NASA khẳng định sứ mệnh cảm tử của tàu vũ trụ thành công

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thử nghiệm lao tàu vũ trụ vào tiểu hành tinh Dimorphos hôm 26/9 nhằm chuyển hướng thiên thể này đã thành công, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) vừa khẳng định.
NASA khẳng định sứ mệnh cảm tử của tàu vũ trụ thành công ảnh 1

Hình ảnh vệt đất đá được tạo nên sau khi tàu vũ trụ của NASA đâm vào tiểu hành tinh Dimorphos do kính viễn vọng chụp ngày 8/10

Sứ mệnh của tàu DART là thử nghiệm đầu tiên của thế giới về phương thức phòng thủ Trái đất trước nguy cơ bị thiên thạch lao vào trong tương lai. Đây cũng là thử nghiệm đầu tiên mà con người tiến hành nhằm chủ ý thay đổi chuyển động của thiên thể trong vũ trụ.

Trước khi đâm vào, Dimorphos có 11 giờ 55 phút bay quanh quỹ đạo Didymos – tiểu hành tinh mẹ của Dimorphos. Các nhà thiên văn học sử dụng kính viễn vọng trên mặt đất để đo lường thay đổi trong quỹ đạo của Dimorphos sau tác động này.

Dimorphos mất 11 giờ 23 phút để quay 1 vòng quanh Didymos. Tàu DART đã thay đổi quỹ đạo của Dimorphos 32 phút.

Ban đầu, các nhà thiên văn học kỳ vọng DART sẽ thành công nếu giảm 10 phút trong thời gian bay quanh quỹ đạo của tiểu hành tinh.

“Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm bảo vệ hành tinh của chúng ta. Đây là hành tinh duy nhất mà chúng ta có”, Giám đốc NASA Bill Nelson phát biểu.

“Sứ mệnh này cho thấy NASA đang cố gắng sẵn sàng cho bất kỳ điều gì mà vũ trụ ném vào chúng ta. NASA đã chứng minh rằng chúng tôi nghiêm túc trong nhiệm vụ bảo vệ Trái đất. Đây là khoảnh khắc dâng tràn đối với phòng thủ hành tinh và tất cả nhân loại, thể hiện cam kết của các nhóm chuyên gia của NASA và các đối tác khắp thế giới”, ông Nelson nói.

Cả hai tiểu hành tinh Dimorphos và Didymos đều không đe doạ Trái đất, nhưng hệ tiểu hành tinh đôi này là mục tiêu lý tưởng để thử nghiệm công nghệ làm chệch quỹ đạo.

Nhóm phụ trách dự án DART cho biết sẽ tiếp tục thu thập dữ liệu bằng cách quan sát hệ tiểu hành tinh đôi, và việc đo lường quỹ đạo có thể sau này sẽ chính xác hơn. Hiện tại vẫn còn sai số từ 1-2 phút.

Hình ảnh mới của Dimorphos do kính viễn vọng Hubble chụp cho thấy đuôi dài như sao chổi do đất đá tạo nên sau vụ va chạm đã chia làm đôi. Các nhà khoa học vẫn đang cố gắng hiểu ý nghĩa của hiện tượng này.

Nhóm nghiên cứu giờ sẽ tập trung đánh giá mức độ tác động mà tàu DART tạo ra đối với Dimorphos. Vào thời điểm va chạm, tàu vũ trụ này đang bay với tốc độ khoảng 122.530km/giờ. Các nhà thiên văn học sẽ phân tích lượng đất đã bị bắn ra sau vụ đâm.

Các thiên thể thường bay gần Trái đất gồm thiên thạch và sao chổi, với khoảng cách dưới 48,3 triệu kilomet so với Trái đất. Phát hiện mối đe dọa từ những vật thể có nguy cơ lao vào Trái đất là nhiệm vụ trọng tâm của NASA và các cơ quan vũ trụ trên khắp thế giới.

Hiện chưa có thiên thạch nào đang đi theo quỹ đạo sẽ lao trực diện vào Trái đất, nhưng có tới hơn 27.000 thiên thạch thuộc mọi hình dạng và kích thước đang bay gần hành tinh của con người.

Theo CNN
MỚI - NÓNG