Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế - Nguyễn Tiến Đông cho biết: Điểm nổi bật là cơ cấu tín dụng ngân hàng tiếp tục được “nắn” vào các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ như tam nông, xuất nhập khẩu, DN vừa và nhỏ… Qua đó góp phần quan trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Với các lĩnh vực vốn chiếm tỷ trọng lớn trước đây như cho vay lĩnh vực bất động sản (BĐS) và chứng khoán, theo ông Đông các điều kiện, quy định cho vay nay đã chặt chẽ hơn. “Thực tế, có những ý kiến lo ngại khi nới quy định này, dòng tiền ngân hàng chảy mạnh vào các địa chỉ này. Nhưng, tôi nghĩ các ngân hàng vẫn đang phải trả giá cho các khoản đầu tư BĐS từ 5 - 7 năm vừa rồi nên họ không dại gì đổ mạnh vốn vào lĩnh vực này. Ngay cả khách hàng cũng có kinh nghiệm xương máu”- ông Đông nói.
Theo TS Trần Du Lịch - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, tăng trưởng tín dụng công bố như vậy là tín hiệu tốt. Tuy nhiên, điều doanh nghiệp (DN) cần, vẫn là lãi suất trung, dài hạn phải tốt hơn. “Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa thực sự cải thiện được nhiều và DN vẫn đang gặp khó khăn. Nên dù một lượng cung vốn lớn đang được các ngân hàng sẵn sàng chờ thì sức cầu DN vẫn chưa sẵn sàng. Lãi suất trung, dài hạn vẫn còn cao và cần phải giảm thêm nữa”- ông Lịch đề xuất.
Trước quan ngại tín dụng tăng nhanh cuối năm, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) phân tích: Do có hai dịp Tết liền nhau nên vốn nhập khẩu hàng hóa, vay tiêu dùng mua sắm cao gấp đôi. Từ đó, khiến tín dụng tăng nhanh và mạnh vào cuối năm chứ không phải các ngân hàng muốn thế để làm đẹp con số tín dụng.
Theo dự báo NHNN năm 2015 tăng trưởng tín dụng có thể ở mức 13 - 15%. Đây được xem là mức hợp lý phù hợp với dự báo khác liên quan đến chỉ số kinh tế vĩ mô và đáp ứng nhu cầu vốn cần của nền kinh tế.