Theo PGS.TS. Nguyễn Đức Hải (BV Trung ương quân đội 108), trời nóng khiến tim đập nhanh hơn, huyết áp vì thế cũng tăng theo. Khi người bệnh ngủ không ngon do nắng nóng, sẽ dễ xuất hiện tình trạng huyết áp tăng cao vào ban đêm làm tổn hại tim mạch.
Khi thời tiết nóng nực làm cho cơ thể đổ mồ hôi dẫn tới mất nước nên có nguy cơ rối loạn nước và điện giải. Nguy cơ này đặc biệt nghiêm trọng đối với bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, có thể xuất hiện những biến chứng như rối loạn nhịp tim, suy thận trước thận (thận không đủ nước để lọc). Thời tiết nắng nóng cũng dễ làm xuất hiện tác dụng phụ của các thuốc điều trị kèm theo như các thuốc ức chế men chuyển (làm suy thận, tăng creatinin trong máu). Thể tích tuần hoàn giảm sẽ gây hiện tượng máu bị cô đặc, trở thành điều kiện thuận lợi cho tai biến tắc mạch do huyết khối, đặc biệt nguy hiểm đối với những người dùng thuốc chống đông không đầy đủ.
Để giảm những nguy cơ trên, theo PGS.TS. Nguyễn Đức Hải, bệnh nhân suy tim đang dùng các thuốc trợ tim, lợi tiểu và các thuốc ức chế men chuyển nên uống nước nhiều hơn, uống nhiều lần trong ngày, không nên để cơ thể rơi vào tình trạng khát nước, tránh đi lại ngoài đường trong trời nắng gắt, thường xuyên ở trong môi trường có điều hòa nhiệt độ càng tốt.
Bệnh nhân mắc bệnh động mạch vành thường có mảng xơ vữa trong lòng động mạch. Do đó, mối nguy hại cho người bệnh tim mạch là khi thời tiết nắng nóng, thể tích tuần hoàn giảm sẽ dễ làm cho động mạch vành thuyên tắc hơn, làm cho bệnh càng thêm nặng nề. Các bệnh nhân này cần phải uống thuốc và uống nước đầy đủ theo chỉ dẫn của bác sĩ, nên ăn nhiều trái cây tươi như cam, quýt, chuối, nho để cung cấp đầy đủ các chất điện giải cho cơ thể sẽ giảm được nguy cơ đau thắt ngực không ổn định và nhồi máu cơ tim.