Nan giải chuyện nhà ở cho giáo viên miền núi

Nan giải chuyện nhà ở cho giáo viên miền núi
TP - Tại nhiều xã của huyện miền núi Đakrông, Quảng Trị, hằng ngày người ta vẫn chứng kiến cảnh giáo viên ăn ở, sinh hoạt chen chúc trong những căn phòng tập thể chật chội.
Nan giải chuyện nhà ở cho giáo viên miền núi ảnh 1
Căn phòng vốn là lớp học nay trở thành nơi ăn ở của 25 giáo viên trường THCS A Bung.

Thậm chí, có trường còn phải dùng cả phòng học để làm nơi ở cho giáo viên (GV). Thực trạng trên kéo dài từ nhiều năm nay nhưng vẫn không được quan tâm giải quyết.

Khu tập thể của Trường tiểu học xã A Bung có 4 phòng dành cho 21 GV. Mỗi phòng rộng 14 m2, vừa đủ đặt một cái bàn và 2 chiếc giường (loại 1,2m x 2m) làm chỗ ngủ cho 4 thầy cô.

Riêng căn phòng cuối khu tập thể lại rất đặc biệt, vì gần 2 năm nay phòng chỉ có một chiếc giường (1,6 m x 2 m) nhưng có 6 người (gồm 4 cô giáo, một cháu bé gần 2 tuổi và một bà mẹ già hơn 60 tuổi từ miền xuôi theo con dâu lên miền núi trông cháu ngủ chung)!

Cô giáo Võ Thị Ánh Nguyệt tâm sự: “Thật khó có thể hình dung cảnh 6 con người (thuộc 3 thế hệ) cùng sinh sống trong một căn phòng 14 m2. Dù không ai nói ra nhưng thực tình mọi người đều rất ngại mỗi khi trời tối”. Còn cô Lê Thị Thanh thì cho biết: “Phòng chỉ có mỗi một cái bàn, người này soạn giáo án thì người kia phải chờ”.

Cũng trên địa bàn xã A Bung, đội ngũ GV của trường THCS A Bung có 25 người thì từ 3 năm nay phải sử dụng một phòng học của học sinh để làm nhà ở.

Thầy giáo Tạ Văn Quyến, Hiệu trưởng nhà trường nói: “Chúng tôi là giáo viên dạy học nhưng điều kiện ăn ở, sinh hoạt lại rất tạm bợ”. Ban giám hiệu nhà trường và các thầy cô giáo đã không ít lần kiến nghị, nhờ chính quyền địa phương cùng can thiệp nhưng rồi chẳng biết bao giờ vấn đề nhà ở mới được giải quyết.

Phải chờ đợi từ năm này sang năm khác, các thầy cô đành tự an ủi nhau, thôi thì mình chịu khổ vì cái chữ cho con em đồng bào và cuối cùng là cố gắng chịu đựng cho xong 3 năm dạy học nghĩa vụ ở miền núi.

Ông Mai Huy Phương - Trưởng phòng Giáo dục huyện cho biết, hiện các trường tiểu học ở các xã A Vao, Ba Lòng, Đakrông và ngay như thị trấn Krông Klang của huyện Đakrông cũng đang lâm vào cảnh tương tự.

Ông Phương cho biết thêm: Trước mỗi năm học mới, Phòng Giáo dục cũng chỉ biết sắp xếp chỗ ở cho hợp lý và quan trọng hơn là động viên các thầy các cô khắc phục khó khăn. Chúng tôi rất muốn xây dựng nhà ở tập thể ở các trường để giáo viên yên tâm công tác nhưng không có kinh phí.

Chủ tịch UBND xã A Bung, ông Hồ Văn Kheo:  “Bản thân tôi cũng như các bậc phụ huynh cũng không dám kỳ vọng nhiều, vì không thể đòi hỏi thầy cô giáo tìm tòi, sáng tạo và cống hiến hết mình khi chỗ ăn chỗ ở luôn tạm bợ kéo dài từ năm này sang năm khác...”.   

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.