Nắng nóng, bệnh nhiều

Nắng nóng, bệnh nhiều
TP - Tại các bệnh viện lớn ở Hà Nội và TPHCM, số bệnh nhi mắc cúm, tay chân miệng, sốt xuất huyết, viêm não bắt đầu tăng, nhiều viện nhi quá tải.

> Đột qụy giữa đồng vì nắng nóng
> Sống ‘tầm gửi’ ở bệnh viện

viêm màng não vào mùa

Nằm li bì, mê man trên giường bệnh, phải thở dưới sự trợ giúp của máy móc, bé Hồ Hoàng Sang (8 tháng tuổi) bị viêm não rất nặng, biến chứng đến não. Bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi T.Ư Hà Nội), cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng cứng gáy, lơ mơ, thở ôxy qua mạch.

Đây là một trong số gần 20 trẻ nhập viện điều trị viêm não mỗi tuần tại khoa từ đầu tháng 5 đến nay. Khoa cũng đang điều trị cho gần 10 trường hợp cúm nặng với biểu hiện sốt cao liên tục, ho, khò khè, phải điều trị bằng thuốc kháng virus.

Bác sĩ Hải cho biết, hầu hết trẻ được đưa đến viện trong tình trạng bệnh nặng và rất nặng. Nguyên nhân là triệu chứng ban đầu của viêm não thường giống với các bệnh sốt do virus thông thường như sốt cao, chưa có biểu hiệu rối loạn tri giác nên nhiều bậc cha mẹ không phát hiện được, cho con điều trị tại nhà bằng các loại thuốc kháng sinh, hạ sốt…

Do đó, nhiều trẻ mắc bệnh không được chữa trị kịp thời hoặc do bệnh nặng dẫn đến biến chứng yếu chi, liệt nửa người; nặng hơn là tàn phế, sống đời sống thực vật, thậm chí tử vong.

Trong các bệnh viêm não, nguy hiểm và để lại di chứng nặng nề phải kể đến viêm não Nhật Bản B và viêm não do virus Herpes.

Hiện nay, viêm não do virus Herpes là bệnh viêm não virus duy nhất có thuốc đặc trị, đó là acyclovir. Nhưng đây là bệnh chưa có vaccine phòng bệnh nên biện pháp ngừa bệnh tốt nhất vẫn là ăn uống hợp vệ sinh, giữ sạch mũi họng cho trẻ.

Bệnh viêm não, viêm màng não thường xuất hiện mạnh vào đầu tháng 5 và bùng phát từ tháng 6 đến hết tháng 10 hằng năm. Tiêm phòng và đảm bảo chế độ dinh dưỡng để tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh là biện pháp hạn chế nguy cơ mắc bệnh.

Khi trẻ có các biểu hiện sốt, rối loạn tri giác (khóc nhiều, ngủ lơ mơ hoặc hôn mê, co giật), nôn nhiều, giảm vận động (trẻ nhỏ thường sốt kèm theo quấy khóc nhiều, ngủ nhiều hoặc ít hơn so với ngày thường, hoặc ở dạng ngủ gà…), nên đưa trẻ đi khám ngay.

Các bệnh viện nhi quá tải

Trẻ mắc sốt xuất huyết không còn chỗ nằm phải ra nằm ở hành lang BV Nhi đồng 1. Ảnh: L.N
Trẻ mắc sốt xuất huyết không còn chỗ nằm phải ra nằm ở hành lang BV Nhi đồng 1. Ảnh: L.N.

Nắng nóng kéo dài thời gian qua khiến bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, tiêu chảy và hô hấp bùng phát, các bệnh viện nhi ở TPHCM quá tải.

Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM hôm qua không còn chỗ trống. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, cho biết, hơn 10 ngày nay, khoa quá tải trầm trọng do lượng trẻ nhập viện vì dịch tay chân miệng quá đông.

“Từ 80 trẻ nhập viện/ngày cách đây một tháng, trong tuần qua, mỗi ngày, nơi đây tiếp nhận từ 150-170 bệnh nhi”, bác sĩ Khanh nói. Tình trạng tương tự diễn ra ở khoa Nhiễm thuộc Bệnh viện Nhi đồng 2. Bác sĩ Trịnh Hữu Tùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp bệnh viện này cho biết, mỗi ngày nơi đây tiếp nhận khoảng 5.000 lượt bệnh nhi đến khám và điều trị, trong đó khoảng 60% trẻ đến từ các tỉnh.

“So với tháng trước, trong tháng năm này, số trẻ mắc tay chân miệng, hô hấp và sốt xuất huyết tăng cao bất thường do thời tiết thay đổi, nắng nóng kèm có mưa vào chiều tối”, bác sĩ Tùng nói. Tại khoa Nhiễm của bệnh viện này, hiện mỗi ngày có khoảng 120 trẻ mắc bệnh điều trị nội trú, tăng 50 ca so với một tháng trước.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, số trẻ mắc tay chân miệng nhập viện cũng gia tăng, trong số hơn 50 bệnh nhân đang nằm điều trị có tới 10 ca bệnh nặng từ độ ba trở lên. Không chỉ tay chân miệng, bệnh sốt xuất huyết và hô hấp cũng đang bùng phát.

Tại khoa Sốt xuất huyết của Bệnh viện Nhi Đồng 1, mỗi ngày có khoảng 120 trẻ nhập viện khiến cho khoa này quá tải trầm trọng, 2-3 trẻ phải nằm một giường và nằm hành lang. Bệnh viện Nhi đồng 2 mỗi ngày cũng tiếp nhận 40 ca sốt xuất huyết.

Theo BS Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, tuần qua, thành phố ghi nhận có khoảng 300 ca sốt xuất huyết. Bác sĩ Trần Thị Thu Loan, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho rằng, trong một tháng nắng nóng trở lại đây, số trẻ mắc các bệnh liên quan hô hấp cũng tăng đột biến.

Hiện mỗi ngày nơi đây tiếp nhận gần 300 trẻ mắc bệnh hô hấp, tăng 30-40% so với nhiều tuần trước. Quá tải, nhiều phụ huynh phải đưa con ra gốc cây hóng mát, trải chiếu, mắc võng dày đặc ở hành lang. Bác sĩ Loan cho biết, mùa nắng nóng, độ ẩm trong không khí khá cao là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, siêu vi… bùng phát.

“Trẻ rất dễ mắc bệnh vì sức đề kháng còn yếu, đặc biệt ý thức tự phòng bệnh chưa cao khi tiếp xúc với môi trường bên ngoài, nên phụ huynh cần lưu ý để giúp trẻ có thể phòng tránh bệnh”, bác sĩ Loan lưu ý.

Bác sĩ Hoàng Lê Phúc, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết, nắng nóng cũng là thời điểm bệnh tiêu chảy gia tăng ở trẻ. “Do nắng nóng thức ăn dễ bị hư thiu, môi trường ô nhiễm làm phát tán mầm bệnh tiêu chảy, trẻ hay khát nước nên dễ uống những loại nước giải khát không đảm bảo vệ sinh khiến nguy cơ mắc bệnh cao”, bác sĩ Phúc nói.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hải, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM) cho biết, trung bình mỗi ngày nơi đây có khoảng 900 người đến khám, nhưng những ngày nắng kéo dài, oi bức vừa qua có khi lên 1.300 bệnh nhân.

“Do thời tiết nóng bức nên đa số bệnh nhân lớn tuổi mắc các chứng bệnh cao huyết áp, tim mạch và hô hấp đến khám”, bác sĩ Hải nói. Thời tiết nắng nóng, oi bức làm cho người lớn tuổi đi tắm nhiều, sử dụng quạt máy hoặc máy lạnh không phù hợp khiến bệnh viêm đường hô hấp cấp gia tăng. Ngoài ra, do nhiệt độ thay đổi đột ngột nên nhiều người mắc bệnh cao huyết áp dễ gặp tai biến như đột qụy.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG