Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam với PV Tiền Phong về Kế hoạch của T.Ư Đoàn triển khai thực hiện Kết luận 21, Hội nghị lần thứ 4 BCH T.Ư Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” (Kết luận 21).
“Quan điểm của Ban Bí thư T.Ư Đoàn là xác lập toàn diện và thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhóm giải pháp để cụ thể hóa Kết luận 21, xem đây là cơ hội để tổ chức Đoàn, đoàn viên thanh niên thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác xây dựng Đoàn và tích cực tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị”.
Anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư T.Ư Đoàn
Ngăn chặn từ xa biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị
Thưa anh, T.Ư Đoàn đã có những hành động, kế hoạch thế nào để thực hiện Kết luận 21 của BCH T.Ư Đảng khóa XIII?
Ngày 3/12, Ban Bí thư T.Ư Đoàn ban hành Kế hoạch số 460-KH/TWĐTN-BTC về thực hiện Kết luận số 21 Hội nghị lần thứ 4 BCH T.Ư Đảng khóa XIII. Như vậy, đến thời điểm này, T.Ư Đoàn là tổ chức đầu tiên của cả nước triển khai kế hoạch thực hiện Kết luận số 21 của Đảng.
Trong sáng 9/12, T.Ư Đoàn nối điểm cầu đến 7 tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc, 1.358 Đoàn cấp huyện, tương đương cấp huyện để các cấp bộ Đoàn được tiếp thu, lĩnh hội các nội dung của hội nghị, quán triệt, triển khai Kết luận 21. Qua đó, giúp cán bộ Đoàn, đoàn viên nhận thức đầy đủ, toàn diện ý nghĩa, tầm quan trọng cũng như các nội dung trọng tâm của kết luận, thống nhất về nhận thức và hành động trong toàn Đoàn và tuổi trẻ cả nước.
Ngay sau hội nghị cán bộ toàn quốc, chiều cùng ngày, T.Ư Đoàn tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thực hiện Kết luận 21 của Đảng.
Quan điểm của Ban Bí thư T.Ư Đoàn là xác lập toàn diện và thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhóm giải pháp để cụ thể hóa Kết luận 21, xem đây là cơ hội để tổ chức Đoàn, đoàn viên thanh niên thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác xây dựng Đoàn và tích cực tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị.
Đâu là nội dung đột phá của T.Ư Đoàn trong thực hiện kết luận này, thưa anh?
T.Ư Đoàn xác định nội dung đột phá là tập trung nâng cao tính chính trị của đoàn viên và tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ Đoàn; ngăn chặn từ sớm, từ xa những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, bắt đầu từ đoàn viên và đảng viên trẻ. Đồng thời, phát huy vai trò của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng và hệ thống chính trị.
Cùng với đó là các giải pháp về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Đoàn các cấp; tham gia giám sát, phản biện xã hội theo quy định của Đảng và phân công của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung của Kết luận 21 trong hệ thống Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Xây dựng hình mẫu thanh niên
T.Ư Đoàn có những giải pháp nào để nâng cao tính chính trị của đoàn viên và tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ Đoàn, thưa anh?
Để nâng cao tính chính trị của đoàn viên và tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ Đoàn, T.Ư Đoàn triển khai nhiều nhóm giải pháp. Trong đó, đáng chú ý là ban hành Hướng dẫn triển khai đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong đoàn viên, thanh niên giai đoạn 2022 - 2026. Định kỳ hằng năm, tổ chức chương trình “Khát vọng cống hiến - Lẽ sống thanh niên” để phát động đợt sinh hoạt chính trị trên cả nước.
Đặc biệt, là việc đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, coi đây là nội dung quan trọng hàng đầu để xây dựng Đoàn vững mạnh về chính trị. Định kỳ hằng năm, T.Ư Đoàn xây dựng các chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với cán bộ Đoàn và đoàn viên, thanh niên. Các cấp bộ Đoàn đổi mới học tập, cụ thể hóa thành những việc đoàn viên, thanh niên cần làm để trở thành những con người mới có đạo đức cách mạng, có lẽ sống và khát vọng, có tinh thần dấn thân, lòng nhân ái, quét sạch chủ nghĩa cá nhân.
Bên cạnh đó, T.Ư Đoàn tăng cường hướng dẫn, theo dõi, đánh giá việc triển khai chương trình “Rèn luyện đội viên”, “Rèn luyện đoàn viên”. Mỗi cơ sở đoàn xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên gắn với đối tượng đoàn viên, thanh niên của đơn vị mình nhằm cụ thể hóa cuộc vận động “Xây dựng hình mẫu giá trị thanh niên Việt Nam thời kỳ mới”. Thực hiện hiệu quả và thực chất Chỉ thị của Ban Thường vụ T.Ư Đoàn về việc “Tăng cường rèn luyện tác phong, thực hiện lề lối công tác của cán bộ Đoàn” gắn với việc đề cao vai trò nêu gương của cán bộ Đoàn, Hội, Đội, nhất là người đứng đầu.
Trong thời gian tới, gắn với triển khai Kế hoạch 460 cụ thể hóa Kết luận 21 của Đảng, T.Ư Đoàn sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp này để ngày càng nâng cao hơn nữa tính chính trị của đoàn viên và tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ Đoàn.
Cảm ơn anh!