được thực hiện với sự tư vấn của chuyên gia quốc tế”, Tiến sỹ Ulrike Streicher,chuyên gia thú y về thú hoang
“Không còn thời gian để phạm lỗi và rút kinh nghiệm nữa.Bắt, lai dắt, và chữa trị cho rùa cần được thực hiện với sự tư vấn của chuyên gia quốc tế”, Tiến sỹ Ulrike Streicher,chuyên gia thú y về thú hoang.

Ba khuyến cáo gửi Hà Nội

Douglas Hendrie, chuyên gia Mỹ về rùa, sống ở Việt Nam 14 năm nay, nhận định sức khỏe Rùa Hoàn Kiếm bị đe dọa nghiêm trọng bởi sự kết hợp của cả ba yếu tố là vết thương, tuổi tác, ô nhiễm nước hồ. Nhà khoa học đang làm cố vấn tại Tổ chức Giáo dục Thiên nhiên (ENV) lưu ý nên mời các chuyên gia hàng đầu của quốc tế chữa trị cho rùa.

Timothy McCormack, điều phối viên Chương trình Rùa châu Á, có cuộc khảo sát quanh Hồ Gươm cuối tuần trước, bày tỏ ấn tượng. Trước việc làm sạch hồ Gươm bảo vệ rùa: Hồ sạch hơn, sâu hơn. Nếu có cách tạo dòng chảy thì chất lượng nước hồ còn được cải thiện nhiều hơn.

Tôi cũng quan tâm đến thông số pH của nước hồ được cải thiện đến đâu. Cũng nên xem xét kỹ tình trạng vi khuẩn trong hồ. Tuy nhiên, với thực tế rùa đang yếu đi, đưa rùa lên chữa trị là việc làm đúng đắn”.

Đáng chú ý, từ Singapore, các chuyên gia quốc tế hàng đầu về rùa đã khẩn cấp soạn thảo bộ khuyến cáo với ba nhóm nội dung gồm bắt giữ, lai dắt và điều trị cho Rùa Hoàn Kiếm. Bộ khuyến cáo được gửi cho phía Việt Nam ngày 24-2.

Tuy nhiên, chuyên gia nước ngoài lại chưa nhận được kế hoạch cụ thể của chuyên gia Việt Nam sau bộ khuyến cáo đó.

Lo ngại thiếu kinh nghiệm

Ngay tại Việt Nam, cũng có hai chuyên gia thú y quốc tế kỳ cựu sẵn sàng tham dự nếu được yêu cầu. Đó là Daniela Schrudde D.V.M. (Giám đốc Dự án Bảo tồn Voọc Cát Bà, đang làm việc tại Vườn Quốc gia Cát Bà, TP Hải Phòng) và Tiến sỹ Ulrike Streicher (chuyên gia thú y về thú hoang, đang công tác tại một khu bảo tồn ở Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng).

Tất cả nhà khoa học nước ngoài đều bày tỏ lo lắng về khâu bắt giữ, lai dắt và điều trị. Trao đổi qua email với PV Tiền Phong, Nimal Fernando, tiến sỹ thú y hàng đầu thế giới đang làm việc tại Hồng Kông (Trung Quốc) cho hay, các thao tác cơ bản can thiệp vào cá thể Rùa Hoàn Kiếm đã được ông trình bày cặn kẽ tại hội thảo quốc tế do Sở Khoa học & Công nghệ Hà Nội tổ chức ngày 15-2-2011 ở Hà Nội.

Song ông cảnh báo: “Chớ nên đơn giản hóa công việc. Tôi sẵn sàng sang Việt Nam tham gia chữa trị nếu được mời. Nhưng chưa có lời mời chính thức nào”.

Nhà động vật học Vũ Ngọc Thành, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, lưu ý: “Lúc này, chúng ta phải dẹp sang một bên việc khẳng định bản lĩnh, uy tín, năng lực nhà khoa học trong nước. Vì tính mạng của cá thể rùa cực kỳ quý hiếm, nên mời chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm tham gia ngay từ đầu”.

Nhà khoa học Việt Nam có 30 năm nghiên cứu về động vật và lưỡng cư bò sát khẳng định, Trung Quốc có không ít chuyên gia thú y cao cấp song họ vẫn phải mời TS Nimal Fernando đến chữa trị cho hai cá thể Rùa Hoàn Kiếm của họ.

Đến thời điểm này, ông Timothy McCormack xác nhận với Tiền Phong, chưa có chuyên gia quốc tế nào được mời tham gia trực tiếp hoạt động cứu hộ Rùa Hoàn Kiếm. “Cần lưu ý, cá thể rùa này đã già yếu lắm rồi, và có thể qua đời cho dù có can thiệp thú y tốt nhất. Tôi mong muốn thấy một kết cục tích cực và coi đây là cơ hội để nghĩ về cách làm thế nào bảo tồn được giống nòi của Rùa Hoàn Kiếm như một báu vật quốc gia”, ông nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG