Định luật sẻ chia

 Định luật sẻ chia
Các cư dân mạng định nghĩa: sẽ chỉ là một thành viên ảo của mạng, nếu suốt ngày chỉ biết khai thác tài nguyên từ internet mà chẳng bao giờ đóng góp chút gì, dù chỉ là một ý kiến của mình.
 Định luật sẻ chia ảnh 1
Sự sẻ chia trong cộng đồng số đã trở thành tự nguyện…Ảnh: Sài Gòn Tiếp Thị

Và chẳng biết tự bao giờ, “sẻ chia” đã là một định luật bất thành văn trong hành trang du hành vào thế giới số…

“Kiến thức này là của chúng mình”

Cần tìm một cái gì đó, lên mạng tìm. Buồn buồn, lên mạng tìm tranh vui, truyện cười hay những clip be bé để xem. Harry Potter mới ra, vội vã lục lọi và chờ đợi đọc bản dịch trên mạng…

Dường như việc sử dụng tài nguyên từ net đã là một phản xạ hết sức tự nhiên của nhiều người. Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi: ở đâu ra những tài nguyên ấy cho bạn khai thác không?

Không thể thống kê được, nhưng một phần không nhỏ của lượng kiến thức được cung cấp trên mạng là do công lao đóng góp của các thành viên. Chẳng hạn, mạng TTVNOL từng là nguồn tài liệu không nhỏ về đủ các lĩnh vực. Thành viên ở khắp mọi nơi gặp nhau ở cùng một sở thích và sẵn sàng chia cho nhau những tài liệu, kinh nghiệm mình có.

Còn nhớ cách đây khá lâu, có anh chàng ở nước ngoài học kiến trúc; vừa nhịn ăn mua được một quyển sách hay quá nên cặm cụi ngồi scan từng trang một và đưa lên mạng cho bạn bè ở nhà có thứ mà xem.

Hay chuyện một nhóm sinh viên chuyên ngành marketing lập hẳn ra một mạng riêng của mình để trao đổi về cái nghề này. Và để đề phòng các "thành viên ảo" suốt ngày ngồi chờ người khác đưa đồ cho dùng sẵn, nhóm này bắt các thành viên muốn đọc sách trên website của họ phải viết những bài góp ý về quyển sách mà mình đã đọc rồi mới… cho đọc tiếp quyển khác.

Những ví dụ kiểu này, nói như anh bạn Tùng Quân ở Đức thì: "Kể cả năm trời chắc cũng không hết. Vì đó là điều kiện sống còn của forum nói riêng và internet nói chung mà…".

Cùng một cách thức như thế, tôi treo câu: "Có ai định chia sẻ gì về chủ đề mới của tui hông?" lên Yahoo! messenger thì gặp được nhiều câu chuyện thú vị.

Tuấn Anh, cựu chủ tịch hội du học sinh Việt Nam tại Đại học quốc gia Singapore (VNC), người vừa giành chức quán quân trong diễn đàn của hội này vì lượng thông tin chia sẻ bảo: "Nói chung cho nhiều thì nhận nhiều thôi. Không phải sến, nghiêm túc đó. Mình biết gì thì mình nói cho mọi người nghe. Không thì cổ vũ mọi người cùng chia sẻ. Đôi khi chỉ là đóng góp vài ý kiến, nếu có người có ý kiến ngược lại thì mình học thêm một kinh nghiệm mới…".

Anh chàng kể ra khá nhiều kỷ niệm nhớ đời trong sự nghiệp lên mạng của mình. Nào là vụ tranh luận về lịch sử với các thành viên khác của VNC trong nhiều ngày với tổng cộng là 20 trang giấy A4 tổng kết. Và "cãi" xong thì khôn ra nhiều, vì muốn bảo vệ lý luận của mình, thì phải ngồi tìm tìm tòi tòi, rồi nâng cao khả năng tranh luận, lập luận nữa.

"Ngày xưa, cãi nhau chỉ để thoả mãn, để thấy đối thủ thua. Nhưng dần dần thấy đó không phải là cách hay, không làm ra môi trường sống tốt, nên phải học cách tranh luận mà khi kết thúc, mỗi người học được một điều gì đó. Ngoài ra, có những người ngoài đời thường im lặng, nhưng khi lên mạng thì không cảm thấy cô đơn nữa, tự tin hẳn lên và post những điều mình biết, dần dần thì khá lên nhiều…" - Tuấn Anh nói thêm.

Mỗi ngày tôi có… quá chừng niềm vui

Có một câu chuyện dường như là cổ tích từ những chấm tròn trên trình duyệt Yahoo messenger: mỗi ngày, lại có những người bạn gửi cho tôi dăm ba câu chuyện vui, vài tấm ảnh ăm ắp nụ cười và đôi khi là một thông điệp đầy ý nghĩa.

Và tôi, cũng như hàng ngàn người khác, lặp lại động tác này với những người trong nhóm kèm theo vài dòng chú thích rất vui. Đang làm việc căng thẳng, bỗng thấy nhẹ nhàng hơn. Đang buồn chán vì chuyện tình cảm, đọc một cái slide show những câu châm ngôn sống, chợt thấy cuộc sống đẹp hơn rất nhiều.

Một cô bạn có nickname là Khanh TTKH còn có thói quen ngồi lang thang trên mạng, tìm đọc những điều hay đâu đó rồi cặm cụi ngồi dịch ra và chuyển cho mọi người. Lòng vòng một lát, lại thấy nó về với mình và cô nàng tủm tỉm cười. Dường như chừng đó chuyện cũng đủ để người ta hạnh phúc…

Và khó ai biết được, giữa những lúc căng thẳng nhất của một kỳ thi, chàng sinh viên công nghệ thông tin buông hết bài vở lúc nửa đêm và bắt đầu cặm cụi gõ hàng bao nhiêu trang giấy trả lời cho một câu "thắc mắc biết hỏi ai" về cách thức phục hồi một file quan trọng mà hắn vừa delete trong cái máy tính của mình.

Biggau - kẻ tội nghiệp ấy - than rằng chắc chết nếu sáng sớm hôm sau hắn không tìm lại được cái tài liệu có một không hai của mình. Và phút "giải lao" giữa giờ học ấy biết đâu là một cơ may cho Biggau vào sáng ngày mai này.

Cứ thế, cứ thế, cộng đồng dân cư ảo trên mạng truyền cho nhau những thông điệp, đóng góp vào những tài nguyên mà họ tích cóp đâu đó trong nhiệm vụ hàng ngày của mình. Tài nguyên ấy đầy lên, giàu có ra và lớn mãi cho tất cả cộng đồng cư dân ảo. Rồi bất cứ ai cũng sẽ tìm thấy trong đó có mình.

"Vết tích" những góp nhặt của mình sẽ được truyền đi, được bổ sung, được chỉnh lý… cuối cùng nó biến thành một cái gì chung nhất, cụ thể nhất cho cuộc đời này. Không còn là của riêng ai một khi sự sẻ chia đã trở thành tự nguyện: không cần bản quyền, không cần lời cảm ơn. Nó chỉ giống như một cuộc chạy đua tiếp sức mà đích đến là con đường lớn của cả cộng đồng.

Một lúc nào đó giữa đêm. Bạn hãy mở cửa xa lộ net và nhìn vào những Online, Offline để biết rằng những kẻ mà bạn quen thân hay chưa từng biết đến, có kẻ đang cặm cụi một mình bên bàn phím và những ý tưởng trong đầu, có kẻ đang loay hoay vật vã tìm ra một giải pháp cho một người từ bên kia vòng trái đất.

Những con đường thông tin trên thế giới ảo cứ lướt đi, và mỗi một con người, như những ngọn đèn, nhấp nha nhấp nháy ý tưởng 24/24 sẵn sàng biến những máy móc khô khan nhất thành một tài nguyên trí tuệ, cảm xúc và nhân văn nhất trên cuộc đời này.

Đó chính là định luật sẻ chia…

Theo Sài Gòn Tiếp Thị

MỚI - NÓNG