Nạn nghiện, “lắc” mỗi năm “đốt” từ 2.500 - 3.000 tỷ đồng

 Nạn nghiện, “lắc” mỗi năm “đốt” từ 2.500 - 3.000 tỷ đồng
Hiện nay cả nước có khoảng 172.000 con nghiện. Thuốc lắc, ma túy tổng hợp sẽ ngày càng phức tạp... Đại tá Vũ Hùng Vương - Cục trưởng Cục phòng chống tội phạm về ma túy cho biết.
 Nạn nghiện, “lắc” mỗi năm “đốt” từ 2.500 - 3.000 tỷ đồng ảnh 1
Những “dân bay” bị bắt giữ trong một “động lắc”

Ma túy được chuyển về Việt Nam từ “Tam giác vàng”

Thưa ông, với tư cách là Cục trưởng  Cục Phòng chống tội phạm về ma túy, ông đánh giá như thế nào về chuyên án ma tuý  853T?

Đây là vụ án đặc biệt lớn, liên quan tới 12 địa  bàn, xẩy ra trong một thời gian dài. Một đường dây buôn bán ma túy từ Lào, qua Tây Bắc, nên việc truy xét cực kỳ khó khăn.

Chúng ta đã truy xét một cách triệt để, hiện giai đoạn 2 mở ra rất tốt, cơ quan pháp luật đã truy tố 21 đối tượng và chúng đã khai nhận buôn bán 1000 bánh heroin và hơn 400 kg thuốc phiện...

Như vậy, nguyên giai đoạn 1 và giai đoạn 2 thì tổng số heroin mà các đối tượng đã buôn bán là trên 3500 bánh.

Theo lời khai của các đối tượng thì đây là chuyên án lớn nhất. Trước đây chuyên án 98C do Nguyễn Văn Tám cầm đầu cũng chưa đến mức thế này, chuyên án Hải “Luận” chưa đến mức như thế này...

Riêng giai đoạn 1 đã có ít nhất 4 đường dây tham gia. Các đường dây có yếu tố nước ngoài có thể lấy nguồn ma túy  từ  vùng tam giác vàng qua  Lào vào Việt Nam.

Mỗi năm các con nghiện “đốt” khoảng 2500 –3000 tỷ đồng

Thưa ông, tại sao công tác phòng chống ma túy ngày càng được đẩy mạnh, nhưng số vụ án ma túy bị bắt giữ lại vụ sau lớn hơn vụ trước? Phải chăng càng “đánh” ma túy càng tăng?

 Nạn nghiện, “lắc” mỗi năm “đốt” từ 2.500 - 3.000 tỷ đồng ảnh 2
Đại tá Vũ Hùng Vương

Họ nói như thế mình cũng phải suy nghĩ, nhưng tôi cho rằng như thế chưa hoàn toàn chính xác, bởi vì lượng ma túy tiềm ẩn ở Việt Nam rất lớn và phức tạp từ lâu. Nhưng việc khám phá cũng còn hạn chế.

 Nhưng qua sự chỉ đạo ngày càng quyết liệt và đầu tư ngày càng nhiều hơn của Chính phủ, lực lượng công an được tăng cường, tổ chức tốt hơn, nên chúng tôi có điều kiện khám phá được nhiều vụ án hơn.

Hiện nay đã xác định có khoảng 172 nghìn con nghiện. Chỉ tính bình quân mỗi ngày một con nghiện hút, chích khoảng 50 nghìn đồng thôi thì mỗi năm số con nghiện này đốt khoảng 2500 –3000 tỷ đồng.

 Để cung cấp “hàng” cho số lượng con nghiện khổng lồ đó, tôi nghĩ số lượng ma túy thẩm lậu vào nước ta phải cỡ tấn trở lên, chứ không thể ít hơn.

Bao che, làm ngơ cho các tụ điểm “lắc”: Xử lý hình sự

Thưa ông, gần đây thuốc lắc, một loại ma túy tổng hợp (MTTH) đang được giới trẻ sử dụng tràn lan, gây ra những cảnh thác loạn trong vũ trường, quán karaoke. C17 có nhìn nhận gì về loại ma túy này và phương án phòng chống như thế nào?

Từ năm 2001, Bộ Công an đã cho phép chúng tôi  thành lập chuyên ngành đi sâu điều tra và tổ chức đấu tranh  với loại tội phạm MTTH. Đã cảnh báo cho lực lượng của chúng tôi trong toàn quốc phải  tập trung vào loại đối tượng này.

 Nạn nghiện, “lắc” mỗi năm “đốt” từ 2.500 - 3.000 tỷ đồng ảnh 3
Thuốc “lắc” thu giữ được trong một vụ án

Qua nghiên cứu ở các nước như Thái Lan, nhiều nước ở châu Âu thì xu hương sử dụng MTTH ngày càng tăng, thuốc phiện và heroin sẽ ngày càng giảm đi.

Bởi vì  MTTH dễ sử dụng, phù hợp với thanh niên, lại uống chứ không tiêm chích như heroin, cất giấu dễ, dễ lẫn vào thuốc tân dược gây nghiện. Buôn bán MTTH lãi suất cao.

 Đó là những yếu tố sẽ làm cho MTTH không những phức tạp như hiện nay mà sẽ còn phức tạp hơn nữa.

 Tôi đi nghiên cứu ở Pháp, họ cho biết trước năm 90 của thế kỷ trước, bên Pháp có sử dụng cocain và heroin, nhưng sau năm 90 là MTTH ngày càng được “ưa thích” hơn.

Trong chương trình công tác năm nay, chúng tôi nhấn mạnh sẽ đánh mạnh vào bọn buôn bán, tổ chức sử dụng MTTH.

Hiện nay ngoài phòng chuyên đề đấu tranh ở C17, thì nhiều địa phương đã triển khai lực lượng chuyên trách phòng chống MTTH.

Chúng ta đã có những phương án, sẽ tiến hành các biện pháp nghiệp vụ tập trung vào các trọng điểm, nơi dễ dàng xẩy ra việc sử dụng MTTH như vũ trường, quán karaoke, café đèn mờ.

 Thậm chí cả những nơi tạo điều kiện cho chúng tổ chức sử dụng ma túy như các nhà nghỉ. Đồng thời sẽ lập án và đề nghị truy tố những nơi cố tình chứa chấp bao che.

Cán bộ có chức năng đi kiểm tra phải kiên quyết, không được có hành vi nhận hối lộ. Những chủ cơ sở vi phạm phải xử lý hành chính nghiêm khắc, nếu như anh bao che chứa chấp cho các đối tượng sử dụng ma túy sau đó ăn chơi thác loạn thì phải xử lý hình sự. Vi phạm hành chính, lần đầu phải phạt nặng, nhưng nếu vi phạm lần thứ 2 phải rút giấy phép.

Để MTTH sản xuất ở Việt Nam sẽ cực kỳ nguy hiểm

Thưa ông, đã có hiện tượng sản xuất MTTH ở nước ta chưa?

Từ  năm 1997 đến nay, chúng tôi chưa phát hiện ra được ma túy tổng hợp tự chế.

Riêng TP  Hồ Chí Minh mới đây phát hiện một vụ ma túy tổng hợp tự chế, bọn tội phạm sang Campuchia mua ma túy tổng hợp bột, về dập thành viên.

Chúng lấy  bột đó về pha thêm thuốc cảm và Seduxen. Thậm chí nguy hiểm hơn, chúng còn đưa thêm heroin vào rồi đặt cho nhưng cái tên như nữ hoàng, mercesdes....

Hôm tôi vào trong đó, các anh ở  Công an TP. Hồ Chí Minh đưa ra 60 - 70 mẫu, do bọn tội phạm thuê vi tính để thiết kế, rồi về dập.

Chúng tôi đang quyết tâm phấn đấu phòng ngừa, đang phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công nghiệp  làm sao kiểm soát chặt chẽ, không để  sản xuất MTTH ở Việt Nam. Để xảy ra tình trạng sản xuất  MTTH ở Việt Nam sẽ cực kỳ nguy hiểm.

Theo ông, có nên quy định địa bàn nào để xẩy ra tình hình tội phạm phức tạp, diễn ra nhiều tụ điểm ăn chơi thác loạn, thì công an và chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm?

Tôi đồng tình. Thực tế vừa qua một số phường để tình hình tội phạm phức tạp xẩy ra, Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát, cũng như Giám đốc công an các địa phương đã xử lý kỷ luật.

Tôi cho rằng với trường hợp nặng hơn như bao che làm ngơ  là phải xử lý hình sự . Ví dụ phường Thanh Nhàn vừa rồi để xẩy ra phức tạp như thế , giám đốc công an thành phố, công an quận sẽ xử lý đối với cán bộ cơ sở.

Thưa ông, Bộ Công an đã có  quy định nào trong việc quy trách nhiệm của công an cấp cơ sở nếu để xảy ra nhiều tệ nạn trên địa bàn chưa?

Trong chỉ thị công tác năm 2005, lãnh đạo Bộ Công an đã đề cập đến vấn đề này. Tức là nơi nào, địa bàn nào để tình hình tội phạm phức tạp xẩy ra, không nắm được tình hình thì phải xử lý.

Trong chương trình công tác của  C17, chúng tôi cũng khẳng định rõ cho điều tra viên và trinh sát rằng  nếu để tình hình ma tuý phức  tạp xẩy ra ở địa bàn anh quản lý, để dân phải kêu ca thì anh phải chịu xử lý kỷ luật.

Trên thực tế, đã thống kê được bao nhiêu trường hợp và địa bàn bị xử lý?

Một số địa phương đã làm, ví dụ như Hà Nội đã xử lý trách nhiệm. Nhiều đồng chí trưởng, phó công an phường đã bị  kỷ luật chuyển công tác khác.  Nhưng làm chưa được nhiều. Qua hiện tượng thuốc lắc vừa rồi là một cảnh báo rất lớn.

Thực tế  đã xẩy ra hiện tượng con em cán bộ có chức có quyền sử dụng  thuốc lắc  sau khi bị bắt lại  xin xỏ  để  được thả ra, tạo dư luận xấu. C17 đã  ứng xử với hiện tượng này như thế nào? Có “khó” cho ông và đồng nghiệp lắm không?

MTTH đắt, nên đối tượng sử dụng thường rơi vào những gia đình có kinh tế khá giả, con em của  đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước thường chiếm phần lớn.

 Một số cán bộ có chức quyền buông lỏng quản lý, chiều chuộng con em,  cho tiền bạc ăn diện nên các em lao vào thuốc lắc thác loạn.  Khi con em họ bị bắt, có những người quan niệm đưa công khai con em mình  ra để phòng ngừa thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín danh dự, chức tước nên tìm cách che giấu. Họ cũng phải xin xỏ, trường hợp đó là có. Nhưng vấn đề quan trọng ở đây là xử lý, chứng cứ để xử lý.

 Ví dụ như  vụ án ở Tăng Bạt Hổ, rất nhiều con cán bộ có chức  quyền, có người gửi thư đến cho tôi  nói rằng vì danh dự gia đình xin tha cho các cháu.

 Tôi cũng viết thư lại , chia sẻ  nỗi  băn khoăn của các bác nhưng cũng nói rõ, một là các cháu vi phạm pháp luật, hai là C17 làm thế chính là cứu các cháu. Theo tôi  che giấu và xin xỏ  cho con cháu nghiện ngập ma túy là sai lầm ghê gớm.

“Nếu thoát án cao nhất sẽ hậu tạ…”

Ông đã từng vào vũ trường, quán karaoke đi thực tế chưa?  

Tôi vào vũ trường và quán  karaoke thực tế từ lâu rồi. Tôi nhớ năm 2002, tôi đã có một thông báo về quy luật sử dụng MTTH ở vũ trường và quán karaoke như thế nào.

Vừa qua, tôi cũng trực tiếp vào quán karaoke, nghiên cứu con đường “đi” của viên thuốc lắc, như thế mình mới chỉ đạo anh em địa phương được. 

 Kinh nghiệm cho thấy  quán  karaoke  nào sử dụng ma túy tổng hợp thì ở đó có loa to.

 Tôi nhớ cách đây khoảng 3 tuần, 22h30, tôi lọt vào một quán karaoke, biết là trong phòng đang sử dụng MTTH để thác loạn nhưng mình không tài nào lọt vào được.

Bởi vì, chỉ 5 đôi thanh niên thuê  khoá  trái  cửa, đuổi nhân viên phục vụ bàn ra. Nếu mình đột nhập vào thì bắt được  tang vật ma túy, còn nếu không thì chỉ xử lý hành chính thôi. Cho nên đấu tranh với các tụ điểm sử dụng MTTH là hết sức khó khăn.

Đứng đầu cơ quan phòng chống tội phạm ma túy của Bộ Công an, chịu nhiều nguy hiểm và cả sự mua chuộc. Ông ứng phó như thế nào?

Tôi chỉ đạo phòng chống ma túy trực tiếp không chỉ ở trên Cục mà cả ở các địa phương, bây giờ với cương vị Phó Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an nên cũng tham gia nhiều vụ án.

 Có những đối tượng tìm đến tôi để nhờ vả này nọ, nhưng tôi kiên quyết. Chúng tôi đã tuyên thệ mình không dính líu đến tội phạm, kiên quyết tấn công tội phạm.

Có trường hợp người nhà của đối tượng bị bắt giữ đến nhà mình chơi, đề nghị với vai trò vị trí của mình cứu con em của họ khỏi án cao nhất, họ sẽ hậu tạ.

Gia đình người ta năn nỉ, mình cũng thương tâm, cũng chia sẻ, thông cảm với họ, đó là những lúc trăn trở, băn khoăn. Nhưng cuối cùng thì mình cũng chỉ biết động viên họ và nhiều người đã nhận ra vấn đề.

Trong các vụ án ma túy, sau khi phá án, đối với các đối tượng chưa bị bắt, thông thường  sẽ “tấn công” lại bằng cách mua chuộc, để mình không mở rộng, không bắt.

Vấn đề quan trọng nhất ở đây là bản lĩnh của trinh sát và điều tra.

Xin cảm ơn ông

MỚI - NÓNG