Bà Cầu vẫn hát!

 Bà Cầu vẫn hát!
TP- Mấy hôm trước thấy trên trang nhất một tờ nhật báo: Người hát xẩm cuối cùng dừng bước giang hồ. Vồ lấy đọc. Hóa ra người viết chỉ muốn nói bà tuổi cao sức yếu không (đi) hát được nữa và cái líu (nhị) của bà cũng bị người ta lấy mất rồi.

Nhẹ cả người. Cứ tưởng bà dừng bước thế nào... Thực ra được biết bà không hát được từ vài năm trước.

Nhưng bà còn đó- đại diện cho cả một nghệ thuật, một lớp nghệ sĩ đã vượt khó để cống hiến cho cộng đồng... là đã mừng lắm rồi. Bà Hà Thị Cầu là người chuyên nghiệp cuối cùng của toàn ngành hát Xẩm. Tin mới nhất là ở tuổi 86, bà Cầu vẫn hát.

Nhà hát Lớn, Đêm Hát Xẩm & Trống quân mừng xuân Mậu Tý (28/1), một cái hộp thủy tinh nhỏ xinh bày ở giữa sảnh đề nghị mọi người ủng hộ các nghệ nhân cao tuổi, nhưng không níu bước được mấy người.

Giá mà có đĩa CD của bà bày ở đó, hẳn cũng có người mua. Đêm nay, bà vừa hát vừa kéo nhị duy nhất bài Theo Đảng trọn đời (theo điệu Xẩm Thập ân) cùng các nghệ sĩ Xẩm mới.

Nghĩa là trước đây bà rủ mãi mới được bác hàng xóm đi theo gõ trống phách, nay thì có cả một dàn con cháu là các nghệ sĩ đến từ Viện Âm nhạc, Đoàn Chèo... phụ họa. Bà lần đầu tiên có học trò tốt nghiệp Nhạc viện vừa hát vừa kéo được cả nhị là Mai Tuyết Hoa.

Bà lên từ tối hôm trước, đã háo hức lắm. Ngồi xem nghệ nhân Minh Sen (Thái Bình) tập, bà cứ nhấp nhổm đập nhịp. Hôm diễn, bà ăn mỗi nắm xôi từ 3 giờ chiều. Mời gì thêm cũng không chịu ăn. Ngồi vừa nhai trầu bỏm bẻm vừa lên dây cây líu trứ danh bên cánh gà.

Chốc chốc các fan hâm mộ già có trẻ có lại tíu tít kéo đến bá vai bá cổ chụp ảnh. Hỏi chị Mận con gái bà thì được biết cái người mượn cây líu của bà về bảo là để học, cuối cùng chả học được gì.

Vì hình như chỉ có bà kéo, cây líu mới kêu. Chưa kể người mượn lại thấy trong người cứ sao sao đó nên phải sớm mang giả. Nhiều năm trước, một nhà chuyên môn còn đem cây nhị của bà lên Hà Nội nghiên cứu, nhưng cũng không nghiên cứu nổi, về sau lại còn bị tai nạn(!), cây nhị lại về với bà. Cây nhị gắn bó với cả quãng đời dằng dặc lưu diễn của bà, nay chỗ bọc da (bà bảo là da kỳ đà) đã nứt, phải lấy tờ giấy hoa dán vào.

Trong lúc bon chen chụp ảnh, tôi chạm vào đầu gối bà toàn thấy da với xương. Đấy là bà vừa truyền nước đường nên mới “béo” được như thế. Truyền xong thì bà cũng ăn được mỗi bữa lưng bát. Tất nhiên không thể thiếu 1 chén rượu, ấy là bà đã nhịn lắm.

“Bà được như thế này là nhờ rượu đấy! Bà sống bằng rượu!”, chị Mận nhìn mẹ nói. Nằm viện dăm hôm, vừa về nhà ít bữa lại ra Hà Nội hát ngay được, đúng vào một trong vài ngày mưa rét nhất. Mừng cho sức khỏe của bà, cũng là sự trường thọ của Xẩm.

Đếm sơ sơ trên sân khấu Nhà hát Lớn tối nay ngoài bà Cầu, cụ Khôi (tuổi ngoài 90 không hát được nữa), ông Minh Sen, còn có các nghệ sĩ tiếp bước như Xuân Hoạch, Văn Ty, Thanh Ngoan, Thúy Ngần, Mai Tuyết Hoa... của Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam.

Năm qua, Trung tâm đã tái hiện thành công chiếu xẩm tại khu chợ đêm Hàng Đào-Đồng Xuân, khiến xẩm trở thành món ăn tinh thần cuối tuần được đón đợi nơi đây.

Trung tâm còn phát hành xẩm dưới dạng đĩa tiếng, đĩa hình bán được. Chứng tỏ xẩm vẫn sống được cho tới những năm đầu của thế kỷ XXI này. Điều thú vị là cùng lúc, bà Cầu và Trung tâm đều được trao giải thưởng Đào Tấn - dành cho người có công bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống.

Từ cái giường nan quạt ở Yên Mô (Ninh Bình)- sàn diễn của bà mỗi khi khách mộ điệu đến chơi - đến sân khấu Nhà hát Lớn quả là khoảng cách. Nhưng ở đâu cũng thế thôi... Bà được 2 người dìu ra (bà không muốn thế nhưng mọi người cứ thích thế) đến chỗ chiếc chiếu hoa giữa sân khấu. Bà ngồi xuống, nói tên bài xẩm và hát.

Khỏi chào, khỏi cười với khán giả. Một số khán giả đứng tuổi lần đầu xem bà có vẻ thắc mắc, nhưng đúng hơn là họ nên cảm thấy may mắn vì đã có lần được xem Xẩm xịn trong đời.

Hát hết bài, nhận một ôm hoa xong, bà lại được dìu vào. Ngồi trong cánh gà, giữa đám con cháu quyết không để cho bà yên, bà tự tin: “Hát bao nhiêu nữa cũng được!”.

Bà Cầu là một sự độc đáo xét trên phương diện giọng hát. Hát xẩm về kỹ thuật không quá khó nếu so với ca trù, chèo... nhưng không ai bắt chước được bà. Có trường ca chỉ với 2 câu nhạc nếu người khác hát chắc sẽ buồn ngủ lắm, nhưng bà hát thì nghe cứ mê đi được. Để mà bắt chước phần nào lối hát của bà, đòi hỏi phải rất tốn lực.

Tạm hiểu là chỉ có bà mới kết nối được và độc quyền sử dụng nguồn sức mạnh của Xẩm khi hát. Một cách thực tế hơn, đồ rằng hát sà sã cả đời chủ yếu ngoài trời trong mọi điều kiện thời tiết- khi người ta sống chết trong cái “nhà hát” của mình - thì sẽ có một giọng hát như thế. Nó phát ra từ cái cổ họng được tôi luyện đến cùng cực.

Được gia cường bởi rượu và nước cốt trầu. Nhiều người sẽ không biết rằng trên sân khấu Nhà hát Lớn hôm ấy, bà hát mà vẫn không rời miếng trầu (chắc bà quên không nhả ra). Đó cũng là một kỹ thuật thanh nhạc sắp thất truyền.

Hát xong, bà lại trở về bên cánh gà. Ngồi đắp áo của con nuôi Bùi Trọng Hiền (nhà nghiên cứu cổ nhạc), ả đào Phạm Thị Huệ thì đeo găng len cho. Bà ngỏ ý sẵn sàng truyền xẩm cho Huệ. “Tôi xuống lỗ đến nơi còn giữ làm gì!” Huệ thì mời Mai Tuyết Hoa đến CLB Ca trù của mình...

Bỗng đâu, đài truyền hình mời bà phỏng vấn. Đài không đến chỗ bà mà bà phải đến chỗ đủ ánh sáng để Đài quay. Cô phóng viên trẻ trung tóc uốn đố: “Hôm nay bà hát bài gì? Bài bà vừa hát có nội dung gì?”. Trả lời: “Nghe thì biết!”.

Không chỉ cùng các đồng nghiệp đổ xô vào chụp bà trên sân khấu, nhà nhiếp ảnh Xuân Bình còn dùng một máy quay cỡ nhỏ ghi lại từng bước chân của bà lúc ra về, rồi bà ngồi đợi ô tô đến đón, bao nhiêu các đào trẻ tới chào hỏi, bị bà mắng mỏ ra sao.

Anh Bình quả là nhìn xa trông rộng... Mấy năm trước bà yếu hơn nhiều, có thầy bói bảo nếu bà qua được đận 79 thì sẽ thọ lắm. Chỉ mong còn nhiều dịp lại được quấy quả Xẩm

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.