Nắng nóng 41 độ C: Khốn khổ đủ đường

Nắng nóng 41 độ C: Khốn khổ đủ đường
TP - Nắng nóng nung đốt phía Bắc hai ngày qua. Nhiệt độ phổ biến ở mức 38 đến 39oC, có nơi đỉnh điểm lên tới 41oC. Học sinh nhiều trường phải rời lớp vì bức bối ngộp thở, bệnh viện tiếp nhận thêm nhiều bệnh nhi mắc bệnh nặng, trong khi dự báo hôm nay, nhiệt độ vẫn chưa giảm.

> Nhiệt độ cao nhất gần 40 độ C
> Người Hà Nội liêu xiêu tránh nắng

Học sinh khốn khổ

Chiều 16/5, khi đến trường Tiểu học Kim Đồng, Ba Đình, Hà Nội đón con, anh Hải thấy con tỏ ra ủ rũ, mệt mỏi và đòi ngày mai được nghỉ học.

Anh Hải kể: “Cháu bảo dù lớp có điều hoà nhưng vẫn thấy nóng vì lớp quá đông (64 học sinh). Đến giờ nghỉ trưa nhiều bạn cứ ngọ nguậy, vì không ngủ được. Vì thế hôm nay, cô giáo thông báo ngày mai nếu bạn nào thấy khó chịu quá vì trời nóng thì có thể xin phép nghỉ học ở nhà. May là trường cháu đã thi xong học kỳ nên các con cũng được thoải mái”.

Tuy nhiên, không nhiều trường tiểu học tổ chức thi sớm như các trường của quận Ba Đình. Một phụ huynh Trường Tiểu học Láng Thượng, quận Đống Đa than phiền trời nắng nóng quá khiến con chị bị ốm, ăn vào nôn ra, hắt hơi nhiều, mũi xanh đặc nhưng vì hôm nay là ngày thi, chị vẫn buộc phải cho con đi học. Các trường tiểu học của quận Thanh Xuân cũng tuần này mới thi.

Cô Đinh Thuỳ Dương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Xuân Trung cho biết: “Trừ một lớp thuộc khối 4, còn lại các lớp khác trong trường đều đã lắp điều hoà nên không vấn đề gì. Với lớp không có điều hoà, trường xử lý bằng cách chia nhỏ lớp ra rồi gửi các em ngồi học ở các lớp khác của khối 4. Đang thi cuối năm nên trường không thể cho các con nghỉ học được”.

Trong lớp ngột ngạt
Trong lớp ngột ngạt. Ảnh: Ngọc Châu

Theo nhiều cán bộ quản lý ngành giáo dục, hiện nay phần nhiều lớp học của các trường tiểu học đều đã lắp điều hoà nên nắng nóng như mấy hôm nay không thực sự đáng ngại.

“Tôi yêu cầu giáo viên không tổ chức các hoạt động ngoài trời cũng như giữ các con ở lại trong lớp vào giờ ra chơi. Để đảm bảo sức khoẻ cho các con, tôi yêu cầu nhà bếp phải chuẩn bị thực đơn dễ ăn cho các con trong những ngày này, chẳng hạn trong suất ăn phải có các loại canh dễ làm trôi cơm như canh rau ngót, canh bí đao nấu thịt”, cô Phạm Thị Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thành Công B nói.

Trong đợt nắng nóng này, đối tượng phải chịu nhiều sự khốn khổ nhất lại là học sinh các lớp lớn. “Hầu như không có trường THPT công lập nào có điều hoà, đã vậy điều kiện cơ sở vật chất của phần lớn các trường lại cũ kỹ, chật chội nên các em học mà như bị tra tấn. Học sinh khổ đã đành mà giáo viên cũng khổ vì các em không tập trung, dạy rất oải. Đã vậy tất cả các trường đều phải tổ chức học một buổi. Nhìn học sinh đạp xe đội trời nắng ra về lúc 12 giờ trưa chúng tôi cũng xót nhưng không thể giữ các em lại, vì còn phải nhường chỗ cho học sinh ca chiều”, cán bộ quản lý một trường THPT ở nội thành nhận xét.

Thêm nhiều bệnh nặng

Các bác sĩ dự báo lượng bệnh nhân sẽ tăng nếu đợt nắng nóng nhất từ đầu hè kéo dài bốn ngày qua tiếp tục đổ lửa.

Tại Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Nhi T.Ư), trẻ đến khám chủ yếu mắc các bệnh tiêu chảy, sốt, viêm đường hô hấp. Bệnh nhi Hoàng Bảo Thiên (Hà Nội) bị ho sau khi uống nước lạnh. Chị Hương, mẹ bé tự mua thuốc nhưng bé vẫn sốt cao. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm đường hô hấp cấp và sốt, phải điều trị bằng kháng sinh.

Nắng nóng, nhiệt độ tăng cao ngay từ đầu mùa đã gây tâm lý lo lắng cho một mùa hè khắc nghiệp, do biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét. Nhiều gia đình ở Hà Nội, nhất là những hộ ở nhà cao tầng đã đổ đi mua điều hòa nhiệt độ lắp chống nắng. Đồ điện lạnh cháy hàng ngay trong ngày nắng nóng hôm qua.

Theo TS. Phạm Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, ngày 16/5 có hơn 2.000 bệnh nhi đến khám, không đông hơn so với những ngày thời tiết mát mẻ. Thậm chí, số bệnh nhi nội trú còn giảm, chỉ 1.260 trẻ trong tổng số 1.200 giường bệnh, nên tình trạng nằm ghép rất ít.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, “Nếu nắng nóng vẫn tiếp tục, hai ngày tới, lượng bệnh nhi đổ về sẽ đông hơn. Nguyên nhân là bệnh tật không đến ngay, nó phải đủ thời gian mới gây suy giảm sức đề kháng của trẻ, khiến trẻ mệt vì khả năng điều hòa nhiệt kém”.

Lượng bệnh nhân không tăng nhưng trẻ mắc bệnh đều nặng hơn do thời tiết thay đổi, chênh lệch nhiệt độ khi trẻ đi từ vùng nóng vào phòng có điều hòa lạnh và do cơ thể chưa kịp thích nghi với nhiệt độ cao bất thường. Bên cạnh đó, nhiều cha mẹ chủ quan thấy con bệnh nhẹ nên tự mua thuốc về cho trẻ uống. Bệnh tình không đỡ mà còn nặng lên mới đưa đến bệnh viện điều trị.

Bác sĩ Dũng cho biết, một số loại virus như virus hợp bào hô hấp thường trực ở mũi họng, khi người nhiễm virus sẽ phát bệnh như viêm họng, cảm cúm. Trời nóng, trẻ ở trong phòng có điều hòa, quạt, tắm nhiều hơn, là điều kiện thuận lợi cho virus phát triển. Thời tiết những ngày vừa qua cũng khiến trẻ bị tiêu chảy kèm theo sốt. Nhiều trẻ bị sốt do nhiễm trùng hoặc hệ thống điều hòa thân nhiệt của trẻ chưa ổn định nên khi bên ngoài trời nắng nóng quá cũng khiến trẻ tăng thân nhiệt.

Theo bác sĩ Long, trong một vài ngày tới, lượng bệnh nhân cao tuổi đến khám và nhập Bệnh viện Lão khoa điều trị cũng sẽ tăng, chủ yếu là mắc bệnh về huyết áp và tim mạch (mạch vành, bệnh nhân sau can thiệp, bị van tim, suy tim).

Bác sĩ Dũng cho biết thêm nắng nóng, bật quạt quá mạnh, để nhiệt độ điều hòa quá lạnh hoặc sử dụng trong thời gian dài khiến nhiều trẻ dễ bị viêm phổi, viêm phế quản, viêm mũi, hen suyễn, viêm xoang... Diễn biến bệnh rất nhanh, có thể chuyển từ ho sốt sang viêm phổi chỉ trong vòng một ngày vì sức đề kháng của trẻ còn yếu.

Do đó, khi thấy trẻ có các biểu hiện bất thường, tránh để ở nhà tự điều trị dẫn đến suy hô hấp nặng. Bác sĩ khuyến cáo không để nhiệt độ điều hòa chênh lệch lớn so với nhiệt độ bên ngoài. Tốt nhất để điều hòa ở nhiệt độ 27-28 độ C; không nên để trẻ chạy ra vào phòng liên tục, sự thay đổi nhiệt độ đột ngột cũng khiến trẻ dễ đổ bệnh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG