Những ngày qua, câu chuyện lạm thu trong trường học trở thành "vấn đề nóng" trên các phương tiện thông tin đại chúng. Qua các đợt thanh-kiểm tra, Bộ GD&ĐT khẳng định có xảy ra tình trạng lạm thu trong một số trường học.
GS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, ban đại diện cha mẹ học sinh ngoài nhiệm vụ phối hợp với nhà trường giáo dục học sinh còn giám sát các hoạt động của nhà trường. Nhưng có một số nơi người ta dùng ban đại diện cha mẹ học sinh như "cánh tay nối dài" của nhà trường trong việc thu tiền. Điều này không đúng và cần phải chấn chỉnh.
Ta đang kêu về lạm thu, Luật giáo dục quy định ngoài học phí không được thu bất kỳ khoản nào khác. Liệu có thực hiện được không? Học phí có 30 – 40.000/tháng, các trường còn làm một số dịch vụ khác đơn giản như giữ xe. Nếu quy định rõ ràng, khoản nào là dịch vụ thì ra dịch vụ. Về cơ sở vật chất, vô lý ở chỗ: nhà trường tổ chức thu tiền cho chính trang bị mà phụ huynh đề xuất đóng góp trên tinh thần tự nguyện. Việc mua điều hoà ở các trường là ví dụ.
Tuy nhiên, "tuổi thọ điều hòa là hàng chục năm, nhưng năm nay thu, sang năm lại thu tiếp. Đáng lý ra, đến khi các cháu ra trường phải trả lại tiền cho phụ huynh. Như thế thì phụ huynh mới cảm thấy sòng phẳng" - GS. Thuyết nhấn mạnh.
Cũng theo GS. Thuyết, học phí hiện nay chỉ mang ý nghĩa tượng trưng và cần phải tăng học phí. “Theo tôi, cấp học càng cao thì càng phải thu học phí để đáp ứng phần nào chi phí đào tạo. Nhà nước cần đầu tư cho cấp học tiểu học, sau này mở rộng THCS, cấp giáo dục phổ cập"- GS Thuyết nhấn mạnh.
Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, câu chuyện về lạm thu phải giải quyết được từ ba phía.
Thứ nhất, bản thân hiệu trưởng các trường phải chịu trách nhiệm về những vấn đề phát sinh.
Thứ hai, ban đại diện phụ huynh cần thực hiện đúng chức năng của mình và những người trong ban phụ huynh phải có đủ năng lực, phẩm chất.
Thứ ba, sự tham gia của cộng đồng và chính quyền địa phương.
Cũng theo TS. Lâm, sự tham gia giám sát tài chính của các trường không chỉ là phụ huynh với nhà trường mà còn phải có "trọng tài". Nếu không có "người thứ 3" phân xử thì bao giờ phụ huynh cũng yếu thế so với nhà trưởng.
Ông Lâm đề xuất, chính quyền địa phương phải cử người đại diện cho cộng đồng địa phương để tham gia chung với nhà trường. Những người này vừa đại diện của địa phương vừa là "trọng tài" giải quyết mối quan hệ giữa phụ huynh và nhà trường.
Cũng theo TS. Lâm, nếu người đứng đầu một trường có năng lực, thực tâm muôn phát triển nhà trường thì sẽ luôn tìm ra một ban phụ huynh tốt, đúng chức năng. "Chỉ những hiệu trưởng năng lực và ý thức kém, muốn xà xẻo thì mới dùng một ban phụ huynh hình thức", TS. Lâm nhấn mạnh.
“Nếu làm danh chính ngôn thuận, huy động được nguồn lực của cha mẹ học sinh thì phải làm một cách đoàng hoàng. Chúng ta phải hiểu, huy động nguồn lực ngoài tiền ra, còn là huy động trí tuệ, sáng tạo, sự lăn lộn với giáo dục", TS. Lâm cho biết.
Cũng theo TS. Lâm, hiện nay, Bộ GD&ĐT đã đưa ra hướng dẫn chỉ rõ những khoản nhà trường không được thu và những khoản nhà trường được thu.
"Chúng ta bàn đến những khoản nào nhà trường được thu. Ở đây bản chất trong tình hình cụ thể trường thiếu thốn mà không có ngân sách để chi ngay. Một cái sân đang hỏng, nhà đang dột gây nguy hiểm học sinh thì chờ bao giờ có ngân sách thì sinh ra chuyện mất rồi.
“Giờ phải kêu gọi đóng góp từ phụ huynh nhưng khoản đó được tách ra có sự giám sát, kêu gọi lòng hảo tâm thậm chí dám vay của phụ huynh để khi có ngân sách thì trả lại phụ huynh”, TS. Lâm đề xuất.
TS. Lâm cho rằng, nếu chúng ta cứ cứng nhắc không được làm việc này thì nhà trường khó vượt qua khó khắn riêng của nhà trường. Còn tiền nước, vệ sinh là những cái tối thiểu thì mọi người phải có trách nhiệm. Hiện nay, chúng ta đang lẫn lộn rất nhiều thứ và tất cả đều đổ lên ban phụ huynh và quan niệm đó là không đúng.
“Tôi hoàn toàn bảo vệ ban phụ huynh và đừng trách nhầm họ. Vì người ta không có quyền và chức năng để làm đủ những cái cần phải làm. Nên phải bầu đúng và người ta có ý thức. Đặc biệt, cần đưa người có năng lực vào giám sát. Vì chúng ta chỉ có giám sát cộng đồng được thì mới làm tốt được việc này”, TS. Lâm nói.