Năng lượng cứu cánh cho Việt Nam, câu hỏi ngỏ

TP - Gần 10.000 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá chưa tính đủ vào giá điện trong năm qua trong bối cảnh các nguồn điện sơ cấp tại Việt Nam đã được khai thác hết và nguy cơ thiếu điện rình rập diễn ra từ năm 2020 là lời cảnh báo gây sự chú ý được đưa ra trong những ngày gần đây.

Việc giá điện hơn 2 năm qua chưa được điều chỉnh, giá than luôn bị kìm hãm và EVN phải bán điện dưới giá thành cho hàng loạt huyện, xã đảo cùng với phải lo gánh nhiệm vụ công ích đang khiến các tập đoàn lo phát triển năng lượng cho đất nước phải oằn mình.

Các chi phí không được tính đúng tính đủ trong giá thành sản xuất đẩy các tập đoàn lớn như EVN, TKV thiếu hụt nguồn phát triển. Với nhu cầu sử dụng điện liên tiếp tăng cao qua nhiều năm trong khi hơn 3 năm chưa có một công trình điện lớn nào ở Việt Nam được khởi công (mỗi dự án phải mất tối thiểu từ 5-7 năm để hoàn thành) để lại nhiều suy ngẫm. Nỗi lo thiếu điện sau năm 2020 ngày càng hiện thực hơn.

Sẽ phải gấp rút tăng nguồn năng lượng tái tạo, đẩy mạnh tuyên truyền tiết kiệm điện, sử dụng nước từ các nhà máy thủy điện hiệu quả, tăng cường đầu tư… là các giải pháp được Cục trưởng Điều tiết Điện lực Nguyễn Anh Tuấn đưa ra trong gói kế hoạch  chống thiếu điện cho Việt Nam những năm tới.

Tuy nhiên, việc năng lượng tái tạo có thực sự là cứu cánh cho Việt Nam trong bối cảnh hiện nay hay không vẫn là câu hỏi ngỏ. Hàng loạt dự án điện gió, điện mặt trời được Bộ Công Thương phê duyệt nhanh chóng trong hai năm trở lại đây nhưng việc triển khai đến nay vẫn chỉ là… ở trên giấy. Những ì èo về việc thu phí cấp phép, doanh nghiệp đi đường vòng để mua bán dự án điện gió, điện mặt trời cũng bắt đầu xuất hiện.

Câu trả lời khá thực tế được chính Cục Điều tiết Điện lực đưa ra: Giá thành điện gió rất đắt. Số liệu cho thấy giá điện gió EVN mua năm 2017 là 1.842,7 đồng/kWh. Mức giá này cao hơn rất nhiều so với giá thuỷ điện và cao hơn 115% so với điện than  và cao hơn 152% so với điện  khí. Thậm chí điện gió tại Việt Nam so với điện nhập khẩu từ Trung Quốc cũng cao hơn 110%. Chi phí của EVN giá điện mặt trời tương đối cao. Kỳ vọng giá năng lượng tái tạo sẽ giảm nhanh trong các năm tới đến nay vẫn chỉ là... dự báo.

Ở góc nhìn khác, bên cạnh các yếu tố khách quan, có thực tế, quy hoạch sử dụng năng lượng của Việt Nam cũng có vấn đề khi dự báo tiêu thụ năng lượng điện, than tại Việt Nam trong năm 2018 vượt xa kịch bản trước đó của cơ quan quản lý. Việc nhiều nhà máy nhiệt điện phải dừng các tổ máy do thiếu than thời gian vừa qua cho thấy vẫn còn một câu hỏi lớn về năng lực dự báo của cơ quan quản lý... Việc sớm điều hành giá điện, than theo đúng cơ chế thị trường sẽ là chìa khóa để giải tỏa những điểm nghẽn trong phát triển năng lượng tại Việt Nam trong các năm tới. Còn nếu không giá phải trả cho thiếu điện sẽ là rất cao.

MỚI - NÓNG