Năm tháng Gạc Ma: Ước nguyện của Trang

TPO - Tháng 3 năm 2015, Phan Thị Trang gửi thư tới Bộ trưởng bộ Y tế trình bày về hoàn cảnh gia đình. Anh trai bị tàn tật, mẹ thường xuyên đau ốm. Còn cha cô, người đáng ra phải là trụ cột của gia đình khó khăn ấy, đã hy sinh tại Gạc Ma 27 năm về trước.

Ngày 14/3/1988, bầy lính ngoại bang xả súng trên bãi Gạc Ma. Những người lính quân đội nhân dân Việt Nam đứng đó giương cao lá cờ Tổ quốc. Họ ngã xuống, khẳng định một ý niệm bất diệt về chủ quyền.

Năm tháng Gạc Ma: Ước nguyện của Trang ảnh 1

1988, năm mà Trang ra đời cũng là năm mà bố Sơn hy sinh để khẳng định chủ quyền Tổ quốc nơi đảo xa. Cô gái sẽ không thể có ký ức về cha mình. Nhưng ngày hôm nay, mỗi lần nhắc đến cha, Trang thừa nhận rằng mình vẫn không kìm được nước mắt.

Nước mắt của người ở lại có thể là nước mắt nhớ thương, nhưng cũng có thể là nước mắt của cơ cực. Bao nhiêu khó khăn chồng lên vai khi người chồng, người cha, người gánh vác cả gia đình đã ra đi.

Tháng 3, khi hỏi về Gạc Ma, cô gái trẻ chỉ nói rằng cô ước sẽ không còn chiến tranh nữa, để không một người vợ nào mất chồng, một người con nào mất cha.

Ước mong ấy nghe tưởng rất quen thuộc, rất lý thuyết. Nhưng khi nó được nói ra bởi một đứa con đã mất cha, đứa con trong một gia đình bất hạnh chịu bao nhiêu cực nhọc vì sự thiếu vắng bóng người đàn ông, đứa con của một liệt sỹ đã ra đi trong nỗ lực chống lại âm mưu bá quyền, bành trướng, nghe đau xót. “Ngày 14/3, mình vẫn mong cha mình có thể quay về” – Trang viết.

Chiến tranh không phải điều gì xa xôi. Nó vẫn hiện hữu trên gương mặt của những người mẹ, người vợ, những đứa con hôm nay.

Chiến tranh không phải điều gì xa xôi. Nó vẫn hiện hữu những dòng tin thời sự. Những căng thẳng nảy sinh bởi chủ nghĩa bá quyền, bởi sự thiếu thiện chí trong đối thoại, trong tình yêu hoà bình, khiến cho ước vọng của những con người nhỏ bé như Phan Thị Trang cứ mãi mong manh.

Ước mong của Trang khiến người ta nhớ đến câu hát của nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn. Có một bài ca không bao giờ quên, là lời đất nước tôi chẳng phút bình yên.

Cho dù bộ trưởng Y tế đã đề nghị sở Y tế Nghệ An xin việc cho Trang ở gần nhà để tiện chăm sóc mẹ già thì đó cũng chỉ là một nghĩa cử đơn lẻ. Không thể nào khoả lấp được triệu triệu nỗi đau mà chiến tranh đã và vẫn đang gây ra trên mảnh đất này.

Năm 1988 không chỉ là ký ức dành cho những người như Trang. Nó là điều cần được nhắc lại, không chỉ trong những ngày 14/3 hàng năm. Lịch sử cần được nhớ, để mỗi người trong chúng ta, cho dù chưa từng nếm trải nỗi đau của chiến tranh, hiểu rằng mình đang đối mặt với điều gì, và cần làm gì.

Một đất nước mạnh, một đất nước hoà hiếu, một đất nước tự chủ và tránh được sự xấm lấn của ngoại bang – đấy là điều mà những người nhỏ bé như Trang, từ khi mới lọt lòng, như cha cô, đã đánh đổi để xây dựng. Và nó cần được tiếp tục vun đắp bởi những người còn sống.

Ước mong của Trang về một ngày về của người cha sẽ không bao giờ thành hiện thực. Nhưng ước mong của Trang, về việc chiến tranh không bao giờ tái hiện trên mảnh đất này, là điều mỗi người có thể chung tay.

>> Đặt câu hỏi Giao lưu trực tuyến Năm tháng Gạc Ma TẠI ĐÂY

MỚI - NÓNG