Với phong trào chính trị En Marche! (Luôn di chuyển), ông Macron đã đắc cử để trở thành Tổng thống Pháp từ năm 2017 để lấp vào chỗ trống quân chủ và tung cú đấm vào làn sóng dân túy đang càn quét châu Âu.
Từ chiếc ngai của các vị vua Pháp, ông có bài diễn văn đầu tiên tại hai viện của quốc hội. Vị tổng thống mới đắc cử tuyên bố sẽ thúc đẩy những cải cách tự do và khôi phục nhân phẩm cho nước Pháp.
18 tháng sau, vị “quân vương” mới đối mặt với làn sóng nổi dậy của những người dân bất mãn, đại lộ Champs-Elysees danh tiếng ngập tràn những người biểu tình khoác áo vàng đối đầu với cảnh sát và la hét giận dữ những câu như: "Couper la tête du roi!" (chặt đầu vua đi!).
Làn sóng biểu tình đến nay vẫn chưa dứt đã phơi bày những chia rẽ sâu sắc của nước Pháp, giữa những người thành thị quý tộc với dân nông thôn nghèo, giữa những người thắng và kẻ thua của toàn cầu hóa. Làm cách nào để nhà lãnh đạo trẻ tuổi đầy xông xáo lại thấy mình bị đẩy ra xa như vậy? Có phải do lỗi của những cận thần kỹ trị quanh ông hay do ông chưa bao giờ có được sự ủng hộ thực sự của dân chúng?
Dù không lên nắm quyền nhờ kế vị, ông Macron đắc cử một phần do thủ lĩnh cực hữu Marine Le Pen. Trong vòng bầu cử tổng thống đầu tiên, ông Macron chỉ giành được 25% phiếu. Kết quả này đưa ông vào thế đối đầu trực tiếp với bà Le Pen trong vòng hai. Một sự ủng hộ lớn dành cho ông Macron là từ những cử tri muốn đẩy người đứng đầu Mặt trận quốc gia khỏi vị trí lãnh đạo.
Người ta có thể cho rằng không phải chương trình nghị sự thúc đẩy cải cách tự do hóa đã giúp ông Macron đắc cử, mà vì nhiều cử tri sợ lựa chọn kia.
Vì thế, đến nay có ý kiến hoài nghi rằng ông có thực sự là người của số đông.
Tuổi thơ đủ đầy của ông Macron không giống những đứa trẻ con nhà bình dân. Sinh ra trong một gia đình giàu có ở Amiens, ngày xưa ông là đứa trẻ mọt sách.
Những người tiền nhiệm của ông như ông Nicolas Sarkozy hay Francois Hollande đều quan tâm đến chính trị từ rất sớm, nhưng ông Macron đến năm 20 tuổi vẫn thích đàm luận với triết gia Paul Ricoeur hơn đi ra ngoài, đến nhà người khác, nói chuyện với cử tri hay quan chức địa phương.
Con đường sự nghiệp của ông Macron dường như cũng được trải hoa hồng. Ông học ở trường danh tiếng nhất nước Pháp, Ecole Nationale d'Administration, và năm 32 tuổi ông đã trở thành chuyên gia đầu tư trẻ tuổi nhất của ngân hàng đầu tư đa quốc gia Rothschild.
Con đường thênh thang đó khiến ông có niềm tin rằng, nếu chăm chỉ và kiên trì, ông có thể làm gần như mọi thứ. Sau khi đắc cử, vị tổng thống năng nổ không lãng phí thời gian đã bắt tay ngay vào triển khai kế hoạch tham vọng nhằm cải tổ đất nước, điều mà những người khác từng thử nhưng không làm được.
Ông Macron triển khai thành công kế hoạch cải tổ ngành đường sắt đang đìu hiu, nới lỏng quy định lao động, giảm thuế tài sản để khuyến khích những người có thu nhập cao giữ tiền ở Pháp, và hứa sẽ cải tổ hệ thống phúc lợi nhà nước. Những người phản đối nhanh chóng gán cho ông biệt danh “tổng thống của người giàu”.
Xa cách dân thường
Tháng 6 năm nay, ông Macron công khai mắng mỏ một thiếu niên dám gọi ông bằng biệt danh “Manu”. Trong clip ghi lại cảnh đó, cậu bé đã nhanh chóng xin lỗi tổng thống, nhưng bị ông Macron mắng trong mất phút. “Cháu phải gọi tôi là Ngài Tổng thống!” ông Macron nói với cậu bé. Đoạn phim được chia sẻ nhanh chóng trên mạng xã hội, nhiều người bày tỏ đồng cảm với cậu bé và cho rằng ông Macron đã làm nhục cậu.
Vài tháng sau, trong một chuyến đi đến Đan Mạch, ông Macron bị bắt gặp lúc gọi người Pháp là “Những người Gaul không muốn thay đổi”. Các chính trị gia đối lập ở Pháp lên án ông Macron là “sỉ nhục bản sắc của người Pháp” và thể hiện sự “coi thường” chính người dân của mình. Còn công đoàn Pháp cho rằng hàm ý của từ Gaul là chỉ người dân thường, là “con dân của vua”.
Dù ông Macron sau đó thừa nhận đã sai, nhưng không cứu vãn được tổn thất. Không lâu sau đó, Ông Macron lại khiến những người thiếu việc làm ở Pháp “nóng mắt” khi nói với một người thợ làm vườn thất nghiệp 25 tuổi rằng ông có thể tìm việc cho anh ta một cách dễ dàng. “Có cả núi việc, anh tìm đi! Các khách sạn, quán cafe, nhà hàng – chỉ sang bên kia đường tôi đã có thể tìm một việc cho anh”, ông Macron nói trong trong cuộc tiếp xúc vào tháng 9. Cách nói của ông Macron đã bị những người không ưa lên án là “xa rời người dân”.
Những phản ứng đó kết hợp với các kế hoạch cải cách kinh tế tự do hóa của ông càng bồi thêm bất mãn dân túy sau 1 năm ông lên cầm quyền.
4 tuần sau cuộc tiếp xúc của ông Macron với người làm vườn thất nghiệp, bà Jacline Moraud, một người đến từ vùng Brittany, phía tây bắc nước Pháp, lên Facebook kêu gọi mọi người chống lại đề xuất tăng thuế của Tổng thống. “Ông đang làm gì với tiền của dân Pháp hả ông Macron?” bà Moraud, 51 tuổi, lặp đi lặp lại câu hỏi này. Đoạn video thu hút được hơn 6 triệu lượt xem và bà Mouraud trở thành một trong những phát ngôn viên không chính thức đầu tiên của phong trào áo vàng.
6 đợt biểu tình vào cuối tuần diễn ra liên tục, khiến các công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của nước Pháp bị đập phá, hàng nghìn người bị bắt và 10 người thiệt mạng. “Không có Giáng sinh cho tư sản” là khẩu hiệu được hô khắp Khải hoàn môn Arc de Triomphe, nơi tưởng niệm binh lính vô danh.
Dù đã đưa ra nhiều nhượng bộ để xoa dịu người biểu tình, ông Macron vẫn phải đối diện với câu hỏi rằng liệu ông có thể lấy lại niềm tin của dân Pháp hay không.
Nhà phân tích chính trị Dominique Moisi cho rằng điều này rất khó. “Một khi anh đã làm bẽ mặt người dân hoặc một khi người dân cảm thấy bị anh làm bẽ mặt thì rất khó để lấy lại lòng tin”, ông Moisi nói.