Nàng tiên cá và người đàn ông quyến rũ

Nàng tiên cá và người đàn ông quyến rũ
TP - Giải “Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất” khiến nàng không khỏi rơi lệ. Còn người đàn ông quyến rũ Daniel Day-Lewis lần thứ hai giành giải thưởng cao quý “Nam diễn viên chính xuất sắc nhất”...

Marion sinh năm 1975 tại Paris, trong một gia đình nghệ thuật. Cha mẹ cô, Jean-Claude Cotillard và  Nisseema Theillaud, đều là những người gắn bó với sân khấu. Gia đình họ lập ra và duy trì nhóm nghệ thuật “Cotillard”. Hai người anh của cô - một là họa sĩ và nghệ sĩ tạc tượng, một là nhà văn.

Nhiều người vẫn cho rằng, sinh ra và lớn lên trong một môi trường như thế thì thành công là đương nhiên. Nhưng nói như vậy là không công bằng với Marion. Cho dù hậu thuẫn từ phía gia đình là rất lớn, năng khiếu cũng đóng vai trò một phần, nhưng nỗ lực vượt bậc của Marion thì không ai có thể phủ nhận được.

Marion không có tuổi thơ, hay đúng hơn, tuổi thơ của cô là chuỗi ngày lao động nghệ thuật bắt đầu từ rất sớm. Khổ luyện trong nhạc viện, miệt mài luyện thanh nhạc và kịch nghệ, cô gần như không có thời gian chơi với bạn bè cùng trang lứa.

Từ năm lên sáu, cô đã xuất hiện liên tục trên sàn diễn, lúc thì sắm một vai diễn nào đó do cha viết và dựng riêng cho, đôi khi lại chỉ là cất tiếng trả lời mẹ đang diễn trên sàn.

Việc luyện thanh phục vụ rất đắc lực cho cô trong những vai diễn sau này, trong đó, đương nhiên, phải kể đến cả vai ca sĩ huyền thoại Edith Piaf trong bộ phim “Cuộc đời màu hồng"(La vie en rose) của đạo diễn Olivier Dahan vừa đoạt giải.

Nàng tiên cá và người đàn ông quyến rũ ảnh 1
Marion Cotillard xúc động nhận giải Oscar

Hy sinh những ngày tuổi trẻ cho sàn diễn

Năm 1994, Marion nhận vai diễn lớn đầu tiên trong  bộ phim truyền hình nhiều tập của Mỹ “Sơn nhân” (Highlander) và từ đó, bắt đầu liên tục xuất hiện trên màn ảnh nhỏ.

Màn ảnh rộng đón nữ minh tinh trẻ tài năng bằng bộ phim “Câu chuyện về cậu chàng không muốn bị hôn” kể về một anh chàng sinh viên cô đơn mơ đến tình yêu và nụ hôn đầu… Bộ phim xinh xắn, dễ thương, nhưng không thực sự gây ấn tượng cho khán giả.

Sau đó, Marion còn được một số đạo diễn Pháp khác mời tham gia vai phụ, nhưng cho đến năm 1997, cô vẫn chưa có được vị trí gì đáng kể trong làng điện ảnh quê nhà.

Chỉ đến khi nhận vai Liti Bertineau  trong bộ phim “Taxi” (1998) của Luc Besson, cô mới bắt đầu tỏa sáng. Những thước phim ấy được coi là sáng giá nhất những năm 90  của nền điện ảnh Pháp và được thế giới đón nhận nồng nhiệt.

Nhờ “Taxi” và với việc được đề cử giải “Sécar”, giải thưởng uy tín của điện ảnh Pháp, Marion trở thành một trong những gương mặt diễn viên hứa hẹn nhất của Pháp, có thể tiếp bước Sophie Marceau trên phim trường quốc tế.

Những lời mời tới tấp gửi đến nữ diễn viên trẻ xinh đẹp này. Năm 2000, cô được mời làm thành viên BGK LH phim viễn tưởng tại Pháp. Năm 2001, cô có vai diễn đặc biệt ấn tượng và cũng là vai nữ chính đầu tiên của cô “Những đồ vật dễ thương” (Les jolies choses) - cô cùng một lúc vào vai hai nhân vật, hai chị em sinh đôi.

Diễn xuất mềm mại, nhuần nhuyễn, giọng ca đẹp và vẻ ngoài duyên dáng đã đem lại cho cô vô số lời khích lệ, đồng thời một lần nữa được đề cử giải Sécar “Diễn viên triển vọng”.

Cô có mặt trong một loạt phim ở đủ các thể loại: hành động, phim hài, phim tình cảm, như “Con cá to” (Big Fish 2003), Lisa (2001), “Chuột túi” (Boomer- 2001), “Nhiệm vụ bí mật” (Une affaire privée - 2002), “Hãy yêu nếu dám liều” (Jeux d'enfants- 2003), “Cuộc đính hôn dài lắm” (Un long dimanche de fiançailles - 2004), “Ngây thơ” (Innocence - 2004), “Ngoại trừ việc giữ thể diện cần thiết” (Sauf le respect que je vous dois - 2005), “Cuộc sống trên mây của tôi” (Ma vie en l'air - 2005), “Chơi đẹp” (Fair Play - 2006), “Một năm may mắn” ( A Good Year - 2006 và “Cuộc sống màu hồng” (La Vie En Rose - 2007)…

Nàng đã không khỏi rơi lệ khi nghe xướng đến tên mình. Giải “Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất” là phần thưởng bất ngờ nhưng xứng đáng cho công sức lao động không mệt mỏi của Marion Catillard thời gian qua...

Sự hợp tác với đạo diễn Jean-Pierre Jeunet đã đánh dấu bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của Marion. Trong “Cuộc đính hôn dài lắm” (Un long dimanche de fiançailles - 2004) của ông, cô vào vai một cô gái làm tiền đã giải nghệ đi tìm người yêu của mình trong bối cảnh đại chiến thế giới I.

Với vai này, Marion chứng tỏ mình một cách rõ ràng hơn tất thảy các vai trước đó, rằng cô không chỉ có lợi thế về sắc đẹp mà còn thực sự biết diễn nữa.

Phát biểu với báo chí, cô tự hào nói rằng, nghề diễn, theo cô, là biết cách có được và thể hiện được cảm xúc của mình, truyền cảm xúc ấy đến với khán giả. Điều này cô đã học được từ người cha mình.

Như vậy, cùng với “Cuộc đính hôn dài lắm”, Marion chính thức trở thành minh tinh ăn khách vào bậc nhất của nền điện ảnh đương đại Pháp. Cô làm việc nhiều và căng thẳng.

Riêng năm 2005 cô tham gia đóng tới 6 bộ phim. Và năm 2007, cô bỏ qua rất nhiều đối thủ để nhận được vai chính trong “Cuộc sống màu hồng”, vai diễn đem lại vinh quang cho Marion hôm nay!

Bàn ra và tán vào

Với bất kỳ một cá nhân nào trong xã hội, bất kỳ một “động thái” nào của họ cũng có thể nhận được vô số lời bàn ra tán vào. Với một minh tinh màn bạc, điều đó phải xác định là gặp như cơm bữa.

Trên báo chí vừa qua, trước khi giải Oscar 2008 vai nữ chính xuất sắc nhất được trao vào tay Marion thì hàng ngày có thể đọc được đến là nhiều lời bàn tán.

Một số tác giả cho rằng, Marion có sắc đẹp gây choáng váng BGK. Cô từng chụp khá nhiều ảnh gợi cảm, đóng trong một số clip “thoáng” nên chuyện cảm tình mà trao giải là chuyện dễ hiểu.

Thêm vào đó, nhiều người chê bộ phim “Cuộc sống màu hồng” hoàn toàn không mang lại điều gì mới lạ cho khán giả. Chuyện đời của huyền thoại Edith Piaf ai cũng đã biết, trong phim, đạo diễn không thêm thắt một tình tiết nào gợi được tò mò cả. Cảnh quay thì mù mờ, gần như không có ánh sáng mặt trời. Mỗi lần chiếu cận cảnh, Marion hiện lên rõ nét với lớp hóa trang khó che đậy, gây phản cảm.

Quả có vậy. Bộ phim không nhằm mục đích tô thêm nét vào cuộc đời của Piaf. Nó chỉ hướng cho người xem nghĩ đến những điều sâu xa hơn nằm đằng sau vinh quang của một người nghệ sĩ.

Cuộc sống thực có màu hồng hay không? Marion Cortillard đã phần nào thấm thía được chân giá trị vinh quang của nghệ sĩ, nhất là vào thời điểm này, khi cô đang đứng trên đỉnh cao của sự nghiệp. Nhờ vậy, cô đã lột tả được bi kịch mà vẫn giữ được vẻ gắng gỏi, không bi lụy.

Những lời khen tặng dành cho Marion:

Diễn viên Cate Blanchett: Marion Cotillard là một diễn viên kỳ lạ. Diễn xuất của cô xuyên suốt bộ phim thật sự là đạt tới trình độ siêu hạng. Rất sống động.

Diễn viên Ryan Gosling: Đối với tôi, diễn xuất của Marion hơn cả một diễn xuất tốt. Nó là bằng chứng cho thấy khả năng yêu của cô, rất nồng nàn!

Diễn viên Keira Knightley: Đây là một trong những bộ phim gây ấn tượng mạnh nhất cho tôi, nhất là vai diễn của Marion.

Ngôi sao dẫn chương trình truyền hình Oprah Winfrey: Diễn xuất rất nổi trội.

Diễn viên Forest Whitaker: (khi được hỏi có ý định trao giải cho ai): Đương nhiên là Marion Cotillard! Các ngài không thấy cô ấy trong “Cuộc đời màu hồng” sao? Biến hóa khôn lường! Thế đấy!

Trên đỉnh vinh quang, “nàng tiên cá” Marion không quay đầu nhìn lại, không cho phép mình được ngủ quên trong niềm vui chiến thắng. Kế hoạch tham gia các bộ phim của Marion đã được lên cho năm 2009, đó là “Số chín” (Nine) của đạo diễn  Rob Marshallvà “Kẻ thù của công chúng” (Public Enemies) của Michael Mann.

Nàng tiên cá và người đàn ông quyến rũ ảnh 2
Daniel Day-Lewis hôn George Clooney - người đã “nhường” Oscar cho anh

Daniel Day-Lewis: Bất thường, điên rồ và quyến rũ

Bất thường và điên rồ?

Báo chí nhiều năm trời viết như thế về anh. Quả đúng, anh rất bất thường! Một diễn viên bình thường không dành quá nhiều thời giờ như vậy để nghiên cứu một kịch bản. Việc này anh thường làm từ 6 đến 8 tháng! Giới điện ảnh vẫn nhớ câu nói nổi tiếng của anh: “Tôi yêu những nhân vật của tôi, và hầu như rất khó chia tay với họ!”.

Mỗi khi nhập vai, anh không chỉ “hóa thân vào nhân vật” như người ta thường nói, mà anh chính là người đó! Anh không còn tồn tại ở thế giới của mình, anh gần như rơi vào một hố đen mà chỉ thoát ra sau khi bộ phim quay xong đã rất lâu rồi!

Với “Băng đảng New York” (Gangs of New York - 2002), anh tiêu tốn thời gian trong lò mổ, học cách liếc dao và xả thịt. Vào vai Bill - Đồ tể, người trong lúc nổi khùng đã tự móc mắt mình, Daniel nhập vai đến độ bạn diễn của anh, Leonardo DiCaprio cũng phát hãi mà tránh mặt anh trong những lúc nghỉ quay!

Đạo diễn Martin Scorsese kể lại: “Trong thời gian quay phim, đôi khi chúng tôi ngồi ăn trưa với nhau. Mặc dù Daniel đã thay đồ, tôi vẫn đeo đẳng cảm giác rằng trước mặt tôi là Bill chứ không phải Daniel. Thậm chí, qua điện thoại trao đổi với anh, tôi vẫn nghĩ mình đang nói chuyện với Bill- Đồ tể”.

Đến với bộ phim “Cái chân trái của tôi” (My Left Foot -1989) của Jim Sheridan, Daniel đã thuê nhà ở gần một trung tâm người tàn tật. Anh học cách vẽ bằng chân trái như nhân vật chính Christy Brown, anh tiếp xúc với những người khuyết tật trong trung tâm và được họ tận tình giúp đỡ.

Hơn thế, trong thời gian đóng phim mấy tháng trời, anh gần như không đứng dậy khỏi chiếc xe lăn, báo hại cả đoàn phim phải đối xử với anh y như với một người thực sự chỉ dùng được chân trái! Vai diễn này đã mang lại cho anh giải Oscar đầu tiên vào năm 1990.

Với “Sẽ có đổ máu” (There Will Be Blood - 2007), Daniel khăng khăng đòi sống trong chiếc lều ở gần khu dầu mỏ Texas.

Những nhân viên kỹ thuật từng làm việc với Daniel kể rằng, họ gọi anh bằng tên nhân vật kể cả khi bất thần gặp anh ở… nhà vệ sinh.

Giai thoại về những chuyện hành xác của anh để hóa thân vào nhân vật vừa là đề tài để báo chí  buôn chuyện, là cớ để thiên hạ gọi anh là “dở người”, đồng thời cũng là một nét quan trọng làm nên “nghệ danh” có một không hai: Daniel Day-Lewis!

Người đàn ông quyến rũ

Daniel Day-Lewis được tạp chí People bình chọn là một trong 50 người đẹp nhất hành tinh năm 2003 này, với chỉ số tuyệt hảo về hình thể, đương nhiên là một người rất quyến rũ.

Trong thời gian đóng phim nếu hóa thân vào nhân vật 99% thì chắc hẳn Daniel vẫn để lại cho mình 1% bé nhỏ, đủ để làm nên những dư luận ì xèo về các mối quan hệ với bạn diễn nữ.

Đó là những tên tuổi: Greta Scacchi, Julia Roberts, Juliette Binoche, Saffron Burrows, thậm chí, cả Madonna và Sinead Oconnor.

Những cảnh quay gợi cảm, đôi lúc bị các nhà phê bình cho rằng “lợi cho mắt các bà, hại cho người yêu phim” khiến Daniel được mệnh danh là Sex-symbol trong suốt nhiều năm và báo chí tha hồ thêu dệt các mối tình giữa những ngôi sao.

Nhưng Daniel có thái độ khá bình thản với những lời ong tiếng ve này, hoặc làm ra vẻ bình thản, mặc dù vì chúng mà mối tình giữa anh với người bạn gái đầu tiên, Sara Campbell, kéo dài những 10 năm, đã tan vỡ.

Với nữ diễn viên người Pháp Isabelle Adjani anh quan hệ từ năm 1989 cho đến 1995, giữa đó có quãng nghỉ “tan rồi hợp”, và cuối cùng lại “hợp rồi tan hẳn” trước khi cô sinh cho anh một đứa con trai là Gabriel Kane.

Adjani kêu ca với báo chí rằng, Daniel nghe tin cô có thai đã gửi qua … fax cho cô tờ đơn ly dị và ban đầu còn không chịu gửi tiền nuôi con, còn chính anh lúc bấy giờ thì đang “vui vẻ” với Julia Roberts!

Thực hư thế nào không ai biết, nhưng ai cũng biết rằng, Daniel sau này rất gần gũi với cậu con trai Gabriel của mình.

Cao 1m87, làn da rám nắng, nụ cười mê hồn, diễn viên 51 tuổi người Ailen gốc Anh Daniel Day-Lewis đã bước trên tấm thảm đỏ để đến với bức tượng vàng Oscar - giải thưởng cao quý “Nam diễn viên chính xuất sắc nhất” anh được nhận lần thứ hai trong nghiệp diễn của mình...

Daniel gặp Rebecca Miller năm 1995 khi chuẩn bị quay bộ phim “Thử thách khắc nghiệt” (The Crucible) do cha cô, Arthur Miller, chồng cũ của Marilyn Monroe, viết kịch bản.

Cuộc tình diễn ra chóng vánh và họ bí mật kết hôn vào năm 1996. Bấy giờ, Daniel vẫn còn quan hệ tình ái với một hướng dẫn viên thể hình tên là Deya Pichardo, đã từng sống với anh tại căn hộ ở Manhattan và anh đã rất vất vả mới thoát ra được vụ bê bối này.

Bù lại, cuộc sống chung với Rebecca Miller tương đối suôn sẻ cho đến nay. Họ có hai con trai nữa là Ronan Cal Day-Lewis (SN 1998) và Cashel Blake Day-Lewis (SN 2002). Daniel càng ngày càng tỏ ra là một ông bố chu đáo, mặc dù để hóa thân vào “vai” này, anh cũng cần không ít thời gian.

Nhắc lại scandal với người vợ cũ, Daniel nói: “Lúc ấy, tôi chưa cảm nhận được trách nhiệm trước những người tôi yêu thương. Tôi bị mụ mị đi giữa những tin đồn trên báo chí. Nhiều khi, tôi hoàn toàn bất lực trước ngoại cảnh!”.

Riêng Rebecca Miller, nói về chồng một cách ngắn gọn: “Anh ấy giản dị hơn rất nhiều so với những gì báo chí nói về anh!”.

“Tôi là người hợp với bóng tối”

Trong một cuộc chuyện trò với nhà báo Mark Binelli vào tháng 2 năm 2003, Daniel tự nói về mình như vậy.

Sinh ra trong một gia đình nghệ thuật “nòi”, có thể nói, anh là diễn viên tương lai may mắn. Thân phụ Daniel là Cecil Day-Lewis (1904-1972), một nhà thơ tiếng tăm, từng được gọi là “Maiakovsky của Anh”, thân mẫu là nữ diễn viên Jill Balcon, con gái Michael Balcon, một nhân vật tên tuổi của làng điện ảnh nước Anh.

Tuổi thơ trôi qua tại Greenwich, không hề êm ả trong những trận ẩu đả bất tận với lũ trẻ địa phương. Để hòa mình với cuộc sống nơi này, cậu bé Daniel không ít lần phải sử dụng tới tài năng kịch nghệ của mình, học cách phát âm của người địa phương vì muốn mình không bị lạc lõng giữa họ.

Bản tính hiếu động, Daniel từng bị liệt vào loại cá biệt, cứng đầu, nhất là khi cha mẹ gửi cậu về trường nội trú Sevenoaks ở Kent, ngôi trường với hàng tá những nội quy khắt khe của nó đã khiến Daniel càng khao khát nổi loạn nhiều hơn. Bù lại, tại đây, cậu học được nghề mộc và tham gia diễn xuất trong đội kịch của trường.

Lần đầu tiên lên sân khấu trong vai một cậu bé da đen với vở “Khóc đi, hỡi miền quê yêu thương” (Cry, The Beloved Country), Daniel đã khiến cha hài lòng, đồng thời lại tự thỏa mãn mình trong việc “trả thù” các giáo viên của trường, nhất là bà hiệu trưởng, người cậu ghét cay ghét đắng.

Trong thời gian tổng diễn tập, hàng đêm, cậu thích thú bôi xi đánh giày lên ga trải giường, viện cớ phải bôi đen để vào vai, làm các nhà giáo dục trong trường xất bất xang bang mà không làm gì được!

Với vẻ ngổ ngáo bất trị, thời gian này, cậu tình cờ được chọn tham gia bộ phim đầu tiên trong đời "Chúa nhật, ngày Chúa nhật chết tiệt” (Sunday, Bloody Sunday -1971) của John Schlesinger, trong vai một đứa trẻ quậy phá ngoài đường phố, ném chai lọ vào xe hơi… và được nhận cat-sê hẳn hoi!

Bộ phim ấy được đề cử giải Oscar. Phải chăng, đó hoàn toàn không phải là tình cờ, mà là điềm báo của số phận về sự nghiệp diễn viên rực rỡ sau này của Day-Lewis?

Tuổi thơ chấm dứt đối với Daniel khi cha cậu qua đời vì căn bệnh ung thư. Nhiều năm qua đi, Daniel vẫn giữ nguyên cảm giác rạn vỡ trong tim khi gia đình không còn bóng người cha. Anh đã thổ lộ điều ấy trong lời nói đầu của cuốn “Cecil Day-Lewis toàn tập”.

Không hẳn là anh từng rất gần gũi với cha. Người cha danh tiếng vẫn giữ một khoảng cách mơ hồ đối với con cái. Nhưng có lẽ, anh đã rất yêu cha, điều mà anh không tự biết được khi ông còn sống, mặc dù, anh từng tâm sự rằng anh đôi lúc cảm thấy nhớ ông kể cả khi ông đang ở rất gần!

Về nghiệp diễn, anh nói: “Nếu có ai nghĩ rằng, người diễn viên cầm kịch bản là lập tức hóa mình vào nhân vật, tựa như bật một cái nút, thì tôi xin ngả mũ trước những diễn viên tuyệt diệu ấy. Tôi thì không làm vậy được”.

Quá trình “hóa thân” đối với Daniel chậm chạp và nghiêm túc. Đổi lại, điều anh  nhận được là những giây phút thăng hoa thực sự. Anh cảm thấy một niềm hân hoan kỳ diệu khi sống cuộc đời của một người lạ, khi làm những điều mà người ấy say mê.

Vì thế, những gì mà người ta ngỡ là vất vả, là lăn lộn với vai diễn, thì đối với anh lại là một dạng adrenalin (thuốc tăng huyết áp) cho đời nghệ thuật của mình. “Rất phê!” - anh từng tuyên bố như vậy! Trả lời câu hỏi: “Có khi nào, anh sợ rằng chẳng về lại được với con người mình nữa không?”, anh lấp lửng; “Ai mà biết được, cũng có thể…".

MỚI - NÓNG