Nên có quy chế giám sát tiền nhà chùa thu được

Theo nhiều ý kiến, cần giám sát số tiền thu được từ việc dâng sao giải hạn. Ảnh: Hồng Vĩnh
Theo nhiều ý kiến, cần giám sát số tiền thu được từ việc dâng sao giải hạn. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Câu chuyện xếp hàng lũ lượt dâng sao giải hạn tại chùa Phúc Khánh (Hà Nội) và không được phép thiếu một đồng khi đóng tiền cho “dịch vụ” này đã và đang đặt ra vấn đề có hay không việc “mua bán” tâm linh. Theo các chuyên gia, có một thực tế đáng buồn hiện nay là ngày càng có nhiều người dân mê muội, tốn tiền cho lễ chùa, dâng sao, giải hạn. Trong khi đó, số tiền thu được trong hoạt động này nằm ngoài tầm quyền soát của cơ quan nhà nước.

Tiền triệu đi giải hạn

Chị Nguyễn Kim (Thành Công, Đống Đa, Hà Nội) đi giải hạn tại chùa Phúc Khánh mới đây, kể: “Nhà tôi có 4 người thì 3 người có sao xấu. Tôi sao Thái Bạch, chồng sao Kế Đô, con thì sao La Hầu nên phải đăng ký giải hạn từ sớm để được giải trước Rằm tháng Giêng. Giá cắt mỗi sao ở chùa là 150.000 đồng/người, lễ cầu an cũng 150.000 đồng/người. Để yên tâm tôi còn đóng thêm tiền lễ cả năm, tiền làm sớ, tiền “giọt dầu”, tiền thụ lộc cỗ chay để sư thầy kêu giúp. Ngoài ở chùa tôi còn làm cả ở nhà vì nhiều sao xấu quá. Tôi mời thầy về cúng lễ sắm ngựa, hình nhân thế mạng, đồ lễ… tất cả ngót 7 triệu”. Sau lễ cúng giải hạn vào ngày 14/1 vừa qua, phần thụ lộc chị Kim chỉ mang về nhà 1 quả chối và oản của nhà chùa.

“Có đánh thuế hay không vấn đề này nên có sự thảo luận, công khai minh bạch. Nhưng chắc chắn, Giáo hội nên có quy chế giám sát. Việc người dân nộp tiền và nhà chùa thu tiền nó cũng là một hình thức kinh doanh nên có niêm yết rõ ràng. Giáo hội Phật giáo cần chịu trách nhiệm và trình bày rõ về khoản thu nhập này, không nên thả lỏng”.

Chuyên gia

Lê Đăng Doanh

Còn chị Bích Quyên (Cầu Giấy, Hà Nội) sau khi đi cúng dâng sao tại chùa Phúc Khánh, chia sẻ: “Người ta có sao xấu đều đi giải nên tôi cũng theo chứ thực lòng cũng không biết vận xấu có được hóa giải hay không. Vì có quá đông người, những người có sao xấu cũng chỉ được đọc lướt qua tên. Nghe nhiều lãng đi một chút đến tên mình có khi còn không nghe thấy cũng chỉ mong Phật chứng cho”.

Bình luận về câu chuyện dâng sao giải hạn, PGS. TS Trịnh Hoà Bình, nhà xã hội học chỉ ra rằng: nhà chùa vốn không có sứ mệnh dâng sao, giải hạn nhưng lại đứng ra nhận làm hết.

“Dâng sao giải hạn, cúng bái cầu xin bình an, tài lộc là nhu cầu có thật và lớn trong xã hội. Một bộ phận lớn người dân tin cho dù là niềm tin mong manh. Người ta có thể cầu cúng, các giáo lý đều khuyên làm việc thiện nhưng người ta vẫn làm điều ác. Lòng tin trong trường hợp này là mê muội. Những người đang bốc quẻ, dâng sao giải hạn là lợi dụng. Cúng trên điều hư vô nhưng mất tiền thật”, PGS.TS Bình nói.

Theo PGS.TS Bình, khu vực nhà chùa không đóng thuế và lâu nay không ai quản việc thu chi của nhà chùa. Không phải ngẫu nhiên, người nhà chùa đều khoe nhiều quan chức dâng sao giải hạn. Những cái này có thể do chính nhà chùa tạo dựng lên để củng cố lòng tin của những con nhang, đệ tử.

Nêu cao trách nhiệm của Giáo hội Phật giáo

Trao đổi với Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, số tiền các chùa thu được là lớn từ hoạt động cúng bái dâng sao, giải hạn. Cái đó cần có sự giám sát. Giáo hội Phật giáo nên chính thức đề nghị nhà nước giám sát, sử dụng tiền thế nào, thu được bao nhiêu. Các nhà sư cũng cần phải trong sạch, hành xử đúng như Đức Phật, về mặt này các nhà sư như một tấm gương để thực hiện.

“Có đánh thuế hay không vấn đề này nên có sự thảo luận, công khai minh bạch. Nhưng chắc chắn, Giáo hội nên có quy chế giám sát. Việc người dân nộp tiền và nhà chùa thu tiền cũng là một hình thức kinh doanh nên có niêm yết rõ ràng. Giáo hội Phật giáo cần chịu trách nhiệm và trình bày rõ về khoản thu nhập này, không nên thả lỏng”, ông Doanh nói.

Theo ông Doanh, số tiền của chùa Phúc Khánh như báo chí phản ánh là con số lớn thu từ hoạt động dâng sao, giải hạn. “Để khoản thu nhập như vậy không có giám sát là không bình thường, không bình đẳng. Không thể để tồn tại một hình thức kinh doanh thuận lợi đến vậy, sổ sách không có khai báo gì. Kinh doanh thế này thì lý tưởng quá, ai cũng muốn kinh doanh. Hiện, nhu cầu của mọi người rất nhiều, phải có sự quản lý, tránh sự lạm dụng. Cái này trách nhiệm của Giáo hội Phật giáo đối với các chùa nên được đề cao”, ông Doanh nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG